Việc trẻ ghi nhớ rằng “Bố = Sếp” chính là cách để trẻ hiểu về xã hội
Từ khoảng 1 tuổi rưỡi, trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn bướng bỉnh, chỉ thích làm theo ý mình khiến không ít các bà mẹ đau đầu. Chính trong lúc này, cần có người bố ra mặt. Một người bố vượt trội cả về tư cách lẫn thể chất mắng con một cách nghiêm khắc có thể dạy cho trẻ “sợ = không được làm”.
Để việc “mắng” này phát huy tác dụng, trước tiên trong gia đình cần dạy cho con biết rằng “Bố là số 1”. Mỗi gia đình sẽ có cách dạy khác nhau nhưng rõ ràng nên có một người “làm sếp” thì mọi chuyện mới tiến triển thuận lợi và cũng có thể mang lại cho trẻ cả cảm giác sợ lẫn yên tâm.
Có một người sếp trong gia đình không chỉ khiến trẻ biết sợ mà còn yên tâm
Khi con tôi còn nhỏ, dù tôi có đi làm về muộn đến đâu, Kayoko, vợ tôi vẫn cố gắng đánh thức con để con chào tôi “Bố đã về ạ!”. Bằng cách này, tôi trở thành “sếp” trong gia đình, ngay cả những lúc không có tôi ở nhà, vợ tôi chỉ cần nói “Mẹ sẽ mách bố đấy” là có thể giáo dục con. Chúng ta nên phân công rõ người mẹ sẽ khuyên nhủ con bằng những lời nhẹ nhàng còn người bố sẽ mắng con một cách nghiêm khắc.
Khi cho trẻ thấy rằng “Bố là nhất”, con trai sẽ học được tinh thần trách nhiệm và mong muốn sau này “mình cũng sẽ như thế”, còn con gái sẽ hướng đến một gia đình ổn định và học được sự quan tâm, chăm sóc của mẹ từ những điều bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, khi đã định hình được cho trẻ tư tưởng này rồi thì chỉ cần với từ khóa “bố”, trẻ sẽ biết sợ và chúng ta dễ dàng dạy bảo trẻ hơn.
Ngoài vai trò giúp giáo dục trẻ thì sự có mặt của người bố từ giai đoạn trẻ 2 tuổi rất quan trọng. Nhân giai đoạn trẻ đang bướng bỉnh này, người bố cần suy nghĩ lại về trách nhiệm của mình trong gia đình và người mẹ cũng cần xem xét lại cách cư xử hàng ngày để rạo một môi trường gia đình khiến trẻ yên tâm.