Bạch hầu thanh quản là bệnh để chỉ sự khó thở khi không khí hô hấp phải thông qua một ống thanh quản bị tắc nghẽn, vượt qua những dây âm thanh bị viêm. Chứng bệnh này chỉ xảy ra đối với các em bé nhạy cảm do hệ thống thanh khí quản của các bé còn hẹp và bị đàm nhớt làm tắc nghẽn khi bị viêm.
Thông thường là do siêu vi như trong bệnh cảm cúm hoặc một bệnh nhiễm trùng như viêm phế quản. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bạch hầu thanh quản có thể là do bé hít phải một vật lạ và gây nên bệnh. Ở trẻ lớn, chứng bệnh ít nghiêm trọng hơn và được gọi là viêm thanh quản. Cơn bạch hầu thanh quản đầu tiên có thể tới rất mau, thường là ban đêm và kéo dài một, hai tiếng. Bé có thể bị ho khàn tiếng và thở rất khó khăn.
Triệu chứng có thể gặp:
- Ho khàn tiếng.
- Thở nhọc nhằn khi phần dưới lồng ngực bị co kéo mỗi khi hít vào.
- Thở khò khè.
- Sắc mặt trở nên xám hay tím tái.
Bệnh có nghiêm trọng không?
Nếu bé gặp phải một cơn bạch hầu thanh quản nghiêm trọng, cháu có thể khó thở. Trường hợp này phải được chữa trị như một ca cấp cứu.
Việc gì phải làm trước tiên?
- Bạn hãy giữ bình tĩnh và cố trấn an bé để cháu đừng hoảng hốt và đâm ra khó thở hơn.
- Các ống thanh khí quản của bé sẽ được không khí ẩm ướt làm êm dịu. Nếu khí trời bên ngoài mát và ẩm, bạn hãy đưa cháu đến bên cửa sổ để cháu hít thở không khí hoặc đưa cháu vào nhà tắm và vặn các vòi nước nóng để tạo ra hơi nước.
- Kê gối cho bé nằm cao lên hoặc giữ cháu ngồi trong lòng bạn. Bé sẽ dễ thở hơn nếu bạn dựng gối lên cho cháu ngồi dựa vào đó.
Có cần đi khám bác sỹ không?
Hãy đưa cháu đi khám bác sỹ ngay nếu sắc da bé trở nên xám hay tím tái và cháu phải rất khó khăn mới thở được. Hãy nói cho bác sỹ biết là bé đã bị một cơn bạch hầu thanh quản.
Bác sỹ có thể làm gì?
- Nếu bé thở quá khó khăn bác sỹ sẽ cho cháu hít dưỡng khí ôxy.
- Trong trường hợp cần thiết, bác sỹ sẽ kê toa thuốc kháng sinh để tiêu diệt các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn.
- Bác sỹ sẽ khuyên bạn nên làm gì nếu như cháu lại lên cơn khó thở lần nữa.
- Nếu bé khó thở do hít phải một vật lạ, bác sỹ sẽ lấy vật lạ ấy đi.
Giúp bé bằng cách nào?
Nếu có những cơn khó thở khác về sau, bạn hãy ở cạnh cháu và làm theo lời chỉ dẫn của bác sỹ.
Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.