Sức hấp dẫn của chữ

Ví dụ của sức hấp dẫn của chữ với trẻ em

Ngôn ngữ của bé La Tường phát triển tương đối muộn. Khi hơn một tuổi ba tháng, cháu cũng chỉ mới biết gọi bố gọi mẹ. Nhưng cả ngày cháu cứ bi bô, điều đó thể hiện tính hiếu kỳ và ham học hỏi. Một hôm bà nội cho cháu chơi hộp thuốc hiệu “Trùng Khánh”. Cháu chỉ tay vào hai chữ “Trùng Khánh” như muốn hỏi đấy là chữ gì. Bà nội cháu bèn nói “Đây là chữ Trùng Khánh”. Mấy ngày sau, khi hỏi lại, cháu chỉ chính xác vào hai chữ “Trùng Khánh” và còn biết phân biệt chữ ngược và chữ thuận.

Chúng tôi lại dạy cháu các con số trên lịch, sau vài ngày hỏi lại cháu, cháu liền chỉ về phía số 1985. Cứ như vậy, cháu đã làm chúng tôi chú ý hơn và phát hiện ra rằng cháu có khả năng ghi nhớ rất tốt. Chúng tôi mua về bộ tranh học chữ và bắt đầu dạy cháu học chữ một cách có ý thức. Mỗi ngày chúng tôi dạy cháu năm, sáu chữ Hán, dạy nhiều nhất hai lần là cháu đã nhớ được. Khi cháu quấy khóc, chúng tôi cho cháu xem tranh học chữ, cháu không quấy khóc nữa.

Khi cháu được một tuổi rưỡi, có một buổi tối mùa hè, thời tiết rất oi bức, La Tường ngồi im xem sách, mồ hôi ròng ròng. Chúng tôi nói với cháu “La Tường, thôi không học nữa”. Thế là cháu khóc không chịu thôi, hôm đó cháu đã xem hơn một tiếng đồng hồ. Khi đó cháu chưa biết nói, nhưng có thể chỉ ra chính xác hơn 80 chữ Hán. Sau hai tháng, cháu đã học xong một quyển xem tranh học chữ. Khi nhìn thấy chữ trên các thương hiệu, biển hiệu, quảng cáo, biểu ngữ trên đường cháu đều rất thích và muốn học.

Khi La Tường một tuổi bảy tháng, cháu đã biết mấy trăm chữ Hán và ngôn ngữ nói cũng có tiến bộ, cháu đã biết nói một số từ hai âm tiết. Có thể nói rằng, chúng tôi dạy học nói cho con thông qua dạy chữ, chính việc học chữ đã thúc đẩy khả năng nói của cháu. Chúng tôi làm một cái bảng đen nhỏ, buổi tối viết chữ mới lên dạy cháu vài lần, ban ngày treo bảng trên tường cho cháu xem. Khi đi làm về chúng tôi kiểm tra cháu, để tăng cường khả năng ghi nhớ của cháu. Khi hai tuổi bốn tháng, cháu đã biết hơn 1400 chữ. Và biết tự mình hỏi chữ. Nhìn thấy bức tượng ở quảng trường, về nhà cháu hỏi chữ “bức tượng” viết như thế nào. Một lần ở trên thuyền, cháu hỏi liền một mạch mấy từ “đá ngầm, đảo, bọt biển, nham thạch, xoáy nước, sà lan”.

Sau hai tuổi rưỡi, cháu hoạt động nhiều hơn, ý thức hoạt động độc lập của cháu cũng tăng lên, cháu bị rất nhiều hoạt động thú vị thế giới bên ngoài lôi cuốn. Nếu chúng ta vẫn sử dụng phương pháp học chữ đơn thuần như ở giai đoạn trước thì sẽ rất khô khan, nhàm chán. Lúc này, cháu không chỉ cần nhận biết hình dạng chữ, cách đọc của chữ, mà quan trọng hơn cháu cần biết rõ về nghĩa của chữ. Chúng tôi đã thay đổi phương pháp, dạy cụm từ, dạy câu ghép, học chữ mới trong khi đọc, cố gắng vẽ thêm nhiều hình ảnh minh họa. Ví dụ, chúng tôi rất khó giải thích rõ nghĩa của hai chữ “áo giáp”. Chúng tôi bèn vẽ một võ sĩ mặc áo giáp và giải thích thêm về tác dụng của áo giáp cho cháu, cháu liền hiểu ngay. Chúng tôi còn dùng giấy trắng vẽ ra bộ “tranh học chữ” để việc học chữ sinh động, hình tượng hơn. Ví dụ với hai chữ “thoăn thoắt” chúng tôi vẽ một con chim én, viết thêm vào câu “Chim én bay nhảy thoăn thoắt”. Cháu hiểu ngay “thoăn thoắt” có nghĩa là bay đi, bay lại. Với hai chữ “phi nhanh”, chúng tôi vẽ một chiếc xe ô tô chạy nhanh trên đường quốc lộ và viết lên câu “Ô tô phi nhanh trên đường quốc lộ. Cháu hiểu ngay nghĩa của từ “phi nhanh”. Lại còn biết nói các câu như “Ngựa Mông cổ phi nhanh trên đường quốc lộ, ô tô con phi nhanh trên đường quốc lộ”.

Phương pháp này giúp khơi dậy hứng thú học chữ cho cháu, làm sâu sắc thêm việc dạy chữ cho cháu, biến giờ học ngôn ngữ trở nên sinh động.

Hiện La Tường lên ba tuổi, cháu biết hơn 2.000 chữ.

Học chữ quả thật là bước khỏi đầu của biết sớm, nó có thể nâng cao hứng thú học, khả năng ngôn ngữ, khả năng ghi nhớ, sức chú ý và khả năng quan sát của trẻ, tạo nền móng vững chắc cho việc đọc sách, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sau này của trẻ.

Dạy chữ tốt nhất nên tiến hành trước khi trẻ hai tuổi, tức là trước khi trẻ hình thành ngôn ngữ, bởi vì lúc này trẻ rất tò mò, rất hứng thú, chúng sẽ tích cực tiếp thu giống như khi tiếp thu vạn vật của thế giới xung quanh. Chúng chuyên tâm và không phản kháng, chúng ta dạy trẻ cái gì, trẻ sẽ tiếp nhận cái đó, khả năng ghi nhớ máy móc của trẻ lúc này rất cao. Nếu khi trẻ hơn một tuổi, chúng ta tích cực dạy chữ cho trẻ, thì trước khi ba tuổi trẻ có thể học được 2.000 chữ thường dùng, đến khi trẻ lên ba tuổi, độ tuổi mà trẻ có sức phản kháng mạnh mẽ nhất, thì trẻ có thể đọc một cách tự do.

Với trẻ sơ sinh, chúng ta có thể dạy trẻ học chữ vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Nhưng chúng ta phải có lòng kiên nhẫn, phải kiên trì, không được nổi nóng với trẻ, mà chỉ có thể dùng phương pháp dẫn dắt trẻ, thu hút trẻ học chữ. Một giờ học chữ của trẻ chỉ nên tiến hành từ vài phút đến hơn 10 phút, để trẻ cảm thấy học chữ là một việc rất vui, chỉ cần trẻ hình thành thói quen là được. Trong khi dạy cũng phải thường xuyên khích lệ trẻ. Hi vọng các ông bố bà mẹ sớm phát huy được khả năng học chữ của con mình và kịp thời bồi dưỡng cho chúng.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!