Chúng ta làm thế nào để hình thành phẩm chất hoạt bát tập trung cho trẻ?

Vậy trong khi bồi dưỡng rất nhiều phẩm chất, tính cách tốt đẹp cho trẻ, chúng ta làm thế nào để hình thành phẩm chất hoạt bát tập trung cho trẻ?

Giáo dục tính cách

Phụ huynh phải nhận thức được ý nghĩa to lớn của giáo dục – “giáo dục hình thành nên tính cách”, tính cách tốt đẹp của trẻ chủ yếu được hình thành trong môi trường gia đình và thực tiễn cuộc sống, vì vậy cha mẹ cần có ảnh hưởng tích cực lâu dài và kiên nhẫn khơi gợi, chứ không dựa vào thuyết giáo, cũng không nên nóng vội. Bồi dưỡng tính cách hoạt bát tập trung cho trẻ cũng không ngoại lệ. Chúng ta vẫn nghĩ rằng hãy để trẻ “lớn tự nhiên”, “cây to cây sẽ tự thẳng”, trẻ lớn ắt sẽ hiểu, nhưng đó chỉ là suy nghĩ không khoa học. Chúng ta phản đối việc để trẻ tự do phát triển, nhưng cũng không khuyến khích việc ép buộc trẻ học.

 

Phải nghiêm túc tạo ra môi trường sống để trẻ hoạt bát, tập trung

Gia đình phải hòa thuận, bố mẹ thương yêu nhau, tâm trạng phải vui vẻ, không khí yên bình. Các thành viên trong gia đình phải nhiệt tình, vui vẻ, nghiêm túc trong học tập và làm việc. Mỗi gia đình nên có một tủ sách, tạo thói quen đọc sách mỗi ngày. Một không khí gia đình như vậy sẽ làm cho trẻ hoạt bát, chú ý tập trung, bắt chước những hành vi tốt đẹp của người lớn. Ngược lại, một gia đình có không khí nặng nề sẽ làm trẻ mất đi sự ngây thơ, hoạt bát và hứng thú; một gia đình có không khí quá ồn ào ầm ĩ, trẻ sẽ bộp chộp, thô lỗ, cả ngày không được yên tĩnh. Hai khuynh hướng không tốt đó đều khó có thể hình thành tính cách vui vẻ, tập trung ở trẻ.

Khi trẻ một tuổi rưỡi, chúng ta nên tạo cho trẻ một không gian vui chơi học tập. Chỗ đó nên có bàn học, ghế, giá sách, thùng đồ chơi, tủ dụng cụ, bảng đen, bản đồ (lúc đầu cần bản đồ to đơn giản do gia đình tự vẽ, sau đó dùng bản đồ phức tạp mua ở ngoài), lịch, thậm chí là một chiếc đồng hồ báo thức xinh xắn. Để trẻ quen với việc ngồi vào vị trí của mình chơi trò chơi học tập, những hoạt động liên quan đến chơi và học đều không nên cho bé ở trên giường, trên ghế sofa, trên bậc cửa. Như thế, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái với hoạt động học tập, quen dần thành tự nhiên, hình thành phản xạ có điều kiện, cứ ngồi vào vị trí của mình là chơi và học một cách chuyên tâm và vui vẻ.

Người lớn nên dành thời gian chơi và học cùng trẻ, khơi dậy hứng thú của trẻ; hoặc ngồi làm việc ở gần trẻ, vừa hướng dẫn trẻ học vừa thỉnh thoảng khen ngợi trẻ vài câu. Như thế trẻ sẽ rất yên tâm và hạnh phúc. Nhưng cũng không nên lúc nào cũng chơi và học cùng trẻ, càng không thể làm “thư đồng” cho trẻ, mà phải dần dần luyện cho trẻ tự học. Đổ trẻ hình thành thói quen làm việc độc lập, chuyên tâm, các thành viên gia đình, trong đó có cả trẻ nên dành nửa tiếng hàng ngày để hoạt động tĩnh. Mỗi người đều vui vẻ, nghiêm túc làm việc của mình, không nói chuyện, không đi lại, ti vi cũng không bật. Lúc đó cho dù trẻ chưa biết đi, cũng cần để trẻ ngồi hoặc nằm yên tĩnh một lát. Cho trẻ một chùm chìa khóa hay một quyển sách tranh, trẻ sẽ chơi với nó cả tiếng đồng hồ.

Những cuộc gặp gỡ, giao lưu hay chỉ là những bữa cơm thân mật, những buổi trà đầm ấm cũng là cơ hội thu hút sự chú ý của trẻ. Khi lớn lên trẻ sẽ tham gia vào các hoạt động đó một cách tự nhiên và tập trung. Những bữa cơm cũng chính là những giờ học thú vị bồi dưỡng nhân cách và bổ sung kiến thức cho trẻ. Bắt đầu từ việc trẻ bê ghế đặt bát đũa, rồi sau đó ngồi vào bàn ăn cơm và nói chuyện vui vẻ. Trong vòng 10 năm trẻ sẽ có hơn một vạn giờ học, lẽ nào trẻ còn không vui vẻ và tập trung? Bé Điền Thần ba tuổi khi ngồi vào bàn ăn cơm, bất ngờ bé chỉ tay vào đĩa lạc, nói: “Đây chính là loại đậu ‘dùng củi đậu nấu đậu, nấu nó, nó sẽ khóc’”. Mậu Tinh Tinh nửa đêm dậy đi tiểu, khi trở về giường, bé nói: “Bà nội ơi, cháu đi tiểu róc rách như nước suối”. Vì bé thường nghe bài hát Nước suối róc rách chảy. Bé Lưu Mị sau khi đi tiểu, nhìn rất chăm chú rồi nói với mẹ: “Con vừa đi tiểu ra một con hươu cao cổ” Những lời nói ngây thư đó của trẻ đều là biểu hiện của tính cách vui vẻ, tập trung được hình thành từ những chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống. Liên tưởng của trẻ thật phong phú và kỳ diệu.

Phải yêu trẻ một cách khoa học, làm cho trẻ vui vẻ mà không bộp chộp và tùy tiện

Thái độ gần gũi với trẻ chính là điều quan trọng nhất làm cho trẻ vui hay không vui, nghe hay không nghe lời, tập trung hay không tập trung. Bởi vì yêu là một nguồn năng lượng giáo dục rất mạnh, đủ để ảnh hưởng đến phương hướng và tốc độ phát triển tâm hồn trẻ, tất nhiên cũng có khả năng để điều khiển tâm trạng và hành vi của trẻ.

Trẻ em nhạy bén nhất với tình cảm của cha mẹ. Nếu cha mẹ ôn tồn, trẻ sẽ vui vẻ; cha mẹ nghiêm túc, trẻ sẽ phục tùng; cha mẹ nghiêm khắc, trẻ sẽ quy củ; cha mẹ tức giận, trẻ sẽ sự hãi; cha mẹ vui vẻ, trẻ sẽ hiếu động; cha mẹ không nghiêm túc, nuông chiều con cái, trẻ sẽ không biết tự kiềm chế, thậm chí quấy rối. Vì vậy các bậc cha mẹ phải coi thái độ của mình là phương pháp giáo dục quan trọng và vận dụng nó, sử dụng có hiệu quả “vũ khí tình cảm” để tạo nên tính cách hoạt bát, tập trung cho trẻ. Cha mẹ không nên để tâm trạng trẻ tự do bộc lộ ra ngoài, làm trẻ “đi theo cảm giác”, gây ra tâm lý vui buồn thất thường, bướng bỉnh không vâng lời.

Cha mẹ cần thể hiện tình yêu thương với trẻ ở từng độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, trạng thái tâm lý khác nhau của trẻ. Ví dụ khi trẻ không vui, không thích nói chuyện cha mẹ phải làm cho trẻ vui lên; khi trẻ đang hưng phấn một cách thái quá thì cha mẹ phải nghiêm túc để trẻ bình tĩnh lại; khi trẻ bất lịch sự và vô lễ cha mẹ nên giữ thái độ lạnh lùng, có lúc phải thể hiện không hài lòng và tức giận, tất cả những điều đó chúng ta đều phải tùy cơ ứng biến. Khi bồi dưỡng tính cách hoạt bát, tập trung cho trẻ, cha mẹ, người thân phải có thái độ phù hợp với từng hoàn cảnh:

– Hòa nhã, dễ gần mà nghiêm túc. Đối với trẻ trước sáu tháng tuổi nên “yêu bộc lộ ra ngoài”, đùa cho trẻ vui. Đối với trẻ sau sáu tháng tuổi nên “yêu có kiềm chế”, thân thiết, bình tĩnh. Đối với trẻ sau ba tuổi nên “ít bộc lộ tình yêu”, nhưng phải hữu hảo, lịch sự và tôn trọng. Có lúc phải nghiêm túc đối với trẻ, bồi dưỡng nhân cách độc lập và khả năng tự kiềm chế. Cách thể hiện tình yêu với trẻ của các bậc phụ huynh cũng nên có phương pháp giáo dục, đó là nghệ thuật làm cho trẻ hoạt bát và nghe lời. Vì thế, tuy người lớn luôn coi chúng là trẻ con, nhưng ngoài mặt hãy đối xử với chúng như những người bạn; trong lòng yêu thương vô hạn, ngoài mặt giữ thái độ bình tĩnh; trong lòng vô cùng quan tâm, ngoài mặt vờ như thờ ơ. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường tình cảm như vậy tự nhiên sẽ hoạt bát nghe lời mà không làm nũng, làm việc nghiêm túc và tập trung.

– Nhà giáo dục học Suhomlinski (Liên Xô cũ) đã từng nói: “Không nên để trẻ cảm thấy rằng, chúng đã mang lại niềm vui cho gia đình, mà nên để chúng cảm thấy, vì có bố mẹ nên chúng mới được hạnh phúc. Chúng là kẻ thiếu nợ”. Bạn muốn con mình hạnh phúc và hiểu biết thì phải làm như vậy.

Tôn trọng trẻ

Tôn trọng trẻ là tình yêu lý trí và sâu sắc nhất, giúp trẻ có được một nhân cách lành mạnh, hoàn thiện. Lỗ Tấn từng nói: “Nếu không coi trẻ là người, khi lớn lên trẻ sẽ không thể làm người”. Trong cuộc sống có nhiều thanh thiếu niên không biết tự trân trọng mình, tự yêu bản thân mình, thiếu tính tự lập, thiếu tự tin, hoặc uể oải lười biếng, hoặc thô lỗ ngang tàng, có thể khẳng định khi còn nhỏ chúng đều là những đứa trẻ không được tôn trọng.

Tôn trọng trẻ, thứ nhất phải dùng ngôn ngữ lịch sự, đối xử dân chủ, bình đẳng; thứ hai, không coi trẻ là đồ chơi, là nguồn tiêu khiển, cấm kỵ việc đùa quá trớn; thứ ba, không nên coi trẻ là nơi trút giận, không làm nhục, đánh mắng và đối xử thô bạo với trẻ; thứ tư, không bàn về Nhược điểm và lỗi của trẻ trước mặt trẻ, không kể tội trẻ trước mặt người khác; thứ năm, trẻ sau ba tuổi không nên bế thường xuyên, hôn vào môi, phải khuyến khích trẻ đi lại vận động, ngồi ngay ngắn, nói chuyện đàng hoàng; thứ sáu, không được nói dối trẻ, phải giữ lời hứa, làm việc gì cũng phải nghiêm túc đứng đắn. Những bậc cha mẹ tôn trọng trẻ cũng thường là những người có uy tín cao.

Khích lệ, biểu dương

Phải luôn để trẻ ý thức được mình là một đứa trẻ ngoan được bố, mẹ, thầy cô giáo và mọi người đều yêu quí. Hình ảnh tốt đẹp về bản thân là động lực quan trọng để trẻ phấn đấu vươn lên, nên bạn hãy thường xuyên khích lệ, biểu dương, làm cho trẻ hiểu và tin rằng mình sẽ “sửa nhanh”, “mình biết sửa” nếu mình mắc lỗi. Khích lệ nên đi trước hành vi, biểu dương nên tiến hành kịp thời sau hành vi, nhưng chỉ khi nào trẻ biểu hiện tốt và có thành tích, không được khen suông, cũng không được quá mức, càng không nên nói trước mặt là trẻ “thích nịnh”.

Các phương thức biểu dương rất đa dạng. Có thể khen ngợi trẻ với họ hàng, người thân, người nhà, thầy cô giáo, chứ không nói trực tiếp với trẻ nhưng cố ý để trẻ nghe thấy, kiểu biểu dương tích cực này vô cùng hiệu quả, có thể “biến giả thành thật”. Các hình thức khích lệ khác như một nụ cười, một câu khen ngợi “Rất tuyệt!” “Rất tốt!”, hoặc một cái ôm, hoặc dùng phiếu bé ngoan, hoặc lấy đồ dùng học tập làm phần thưởng, hay một chuyến đi chơi cũng mang lại rất nhiều niềm vui cho trẻ. Nhưng với tất cả những phương thức biểu dương, khích lệ đó, cha mẹ không nên tỏ ra quá vui mừng, nên nghiêm túc và giữ bình tĩnh.

Điều vô cùng quan trọng trong việc thể hiện tình yêu với trẻ là thái độ của các thành viên trong gia đình phải thống nhất, ủng hộ nhau, phối hợp nhịp nhàng. Mọi sự khác nhau trong tư tưởng và phương pháp giáo dục đều phải được thống nhất một cách nghiêm túc khi không có mặt trẻ. Sự biểu hiện tình yêu cũng phải tương đồng, sự đánh giá về hành vi của trẻ phải nhất quán, để tạo ra “sức mạnh” vô hình của giáo dục đối với đời sống của trẻ.

Thứ tư, hướng dẫn hành vi, bồi dưỡng thói quen tốt đẹp cho trẻ. Thói quen là phương thức tâm lý được hình thành bằng việc lặp đi lặp lại một kiểu hành vi. Khi có thói quen tốt thì việc giáo dục trẻ sẽ đỡ tốn công sức, đó chính là “thiên tính hình thành từ nhỏ, thói quen trở thành tự nhiên”. Giống như nhà giáo dục Diệp Thánh Đào nói: “Cái gì gọi là giáo dục, chỉ đơn giản một câu, chính là phải hình thành thói quen tốt đẹp”. “Thái độ và phương pháp tốt đều phải được chuyển thành thói quen, chỉ có thành thục đến mức thành thói quen, thái độ tốt mới có thể biểu hiện ở mọi lúc mọi nơi, phương pháp tốt mới có thể được ứng dụng ở mọi lúc mọi nơi và có tác dụng cả đời”. Đó chính là tính cách, biểu hiện của nó giống như “tự động hóa”. Thói quen tốt khi đã được hình thành thì trẻ có thể tự điều khiển, chuyên tâm học và chơi, không bị ảnh hưởng bởi những nhân tố không tốt. Cho nên chuyên gia đi đầu trong giáo dục sớm – Witte đã nói: “Những việc không cho phép trẻ làm thì phải không cho trẻ làm từ đầu, như thế trẻ sẽ không bị đau khổ”. Trẻ sẽ chuyên tâm học và chơi một cách vui vẻ.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!