Mùa đông, cơ thể của trẻ rất dễ bị lạnh cóng. Nếu được chữa trị mau lẹ, chứng lạnh cóng không để lại hậu quả lâu dài tuy nhiên những ca lạnh cóng nặng có thể dẫn tới hoại tử và phải cắt bỏ vùng lạnh cóng. Vì vậy cha mẹ cần biết triệu chứng để có cách sơ cứu cho bé khi bị lạnh cóng.
Chứng lạnh cóng xuất hiện khi ra ngoài không khí cực lạnh khiến cho máu ngưng chảy tới vùng bị phơi bày ra khí lạnh và vùng da nơi đó hóa đông lạnh. Trong các ca điển hình, da thoạt tiên đỏ lên, rồi căng bóng sau đó chuyển sang màu xám mờ xỉn. Đôi khi có thể sinh ra những bọng bước. Ngón tay, ngón chân, mũi và tai hay bị lạnh cóng nhất.
Chứng lạnh cóng ở trẻ em có nghiêm trọng không?
Chứng lạnh cóng nghiêm trọng và phải được xử lý như một trường hợp cấp cứu, có những trường hợp bạn phải tiến hành ngay. Nếu được chữa trị mau lẹ, chứng lạnh cóng không để lại hậu quả lâu dài tuy nhiên những ca lạnh cóng nặng có thể dẫn tới hoại tử và phải cắt bỏ vùng lạnh cóng.
Triệu chứng lạnh cóng ở trẻ em có thể gặp:
- Vùng da cứng, đỏ, lạnh thường ở tay, ngón chân, mũi hay tai, trở nên căng bỏng rồi chuyển sang màu xám xỉn.
- Nổi bọng nước nhỏ trên vùng tổn thương,
- Tê ở vùng tổn thương
Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị lạnh cóng?
- Hãy đưa ngay bé ra khỏi nơi cực lạnh. Nếu có thể, bạn hãy nhờ một người khác kêu giùm bác sĩ. Nếu bạn chỉ có một mình, đừng ngưng lại để đi gọi bác sĩ trước khi thực hiện một số động tác sơ cứu.
- Không được hơ nóng trực tiếp hay chà xát vùng bị lạnh cóng. Nếu là ngón tay hay ngón chân bị lạnh cóng, hãy ngâm những ngón này vào nước ấm để giữ được nguyên độ ẩm. Nếu bạn không có sẵn nước nóng, hãy ủ ấm vùng da bị cóng bằng cách cặp tay hay chân bé vào nách bạn, hoặc ôm sát mặt bé vào thân bạn.
- Quấn nhiều chăn mền quanh bé và cho bé uống đồ uống nóng. Hãy tự tay bạn cho bé uống nếu tay bé bị lạnh cóng. Đừng để cho bé bước đi với bàn chân bị lạnh cóng.
- Khi vùng bị cóng ngả sang màu hồng, hãy ngưng làm ấm, lấy gạc hay bông gòn hoặc bất cứ thứ vải nào mềm, ấm có sẵn trong tầm tay, bao bọc lại và đi ngay tới phòng cấp cứu gần nhất.
- Trên đường đi tới bệnh viện, hãy giữ vùng bị cóng cho ngang tầm với lồng ngực của bé để giúp cho máu lưu thông. Ví dụ như nâng cao chân hay đặt tay ngang ngực.
Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ bị lạnh cóng?
Đưa bé tới bệnh viện gần nhất ngay sau khi bạn đã làm cho da vùng bị cóng ửng hồng trở lại.
Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ bị lạnh cóng?
Bác sĩ sẽ kiểm tra xem máu đã lưu thông tới vùng bị cóng chưa. Có thể cần đến những thuốc làm máu lưu thông tốt hơn nếu lưu thông máu chưa trở lại bình thường.
Giúp trẻ bị lạnh cóng bằng cách nào?
Luôn luôn quấn mền giữ ấm cho con bạn khi trời lạnh.
Nội dung bài viết do Bác sĩ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sĩ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.