Mọi hành vi của trẻ đều bắt nguồn từ thói quen đã được định hình
Khi có thói quen và thái độ tốt, trẻ sẽ có hành vi tốt. Ngược lại, nếu hình thành thói quen xấu, chắc chắn trẻ sẽ không có được thái độ tốt. Học chữ qua các trò chơi trong cuộc sống cũng vậy, để đạt được hiệu quả, ngay khi bắt đầu bạn phải hình thành cho trẻ thói quen học chữ, giống như việc tập cho trẻ những thói quen tốt như ăn, ngủ, vệ sinh.
- Hình thành thói quen chú ý đến “chữ” cho trẻ. Hàng ngày, bạn nên thường xuyên chỉ và đọc chữ cho trẻ nghe. Mỗi ngày chỉ cần vài phút, lâu dần, trẻ sẽ có ấn tương đặc biệt đối với “chữ”, trẻ sẽ không còn thờ ơ, vờ như không thấy khi nhìn thấy chữ. Đến khi hơn một tuổi, trẻ sẽ tự có thói quen chỉ chữ và yêu cầu người lớn đọc cho nghe. Lớn lên chút nữa, trẻ có thể nhìn thấy chữ là đọc, là hỏi, đôi khi thấy chữ mà không học còn cảm thấy khó chịu. Việc học chữ trong cuộc sống sẽ dần dần được “tự động hóa”.
- Hình thành thói quen yêu sách cho trẻ. Khi trẻ có thể tự ngồi chơi thì bạn có thể cho trẻ quan sát bạn giở sách, đọc sách như thế nào. Bạn nên cho trẻ xem những loại sách có tranh ảnh và chữ, khích lệ trẻ không được xé hỏng. Nếu trẻ có lỡ xé rồi, bạn cũng không nên trách mắng, sách không dùng được nữa thì đổi quyển khác (có thể cho trẻ những tờ giấy trắng để trẻ xé, luyện sự linh hoạt của ngón tay, nhưng tuyệt đối không cho trẻ xé sách) để trẻ làm bạn với sách ngay từ nhỏ. Sau khi xem xong sách, bạn nên cất lên giá một cách ngay ngắn, không vứt sách bừa bãi lung tung, tập cho trẻ thói quen yêu quý, giữ gìn sách.
- Khi trẻ được một tuổi rưỡi, thỉnh thoảng bạn nên đưa trẻ đến hiệu sách, mỗi lần chỉ nên mua một quyển mà trẻ thích nhất (không nên mua nhiều sách một lần) và đọc cho trẻ nghe, trẻ không chỉ thêm yêu sách mà còn thích thú với việc mua sách.
- Hình thành cho trẻ thói quen học chữ qua trò chơi với thái độ nghiêm túc. Với những trẻ trên một tuổi rưỡi, bạn nên từng bước dạy trẻ “tứ định” (sẽ nói ở phần sau) để trẻ ý thức được học chữ đọc sách là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
- Hình thành cho trẻ thói quen yêu quý và giữ gìn những tấm thẻ chữ. Ngay khi mới bắt đầu, bạn không nên coi những tấm thẻ chữ là đồ chơi, không cho trẻ tuỳ tiện chơi cả một tập thẻ chữ, càng không cho phép trẻ xé hỏng, ném lung tung hoặc chỉ xem qua loa hình mà không học chữ. Trước mặt trẻ, bạn cũng nên sử dụng và giữ gìn thẻ chữ một cách trân trọng, mỗi lần chỉ đưa cho trẻ vài thẻ chữ. Ngoài ra, bạn có thể dạy trẻ cất những tấm thẻ chữ cẩn thận trong những chiếc hộp xinh xắn.
Phương pháp trên càng dễ thực hiện ở nhà trẻ. Khi thói quen tốt được tạo lập trong tập thể, do ý thức cạnh tranh, sức cảm hóa càng mạnh. Các lớp học ở nhà trẻ cũng có thể thiết kế “góc đọc sách” để khuyến khích thói quen yêu sách, đọc sách cho trẻ.