Trẻ em luyện phiên âm như thế nào?
Khi Tiểu La Tường được một tuổi tám tháng, chúng tôi bắt đầu dạy cháu phiên âm tiếng Hán, việc này khó hơn là dạy chữ cho cháu. Riêng những âm đơn giản như “a, o, e” chúng tôi phải luyện cho cháu mấy chục lần cháu mới phát âm chuẩn được. Đối với một đứa trẻ chưa đầy hai tuổi, hệ thống ngữ âm chưa phát triển, thì đây quả là bước đột phá vĩ đại. Từ đó về sau, việc học phiên âm diễn ra rất thuận lợi, cháu đọc và nhận biết các âm, vần rất nhanh và dần dần bước vào giai đoạn viết phiên âm cho chữ.
Việc viết phiên âm cho chữ đã nâng cao khả năng tư duy của cháu. Chúng tôi viết phiên âm cho những chữ mới trong bài, để cháu tự đọc, cách này đã nâng cao khả năng tự học của cháu. Một số chữ mới và bài Tĩnh dạ tư của Lý Bạch, hay Ly ly nguyên thượng thảo của Bạch Cư Dị cháu đều tự đọc và tự học thuộc.
Từng bước, từng bước cháu bước vào thế giới đọc, thế giới tri thức tương lai.
Khi một tuổi tám tháng, La Tường đã biết 800 chữ, chúng tôi bắt đầu dạy cháu đọc. Đầu tiên, chúng tôi luyện cho cháu đọc câu, câu ngắn, câu dài, rồi đến đọc đoạn. Từng bước cháu đọc câu, rồi đọc đoạn rất trôi chảy. Chúng tôi đọc mẫu một lần các bài văn, bài thơ, bài hát cho cháu nghe, để khơi gợi hứng thú của cháu, sau đó dạy cháu các chữ mới. Sau khi đã học xong các chữ mới, chúng tôi cầm tay cháu chỉ chữ đọc một lần, khuyến khích cháu đọc dần dần. Lúc mới bắt đầu, cháu đọc còn ngắc ngứ, sau cháu đọc rất lưu loát.
Buổi tối ngồi trên giường, chỉ cần nghe thấy bố mẹ nói La Tường đọc sách là cháu giơ tay ra chuẩn bị đọc. Một đứa trẻ hai tuổi mà chăm chỉ như vậy quả là đáng mừng.
Trong vòng ba tháng, cháu đã học xong quyển ngữ văn tiểu học tập một. Khi hai tuổi hai tháng, cháu đã học gần hết quyển ngữ văn tập hai. Cháu đọc được các bài văn như “Quạ uống nước”, “Khỉ xuống núi”. Cháu học thuộc 13 bài thơ cổ, một số bài hát trẻ em và đoạn văn ngắn.
Để tăng hứng thú đọc cho cháu, chúng tôi không ngừng đổi mới phương pháp như làm báo tường Trang học tập, mỗi tháng ra hai, ba số, nội dung gồm có “thế giới thơ”, “tản văn ngắn”, “truyện”, “bài hát trẻ em”, nội dung phong phú, hình ảnh sinh động. Cháu rất thích.
Khi cháu đang chơi, cháu có thể dừng lại đọc Trang học tập trên tường, đọc xong lại đi chơi. Khi đó, trẻ sẽ có cảm giác học giống như chơi.
Khi hai tuổi rưỡi, cháu đã học xong quyển ngữ văn tiểu học (tập hai). Khả năng đọc của cháu tăng lên dần dần, cùng lúc cháu cũng có lựa chọn khi đọc. Có một số bài văn cháu cho rằng mình đã biết đọc hoặc cháu không thích thì cháu không chịu đọc.
Khi trẻ khoảng ba tuổi sẽ xuất hiện thời kỳ phản kháng thứ nhất, thời kỳ này diễn ra trong một thời gian ngắn
Người lớn không nên sốt ruột, không được bắt ép trẻ và nổi nóng với trẻ, mà phải phân tích nguyên nhân tại sao trẻ không muốn đọc sách, có thể là do những hoạt động khác thu hút trẻ, cũng có thể do tâm trạng của trẻ không tốt, hoặc trẻ cảm thấy không khoẻ. Khi đó, người lớn phải vỗ về, tỏ ra thân thiết với trẻ, từ từ hướng dẫn trẻ đọc. Khi cháu nhà tôi không muốn đọc, tôi bèn nói: “Bố đọc cho con nghe nhé?” Cháu gật đầu. Thế là tôi đọc cho cháu nghe.
Khi thời kỳ này qua đi, cháu sẽ lấy lại được lòng nhiệt tình học tập. Rất nhiều vị phụ huynh không biết làm thế nào với con trong thời kỳ này, họ sử dụng phương pháp đơn giản, thô bạo và dẫn đến việc giáo dục sớm thất bại nhanh chóng. Điều đó quả là đáng tiếc.
Cha mẹ phải luôn ý thức được rằng, trẻ cũng có tình cảm, chúng không phải là cái máy. Người lớn phải tôn trọng chúng, không được làm tổn thương chúng. Khi trẻ thấy chán ghét việc đọc, chúng ta phải thay đổi phương pháp, lựa chọn những nội dung và phương pháp mà trẻ thích, dẫn dắt trẻ đọc. Chẳng hạn, chúng tôi đã viết lại tóm tắt những câu chuyện trong 365 chuyện kể hàng đêm sao cho dễ hiểu, ngắn gọn và chứa khoảng năm, sáu từ mới. Chúng tôi viết bằng bút lông, vẽ thêm hình ảnh, phiên âm chữ mới cho cháu đọc. Nếu cháu thích bài hát, chúng tôi viết lời bài hát, phiên âm chữ mới, để cháu đọc cháu hát. Cháu rất thích.
Bé La Tường ba tuổi có thể đọc những câu chuyện ngắn gọn, đơn giản như Alibaba và 40 tên cướp, Thần bút Mã Lương, Võ Tòng đánh hổ, hay Bài hát 365 đêm, đọc và học thuộc gần 40 bài thơ cổ.
Đọc đã chắp thêm đôi cánh vàng cho cháu, ngôn ngữ của cháu phong phú hơn, vượt trội hơn cả những đứa trẻ lớn hơn cháu. Khi lên hai tuổi rưỡi cháu vào nhà trẻ, thầy cô giáo đều nhận xét cháu nói rất giỏi. Trời mưa cháu biết nói: “La Tường đi con đường lầy lội về nhà”. Khi đi xe buýt, cháu biết nói “Đường không bằng phang, ô tô nghiêng ngả, lắc lư” khiến mọi người rất ngạc nhiên. Đọc đã làm cho cháu hình thành thói quen học tập, đọc làm sâu sắc thêm và củng cố việc học chữ của cháu.