Những điều cần biết khi trẻ bị táo bón

trẻ bị táo bón

Táo bón là hiện tượng bé đi cầu ra phân cứng như sỏi và khi đi thì khó chịu, bị đau. Bé thường bị táo bón khi bắt đầu ăn dặm. Vậy cha mẹ cần làm gì để phòng tránh hiện tượng táo bón cho bé?

Một đứa trẻ táo bón đi cầu ra phân cứng như sỏi và khi đi cầu thì khó chịu và có khi rất đau. Từ táo bón dùng để mô tả độ cứng của phân chứ không chỉ tính đều đặn hay số lần đi cầu. Khi còn nhỏ chứng táo bón ít khi xảy tới cho các bé bú mẹ cũng như bú bình. Tuy nhiên khi bắt đầu chuyển qua ăn đặc các bé có thể bị táo bón nếu chế độ ăn của bé không có đủ rau, trái cây tươi và nước. Khi ở tuổi lên hai lên ba, chứng táo bón có thể thành vấn đề, vì một số lý do khác: Một số cha mẹ bị ám ảnh rằng việc con mình phải đi cầu đều đặn là quan trọng trong thời gian bé tập chủ động trong việc đi tiêu, nên bé phản ứng bằng cách nhịn đi cầu, coi như một vũ khí trong trận đấu trí này.

Quy tắc hướng dẫn là nếu bé hoàn toàn vui vẻ và khỏe mạnh, không tỏ ra có dấu hiệu nào khó chịu, và phân không cứng như sỏi, là bé không bị táo bón. Nếu bé đi cầu ra phân khô và cứng trong thời gian bệnh mà bị sốt hoặc ói mửa, thì đó cũng không phải là táo bón thực sự. Cơ thể bù trừ lại phần nước mất đi do ói mửa hoặc sốt, bằng cách hấp thu lại nước hàm chứa trong phân, và một khi khỏi bệnh thì sẽ đi cầu bình thường trở lại. Trong trường hợp bé vô tình đi phân ra quần, khi đã biết tự đi cầu, bạn sẽ có thể nghĩ là bé bị tiêu chảy, nhưng trên thực tế đây có thể là chứng ỉa đùn, như người ta gọi, khi táo bón kinh niên dẫn tới phân cứng đóng cục lại trong ruột và phân lỏng rỉ ra thoát khỏi khối tắc nghẽn.

Triệu chứng táo bón ở trẻ em có thể gặp:

  • Phân cứng như sỏi.
  • Đau ở bụng dưới.
  • Máu dây ra tã hay quần lót.

Chứng táo bón ở trẻ em có nghiêm trọng không?

Đôi khi bị táo bón thì không nghiêm trọng và có thể tránh được bằng cách ăn theo một chế độ giàu chất xơ. Táo bón kinh niên có thể là một điều nghiêm trọng vì nó gây ra nhiều vấn đề sau này.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị táo bón?

  1. Nếu bé rặn khi đi cầu và kêu đau, bạn hãy kiểm tra xem phân cháu đi ra cứng hay mềm.
  2. Nếu bé kêu đau bụng, bạn hãy nắn vùng bụng bên phải, dưới rốn xem có thể bé bị viêm ruột thừa chăng?

Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ bị táo bón?

  • Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu bé kêu đau khi đi cầu. Hãy đưa bé đến ngay bác sĩ, nếu bạn để ý thấy có máu dây ra tã hay quần. Người ta gọi đây là một vết nứt hậu môn, và bé có thể ngại đi cầu thêm nữa, vì sợ vết nứt nhỏ này làm cho đau. Hãy đưa ngay đến bác sĩ nếu bạn nghi ngờ viêm ruột thừa.
  • Đi cầu ra máu có thể là dấu hiệu của một bệnh tiềm ẩn và bao giờ cũng đáng được quan tâm.

Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ bị táo bón?

  • Bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc nhuận tràng rất nhẹ, được bào chế đặc biệt cho các em bé và trẻ em, có thể cho bé uống một cách an toàn trong thời gian vài ngày. Bác sĩ cũng có thể cho bạn lời khuyên về chế độ ăn của cháu.
  • Nếu nghi ngờ là có một vết nứt ở hậu môn, bác sĩ sẽ khám trực tràng và nếu thấy một vết nứt nhỏ, bác sĩ sẽ thoa trơn nhẹ nhàng lỗ hậu môn để giúp cho mau lành da.

Giúp trẻ bị táo bón bằng cách nào?

  • Đừng bao giờ dùng thuốc nhuận trường, trừ khi có lời khuyên của bác sĩ. thuốc nhuận trường chỉ làm cho ruột thêm lười biếng.
  • Trong trường hợp một thuốc nhuận trường đã được kê toa cho con bạn, hãy theo đúng lời chỉ dẫn của nhà sản xuất.
  • Hãy cho bé ăn càng nhiều thức ăn thiên nhiên, không qua chế biến công nghiệp càng tốt, có chất xơ trong chế độ ăn dưới dạng ngũ cốc còn nguyên cám – như gạo lức và bánh mì nguyên cám chẳng hạn – trái cây và rau tươi. Bạn đừng nghĩ là chỉ cần rắc cám lên các bữa ăn của bé là tốt; làm như vậy có thể loại trừ một vài chất khoáng ra khỏi khẩu phần. Tuy nhiên, một vài trái mận nấu mềm, hay trái vải khô có thể tạo ra phân mềm trong vòng 24 giờ.
  • Hãy cho bé uống nhiều nước.
  • Đừng để cho bé ngồi bô lâu. Bé có thể có cảm tưởng là bắt buộc phải đi ra phân, không thì bạn không tán thành.
  • Nếu bé ở tuổi đi học rồi, bạn chớ có hối thúc khi bé đang đi cầu. Nếu buổi sáng bận rộn, bạn hãy bảo đảm cho bé có đủ thì giờ đi cầu, không lo phải hấp tấp tới trường sợ trễ giờ. Nhiều trẻ thích đi cầu ở nhà vì chúng thấy các tiện nghi vệ sinh ở trường thiếu kín đáo.

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!