Chuẩn bị sinh mổ
Sinh mổ dù sao cũng là một cuộc phẫu thuật, vì thế có ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý, do đó thai phụ cần chuẩn bị tốt.
- Tâm lý: Sau khi có quyết định sinh mổ, bác sỹ sẽ đưa ra các phương án phẫu thuật, yêu cầu người nhà hoặc bản thân thai phụ ký tên. Lúc này, thai phụ và người nhà sẽ rất lo lắng, thậm chí sợ hãi. Phương pháp tốt nhất để giảm sợ hãi, lo lắng là thai phụ hãy đọc nhiều sách về mang thai sinh nở, nghe nhiều tư vấn từ bác sỹ. Sau khi đã tìm hiểu kỹ, nỗi lo lắng sẽ phần nào giảm bớt.
- Sinh lý: Trước khi phẫu thuật, bác sỹ sẽ truyền dịch cho thai phụ, để tránh xảy ra tình trạng thiếu đường huyết khi phẫu thuật. Ngoài ra, thai phụ còn chuẩn bị những điều sau: trước khi phẫu thuật 4 tiếng không được ăn uống, bao gồm cả uống nước và nước hoa quả, tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn thân, lấy máu, làm điện tâm đồ, kiểm tra ngực, để xác định xem có nhiều máu không, chức năng gan, tim có bình thường không.
Nếu tất cả đều bình thường, có thể tiến hành gây mê, đồng thời cắm ống dẫn niệu. Sau khi gây mê xong, ca phẫu thuật được bắt đầu.
Cơn đau do sinh mổ
Mổ đẻ chia làm hai loại là gây tê toàn phần và gây tê một phần. Gây tê toàn phần có thể khiến thai phụ không có bất cứ cảm giác đau nào, gây tê một phần có thể cảm nhận được cơn đau. Cho dù gây tê bằng phương pháp nào, cơn đau thực sự sẽ bắt đầu sau khi mổ xong.
Đầu tiên, y tá sẽ ép vết thương để cho sản dịch chảy ra ngoài, nếu thuốc gây tê lúc này đã hết tác dụng, cơn đau này sẽ trở thành cơn đau đầu tiên sau đẻ, có điều thời gian ép dịch không lâu, vì thế bạn có thể chịu đựng được. Ngoài ra, sau sinh mổ có hiện tượng co bóp tử cung nhiều hơn, điều này cũng sẽ làm cho sản phụ đau đớn. Lúc này có thể dùng thuốc để giảm đau. So với sinh thường, cơn đau do sinh mổ còn mãnh liệt hơn. Khi mẹ nằm lật người, đi lại, đi vệ sinh, cúi lưng, cười to, ho đều cảm thấy vô cùng đau đớn. Sau khi sinh một thời gian dài, vào những ngày thời tiết thay đổi, trái gió trở trời, sản phụ vẫn cảm thấy đau và ngứa.
Vì thế, thai phụ nào chọn sinh mổ để không bị đau là không nên chút nào.
Chăm sóc 24 tiếng sau sinh mổ
Sau khi sinh mổ, sản phụ cần được chú ý quan tâm chăm sóc đặc biệt.
Trước tiên, trong vòng 6 tiếng sau khi mổ, sản phụ không nên nằm gối, cũng không nên nằm nghiêng sang một bên, tránh hít thở khó khăn gây buồn nôn. Sau 6 tiếng, có thể dùng gối, cũng có thể nhấc cao gối lên nằm, giúp cho sản dịch có thể bài tiết ra ngoài.
Thứ hai, cần giúp sản phụ lật người nhiều lần, tốt nhất cách một tiếng lật một lần, giúp nhu động đường ruột hoạt động, nhanh chóng khôi phục chức năng tiêu hóa, tránh bị dính ruột.
Thứ ba, sau mổ 24 tiếng, cần rút ống dẫn tiểu, dìu sản phụ xuống giường đi bộ, đi vệ sinh. Nếu không để đi tiểu được, cần kịp thời thông báo với bác sỹ để kiểm tra.
Nên nhớ, sản phụ không nên sợ đau mà nằm im trên giường không đi lại, như vậy sẽ dễ gây ra các chứng bệnh khác.
Ăn uống sau khi sinh mổ
Trong vòng 6 tiếng sau sinh mổ, sản phụ không nên ăn uống bất cứ thứ gì, vì lúc này đường ruột có một lượng khí lớn, ăn uống vào sẽ gây đầy bụng, dù môi khô cũng không nên uống nước, có thể dùng tăm bông thấm nước xoa vào môi. Sau 6 tiếng, sản phụ có thể ăn đồ lỏng như nước cơm, canh. Ngoài ra, có thể ăn một số thức ăn để bài tiết khí ra ngoài như canh củ cải, giúp thúc đẩy nhu động đường ruột, tuy nhiên không nên ăn một số thức ăn khó tiêu: như sữa, đậu nành… Khi nào sản phụ đánh hơn được mới có thể ăn cháo, mì, cơm nát, các loại thức ăn giúp tiết sữa như canh cá chép, canh thịt gà, canh nhân sâm…
Sản phụ sinh mổ trong thời gian dài không nên dùng những thực phẩm kích thích như trà, cà phê.
Làm thế nào để chăm sóc vết thương sau sinh mổ
Sau sinh mổ, cho dù ở bệnh viện hay về nhà, vết mổ vẫn cần được chăm sóc đặc biệt.
Chăm sóc vết thương ở bệnh viện sau sinh mổ
- Y tá sẽ định kỳ vệ sinh vết mổ, khử trùng, thay thuốc. Nếu bị viêm nhiễm khi đi đại tiểu tiện, y tá sẽ kịp thời báo cáo bác sỹ và yêu cầu thay thuốc.
- Quan sát tình trạng rỉ máu của vết thương. Nếu rỉ máu liên tục, cần nói với bác sỹ để kịp thời thay bông băng và kiểm tra nguyên nhân.
- Nếu cảm thấy đau ở vết mổ, có thể dùng thuốc giảm đau. Bác sỹ sẽ cho bạn một liều nhỏ thuốc gây tê, nhưng không khuyên sử dụng trong thời gian dài. Ngày thứ hai sau phẫu thuật sẽ không cần dùng đến nữa, tránh ảnh hưởng đến nhu động dạ dày. Nếu vết thương bị ngứa, đó là do vết thương đang liền miệng hoặc là dị ứng với bông băng, có thể nói với bác sỹ để kịp thời xử lý.
- Nếu dùng chỉ thường khâu vết thương, thì sau 7 ngày có thể quay lại bệnh viện để cắt chỉ. Nếu là chỉ tự tiêu thì không cần đến bệnh viện nữa.
Chăm sóc ở nhà sau sinh mổ
Sau khi mổ đẻ, nếu nhiệt độ cơ thể tăng cao, xung quanh vết mổ sưng đỏ, nóng, đau, chứng tỏ vết mổ bị viêm nhiễm, cần đến gặp bác sỹ truyền dịch hoặc uống thuốc kháng sinh chống viêm nhiễm.
- Trong vòng 10 ngày sau khi sinh, không để cho vết thương dính nước, sau 10 ngày có thể dùng nước sạch lau nhẹ nhàng.
- Nếu vết thương bị ngứa, có thể dùng tăm bông diệt khuẩn thấm cồn y tế lau xung quanh vết thương, nhưng chú ý không nên dùng nước nóng, cũng không dùng tay gãi. Nếu băng gây dị ứng làm ngứa, nên thay bông băng khác.
- Hiện nay, các bác sỹ mổ đẻ rạch ngang, vì thế sản phụ cần chú ý hành động chậm chạp, ít làm các động tác ngửa người ra sau, ho hoặc cười to, tránh ảnh hưởng đến vết mổ.
- Chú ý dinh dưỡng phong phú, ăn uống cân bằng hợp lý, ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm, ít béo, nhiều vitamin, như vậy sẽ khiến vết mổ liền nhanh. Ngoài ra có thể ăn thêm một ít bì lợn, bì lợn có chứa collagen phong phú, có lợi cho việc hồi phục vết thương sau mổ.
Chú ý: Sau khi mổ, cần chăm sóc vết mổ cẩn thận, trong 10 ngày không để vết thương dính nước, cần định kỳ vệ sinh và khử trùng sạch sẽ.