Điều quan trọng hơn là hãy để trẻ tham gia vào thực tiễn cuộc sống. Bởi con người sẽ có được những cảm nhận sâu sắc nhất từ các hoạt động thực tiễn, những hành vi, tình cảm cùng đạo đức tốt đẹp của con người mới được hình thành. Chẳng hạn như, hãy đưa trẻ cùng cha mẹ đi làm vệ sinh khu phố, xóm làng. Cả nhà tuy vất vả một chút nhưng lại có thể mang tới niềm vui và sự thoải mái cho bảy, tám gia đình, bản thân mình cũng sẽ cảm thấy vui hơn. Chỉ cần một bác hàng xóm nào đó khen trẻ một câu, trẻ sẽ nhớ mãi.
Hoặc cũng có những bậc phụ huynh khi nghe nói một bạn nhỏ nào đó cùng trường mầm non bị ốm, phải vào viện, liền hỏi con: “Bố nghe nói cô bạn Tiểu Mẫn của con bị ốm đúng không?” Trẻ trả lời: “Dạ vâng ạ, mẹ của bạn Tiểu Mẫn vừa khóc vừa xin cô cho bạn ấy nghỉ nữa cơ. Bác ấy nói là bạn Tiểu Mẫn bị viêm phổi ạ!” Nghe xong bố nhẹ nhàng bảo: “Vậy thì chúng ta nên đi thăm bạn con ạ!” Rồi dắt tay trẻ, để trẻ mang hoa quả tới bệnh viện thăm bạn ốm. Cha mẹ của cô bạn nhỏ đang bị ốm vô cùng cảm kích hai cha con. Sự cảm kích đó chính là bài học sinh động nhất dành cho trẻ. Đứa trẻ này còn biết đến bên giường bệnh nói những lời động viên bạn…
Có những bậc cha mẹ đưa con tới cơ quan mình cùng tham gia trồng cây với mọi người, có cha mẹ dạy con nên đấm lưng cho ông nội mỗi ngày, mẹ của em nhỏ Lưu My dạy em tập hợp những cuốn sách của mình lại và mở một thư viện nhỏ, Lưu My làm thủ thư rồi mời tất cả các bạn trong xóm đến mượn sách và trả sách đúng ngày… Những hoạt động như vậy đều là những bài học đạo đức thực tiễn đầy sinh động với con trẻ.