Không chỉ phải kích thích niềm hứng thú và chí hướng học tập của trẻ để các em có thể vui vẻ học tập mà chúng ta cũng cần phải biến bất cứ nội dung nào muốn dạy cho trẻ nhỏ thành trò chơi. Bởi sự phát triển tâm lý của chúng vốn dĩ đang ở trong “thế giới của các trò chơi”. Giáo dục sớm thực sự phải sử dụng trò chơi vui vẻ để cùng trẻ vui chơi, cùng trẻ thực hiện, cùng trẻ nói cười. Ý nghĩa của nó vượt xa sự nghỉ ngơi giải trí của người lớn sau những giờ phút lao động mệt mỏi. Hơn nữa, với tất cả những hoạt động chứa đầy sự thú vị và hấp dẫn, trẻ luôn vui vẻ động não, tập trung sự chú ý cũng như tiếp nhận chúng một cách tự nhiên, dù bạn không dạy chúng cũng sẽ học. Ngược lại, chúng sẽ khép chặt cánh cửa cảm giác của mình đối với những sự vật, sự việc nhạt nhẽo vô vị, hay nói cách khác, chúng sẽ bị từ chối. Nếu người lớn ép học sẽ chỉ khiến chúng nảy sinh cảm giác chán ghét học hành mà thôi.
Vì vậy, giáo dục ngay từ giai đoạn đầu một cách khoa học phản đối việc “khổ học” đồng thời cũng phản đối việc để trẻ nhỏ vui chơi một cách vô ích. Bởi lẽ, sự vui chơi ấy sẽ làm cho trẻ luôn ở vào trạng thái “đói” về tinh thần, nó sẽ cảm thấy vô vị, do đó trẻ thường gây ồn ào. Chỉ có một cuộc sống phong phú về thể lực và trí lực, đời sống tình cảm tốt và các hoạt động làm tăng ý chí mới có thể đem lại cho trẻ những năm tháng ấu thơ tươi vui và hạnh phúc, mới để lại trong chúng những thời khắc vàng của tuổi thơi. Do đó, các bạn đừng bao giờ để con trẻ tự do vui chơi trong những năm tháng đầu đời.
“ Những nghiên cứu của con người về quá trình phát triển tự thân và chức năng của đại não vẫn còn chưa thành thục… Chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về việc phải bồi dưỡng một con người như thế nào.”
Phương Nghị
“Xét về mức độ và tầm quan trọng của nó, sự phát triển của con nguời trong ba năm đầu đời kể từ sau khi được sinh ra có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với bất kỳ một giai đoạn nào khác trong cuộc đời… Nếu xét từ sự thay đổi trong cuộc đời, khả năng thích nghi và chinh phục thế giới bên ngoài cùng những thành tựu mà con người có thể giành được, chức năng của con người trong giai đoạn từ 0-3 tuổi, trên thực tế còn lớn hơn cả tổng sự phát triển trong các giai đoạn từ sau ba tuổi cho tới khi nhắm mắt xuôi tay”.
Montessori