Viêm dạ dày, ruột non là tình trạng dạ dày và ruột non bị viêm. Bệnh viêm dạ dày, ruột non rất nghiêm trọng đối với trẻ em, đặc biệt là các em bé, bởi vì các triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy có thể dẫn tới mất nước nghiêm trọng.
Viêm dạ dày, ruột non là tình trạng dạ dày và ruột non bị viêm. Triệu chứng gồm có nôn mửa, buồn ói, tiêu chảy, đau bụng quặn và biếng ăn. Nguyên do thông thường nhât của bệnh viêm dạ dày, ruột non ở trẻ em là siêu vi “rotavirus”, có thể hít vào đường hô hấp và có khuynh hướng dễ lây lan cho cả cộng đồng. Bệnh cũng có thể gây ra do ruột tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn, thường từ thức ăn bị nhiễm khuẩn, thường từ thức ăn bị nhiễm bẩn, khi đó được gọi là ngộ độc thực phẩm, hoặc do một ký sinh trùng, gây ra bệnh kiết lỵ. Viêm dạ dày, ruột non cũng có thể là triệu chứng của một bệnh khác, như bệnh cúm chẳng hạn, khi đó vi khuẩn lây bệnh có thể lan truyền sang ruột qua dòng máu tuần hoàn. Khi nôn mửa và tiêu chảy đi kèm với các triệu chứng bệnh cúm, thì được gọi là cúm “dạ dày”.
Viêm dạ dày, ruột non rất thường gặp ở các trẻ bú bình và là hậu quả của việc tiệt trùng không tốt các vật dụng dùng để cho bú.
Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày, ruột non ở trẻ em
- Nôn mửa.
- Buồn ói.
- Tiêu chảy.
- Đau bụng quặn.
- Biếng ăn.
- Thân nhiệt gia tăng.
Bệnh viêm dạ dày, ruột non ở trẻ em có nghiêm trọng không?
Bệnh viêm dạ dày, ruột non rất nghiêm trọng đối với trẻ em, đặc biệt là các em bé, bởi vì các triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy có thể dẫn tới mất nước nghiêm trọng.
Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị viêm dạ dày, ruột non?
- Ngưng cho ăn hoàn toàn và ngưng cho bú và chỉ cho bé uống nước thôi, cứ 15 phút lại cho uống một chút.
- Cho bé nằm nghỉ với một tô lớn đặt cạnh giường, lỡ như cháu có ói mửa.
- Cẩn thận cho cháu rửa tay sau khi đi cầu để ngăn ngừa không cho bệnh lây lan.
Có cần đi khám bác sỹ không trẻ bị viêm dạ dày, ruột non?
Hãy đi khám bác sỹ ngay, nếu bé bị tiêu chảy và nôn mửa trên sáu tiếng và bạn không khắc phục nổi, chỉ bằng chế độ uống toàn nước thôi.
Bác sỹ có thể làm gì trẻ bị viêm dạ dày, ruột non?
- Bác sỹ sẽ kê toa một thứ bột để bỏ thêm vào mọi đồ uống của cháu. Bột này hàm chứa đường glucose và các khoáng chất thiết yếu là những chất đã mất đi do nôn và tiêu chảy. Để tránh khỏi bị mất nước, cần phải cho bé uống 200ml nước cho mỗi kg thể trọng trong 24 giờ đầu bị tiêu chảy và nôn mửa.
- Bác sỹ khuyến cáo nên cho nằm nghỉ và ăn theo chế độ ăn lỏng cho đến khi hết nôn mửa và tiêu chảy.
- Đối với một em bé bú bình, có thể bác sỹ khuyên bạn nên thay thế các cữ bú sữa bằng dung dịch glucose rồi chỉ định cho bạn theo một chế độ nhằm trở lại các cữ bú sữa bột theo công thức.
- Trong trường hợp bé bệnh nặng, bác sỹ có thể cho cháu nhập viện để có thể truyền dịch vào tĩnh mạch cho cháu để đối phó với chứng mất nước.
Giúp trẻ bị viêm dạ dày, ruột non bằng cách nào?
- Nếu bé được các bác sỹ cho nhập viện, bạn hãy cố gắng ở lại bệnh viện cùng với bé. Hiện nay, các bệnh viện thường khuyến khích các bậc cha mẹ làm điều này.
- Bạn phải giữ vệ sinh hết sức cẩn thận. Bạn hãy tiệt trùng tất cả các đồ dùng cho bé ăn nếu bé đang bú sữa bình. Bạn hãy rửa tay trước khi cho bé ăn và sau khi thay tã.
- Tránh cho bé uống các đồ uống chứa a-xít như nước cam hay nước bưởi. Các thức uống này sẽ làm cho bé khó chịu thêm.
- Hãy cho ăn từ từ trở lại khi thấy bé có vẻ thèm ăn, khởi đầu bằng những thức ăn mềm dễ tiêu như mứt, sữa chua, các món xúp và thức ăn không chứa nhiều mỡ.
- Nếu cháu không chịu uống đủ nước, hoặc không ưa vị của thuốc bột đặc biệt, hãy cho cháu nhấp những miếng dưa lê hay dưa hấu xắt hạt lựu, hoặc tự bạn pha lấy món đồ uống có glucose với 20ml (4 muỗng cà phê) glucose và 2,5ml (1/2 muỗng cà phê) muối pha với 500ml (nửa lít) nước đun sôi để nguội.
Xem thêm:
Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.