Những điều cần biết khi trẻ bị viêm Amidan

trẻ bị viêm amidan

Viêm Amiđan – là chứng bệnh rất hay gặp ở trẻ em, đây là một chứng bệnh mà các hạch hạnh nhân amiđan bị nhiễm trùng cấp tính bị gây ra bởi vi khuẩn chuỗi cầu streptococcus, cũng có thể bị gây ra do siêu vi khuẩn.

Khi các vi khuẩn tấn công cơ thể, các hạch nhân ở vị trí phía sau hai bên họng, bắt đầu hình thành các tuyến phòng vệ đầu tiên bằng cách giăng bắt để diệt vi khuẩn, chính tuyến phòng thủ này giúp cho ngăn chúng không thể xâm nhập thông qua đường hô hấp.

Trong quá trình chống lại các vi khuẩn này, các amidan sẽ bị nhiễm trùng và trở lên đỏ tấy, do đó gây ra các triệu chứng sốt, đau họng, nổi hạch. Ở vị trí sau khoang mũi, các sùi vòm họng thường xuyên bị nhiễm trùng thường xảy ra ở trẻ nhỏ tuổi. Vào độ tuổi này, kích thước các sùi vòm họng và các hạch hạnh nhân sẽ khá lớn sau khi tiếp xúc với các vi khuẩn gây bệnh. Sau một thời gian, khi tính đề kháng đã cao, các sùi vòm họng sẽ giảm kích thước và giảm bớt đi các đợt viêm amidan. Khi trẻ lên 10, đa số sẽ không còn bị viêm amidan nữa.

Triệu chứng của chứng viêm Amidan ở trẻ em có thể gặp

  • Đau họng, có thể làm cho khó nuốt.
  • Amiđan đỏ và sưng lên, có thể phủ những đốm vàng.
  • Nhiệt độ trên 380C.
  • Sưng hạch ở cổ.
  • Thở bằng miệng, ngáy và nói ngọng mũi khi sùi vòm họng bị viêm.
  • Hơi thở có mùi khó chịu.
Trẻ bị viêm Amidan
Trẻ bị viêm Amidan

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị viêm Amidan?

  1. Nếu con bạn kêu đau cổ hoặc bạn để ý thấy là bé ăn uống khó khăn, hãy khám họng bé nơi có ánh sáng tốt, đầu bé ngửa về đằng sau và lấy cán một chiếc muỗng sạch đè nhẹ lên lưỡi. Bảo bé nói “AAA” kéo dài. Làm như vậy sẽ mở họng ra và chỉ cần một hay hai giây là đủ để trông thấy amiđan có đỏ, lớn lên hay có lấm tấm những đốm vàng hay không.
  2. Hãy cặp nhiệt xem bé có sốt không.
  3. Kiểm tra xem hạch con bạn có sưng không bằng cách lần ngón tay xuống hai bên cổ và dưới cằm -hạch sưng nắn sẽ cảm thấy như những hạt đậu lớn dưới da.
  4. Nếu con bạn đủ lớn, hãy hỏi xem bé có đau tai không. Ở một đứa trẻ nhỏ, hạn hãy ghi nhận xem bé có bứt hay vò một bên tai không. Kiểm tra tai xem có thấy nước gỉ ra không.
  5. Hãy cho bé uống nhiều nước mát để làm dịu họng bé.

Chứng viêm Amidan ở trẻ em có nghiêm trọng không?

Bệnh chỉ trở lên nghiêm trọng khi bệnh amidan kèm theo bệnh viêm tai giữa, khi bệnh lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ có thể dẫn tới điếc vĩnh viễn. Đặc biệt, bệnh có thể để lại những biến chứng nguy hiểm: thấp khớp cấp và viêm thận.

Có cần đi khám bác sỹ không khi trẻ bị viêm Amidan?

  • Bác sỹ có thể lấy mẫu quẹt họng bằng một que quấn bông gòn (hoàn toàn không đau đớn), gửi đến phòng xét nghiệm để xác định vi trùng nào gây nên bệnh nhiễm trùng. Bác sỹ có thể kê toa thuốc kháng sinh nếu có vẻ là một bệnh nhiễm vi khuẩn. Không có thuốc đặc hiệu để chữa viêm amiđan do siêu vi.
  • Bác sỹ sẽ khám tai và màng nhĩ con bạn để kiểm tra xem có dấu hiệu nhiễm trùng nào không. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng nào, người ta sẽ kê toa thuốc kháng sinh.
  • Nếu con bạn mắc phải nhiều đợt viêm amiđan hoặc nếu sùi vòm họng lớn lên gây nhiễm trùng tai giữa lặp đi lặp lại, người ta có thể giới thiệu bạn tới một nhà chuyên môn để xem có phải cắt amiđan hay nạo sùi vòm họng cho bé hay không. Những tình huống khiến cho người ta có thể thực hiện phẫu thuật, sẽ cần xét tới những yếu tố sau đây:
  1. Tuổi: Người ta hiếm khi thực hiện phẫu thuật trên trẻ con trước tuổi lên bốn.
  2. Lúc bắt đầu bị viêm amiđan: Khoảng thời gian con bạn bị những đợt viêm amiđan hay đau tai trở lại là quan trọng. Đa số bác sỹ sẽ đợi hai năm trước khi quyết định cắt amiđan.
  3. Ảnh hưởng trên đứa trẻ: Người ta khuyên nên cắt amiđan khi mà các đợt sưng nhiều đến độ ảnh hưởng đến việc học của bé vì nó cứ vắng mặt trên lớp quá nhiều hoặc vì sức khỏe của bé kém hẳn đi vì bé ăn không được ngon miệng.

Việc gì có thể làm để giúp trẻ bị viêm Amidan?

  • Hãy chữa trị cho bé y như cách bạn sẽ làm khi bé sốt. Không nhất thiết phải nằm giường, nhưng nên giữ bé trong một căn phòng ấm áp.
  • Duy trì cho lượng nước bé uống vào được cao, bằng cách năng cho bé uống nước.
  • Hãy cho bé ăn các thức ăn dạng lỏng như cháo,xúp.. nếu bé cảm thấy khó nuốt, chứ đừng bao giờ ép bé phải ăn. Hãy cho bé ăn những thức ăn bé ưa thích, đặc biệt là những thứ nào trơn tuột, nuốt vào dễ dàng như kem hay sữa chua lạnh chẳng hạn.
  • Đừng bao giờ cho con bạn “khò” nước khi đang đau họng bởi vì làm như vậy sẽ khiến bệnh nhiễm trùng dễ lây lan từ họng sang tai giữa.

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!