Đưa bồi dưỡng tính cách tốt đẹp cho trẻ lên vị trí hàng đầu trong giáo dục sớm

Giáo dục trẻ đúng phương pháp

Tôi thường thấy rất nhiều bậc ông bà, cha mẹ yêu con yêu cháu, mong con cháu thành tài, họ đã bỏ ra nhiều tâm huyết, nhưng không thu được kết quả, ngược lại làm con trẻ quấy khóc. Có người tiến hành giáo dục trí lực cho con một cách kiên nhẫn, nhưng đứa trẻ lại chẳng hề để ý đến, không hề vươn lên và không có lòng tự tin. Có đứa trẻ ăn một bữa cơm phải để người lớn dỗ mất cả tiếng đồng hồ. Có trẻ lại thích làm theo ý mình, ích kỷ…

Có rất nhiều bậc cha mẹ chấp nhận làm “người phục vụ” hay “thư đồng” cho con mình. Tình yêu, tâm huyết và tiền bạc họ bỏ ra không ít, vậy mà kết quả thu được lại chỉ là “quả đắng”.

Trong những bức thư mà tôi nhận được, có nhiều vị phụ huynh phàn nàn, kêu ca: con tôi không nghe lời, con tôi không chịu ăn cơm, nó không chịu ngồi yên một phút nào, nó rất bướng… Phải làm thế nào để tạo lập thói quen và tính cách tốt cho trẻ?

Năm 1989, được sự ủng hộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Vũ Xương, tôi đã tiến hành điều tra nghiên cứu thực trạng và nguyên nhân hình thành tính cách của một nghìn đứa trẻ là con một. Kết quả thống kê cho thấy, số trẻ tự do, vô kỷ luật, tâm trạng bất ổn chiếm 23,74%; số trẻ lười nhác không bao giờ lao động chiếm 40%. Khả năng sống, chơi và học độc lập của chúng đều thấp. Phẩm chất đạo đức và việc học tập của những đứa trẻ này đều không lý tưởng khi chúng lên tiểu học.

Tôi cũng tiến hành điều tra với hàng nghìn trẻ biết sớm khác. Sau khi so sánh với kết quả điều tra trên, chúng tôi rút ra kết luận trẻ biết sớm có sáu đặc điểm tính cách tốt sau: vui vẻ hoạt bát, điềm tĩnh chuyên tâm, dũng cảm tự tin, chăm chỉ hiền lành, có tính độc lập, có tinh thần sáng tạo. Sáu tính cách đó là nguồn gốc của mọi tính cách tốt đẹp của con người, là cơ sở để trẻ thành tài.

Tiếp đó, tôi đã tiến hành nghiên cứu nguyên nhân hình thành tính cách của trẻ, để tìm ra những nhân tố có sức ảnh hưởng mạnh nhất tới tính cách trẻ. Những nhân tố đó là:

Xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho trẻ, bao gồm môi trường trí dục, môi trường đạo đức, môi trường sống và môi trường mỹ dục. Chúng ta phải tạo ra môi trường lành mạnh vun đắp cho trẻ, bởi sự kết hợp giữa môi trường và thời gian sẽ giống như thầy phù thủy tạo nên tính cách của con người. Xét về ý nghĩa này, con người chính là sản phẩm của môi trường.

Các bậc cha mẹ phải yêu con một cách khoa học

Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái thường được thể hiện theo ba thái cực. Thứ nhất là “tình yêu bằng giáo dục”. Tình yêu này có lý tưởng, có mục tiêu, có nguyên tắc, rất chú trọng đến “cách thức yêu”, làm cho trẻ có được trạng thái tinh thần tốt nhất, đây là thái cực tạo ra hiệu ứng giáo dục tích cực. Thứ hai là “tình yêu huyết thống”. Tình yêu này thiếu lý tưởng, thiếu mục tiêu, không chú trọng đến “cách thức yêu”. Gorki từng phê phán kiểu yêu này là “Ngay cả gà mái cũng biết”. Kiểu yêu này làm cho trẻ tự do thích làm gì thì làm. Thứ ba là “tình yêu nuông chiều”. Cha mẹ mất đi lý trí và hoàn toàn bị chi phối bởi sự ngây thơ và nũng nịu của con, gây ra hậu quả nghiêm trọng, vùi lấp đi tâm hồn tốt đẹp của trẻ. Qua điều tra chúng tôi đã tổng kết được 10 hình thức biểu hiện của việc quá nuông chiều con cái, các bậc cha mẹ có thể đối chiếu để tránh được những sai lầm đáng tiếc, phần nào giúp các bậc cha mẹ đối chiếu để tìm ra biện pháp phòng ngừa và sửa đổi.

Chúng ta phải tạo lập thói quen sinh hoạt lành mạnh cho trẻ. Đây là khởi điểm để nuôi dưỡng tính cách tốt đẹp. Trẻ em có ấn tượng sâu sắc nhất với những hành vi ban đầu. Khi những hành vi đó được lặp lại vài lần sẽ hình thành xu thế tâm lý và xu thế hành vi. Khi xu thế đó được cố định sẽ trở thành tính cách. Giống như câu người ta thường nói: “Tính cách hình thành khi nhỏ là bẩm sinh”. “Gieo hành vi sẽ gặt thói quen; gieo thói quen sẽ gặt tính cách; gieo tính cách sẽ gặt vận mệnh”.

Sự hình thành thói quen tốt đẹp nên bắt đầu từ những việc nhỏ như ăn, uống, vệ sinh, mặc, ngủ, tắm, ngồi, chơi, nói, hỏi, lễ phép, lao động, hành vi độc lập… Người lớn phải khích lệ và yêu cầu nghiêm khắc trẻ thực hiện từng hành động nhỏ. Làm được như vậy là chúng ta đã thành công một nửa. Những việc không cho phép trẻ làm thì ngay từ đầu chúng ta phải kiên quyết với trẻ, như thế trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu và không lặp lại. Nếu chúng ta để trẻ hình thành thói quen rồi mới bắt trẻ sửa, thì để sửa 100 hành vi xấu sẽ phải cần đến 200 hành vi tốt. Chúng ta sẽ phải mất rất nhiều công sức, đồng thời khiến trẻ khó chịu và mâu thuẫn.

Một nhân tố quan trọng nữa ảnh hưởng đến tính cách của trẻ là tấm gương của cha mẹ và người dạy trẻ. Lý tưởng, niềm tin, sự theo đuổi mục đích, hứng thú, sở thích, cử chỉ, lời nói, tính khí và cách đối nhân xử thế của những người gần gũi với trẻ luôn ảnh hưởng tới tính cách của trẻ. Trẻ giống như “cái bóng” của cha mẹ. Tôi hi vọng các bậc cha làm mẹ hãy nâng cao bản thân để làm gương sáng cho trẻ. Con cái có thể nghe thấy lời bố mẹ nói, nhìn thấy việc bố mẹ làm bất kỳ lúc nào. Tính cách của cha mẹ sẽ trở thành vận mệnh của con cái. Giáo dục sớm không chỉ là vấn đề phát triển trí lực, việc bồi dưỡng tính cách tốt đẹp cho trẻ phải được đặt lên vị trí hàng đầu. Phẩm chất tính cách sẽ là cơ sở đạo đức của con người, đảm bảo cho sự phát triển nhân tài, là điều kiện tiên quyết đối với hạnh phúc của đời người và là động lực để phát triển trí tuệ. Do suy nghĩ đến tầm quan trọng của tính cách – phẩm chất tâm lý phi trí lực, tôi đã đề xuất đổi tên “Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm phát triển trí lực sớm cho trẻ” thành “Trung tâm nghiên cứu phát triển trẻ em”, “Trung tâm nghiên cứu phương án 0 tuổi”, “Viện nghiên cứu giáo dục sớm”. Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được bốn cơ quan nghiên cứu giáo dục sớm trên cả nước.

Lý luận và thực tiễn của Phương án 0 tuổi đã tạo được hiệu ích xã hội rõ rệt, gây sự chú ý trong và ngoài nước. Với những thành quả đó, Phương án 0 tuổi đã vinh dự được nhận tám giải thưởng của nhà nước, được Tân Hoa xã, Tân Văn xã Trung Quốc và hàng trăm tờ báo trong và ngoài nước đưa tin khen ngợi. Tháng 5 năm 1988, úy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước đã giao cho Úy ban chuyên gia cơ quan đánh giá thành quả khoa học kỹ thuật tiến hành giám định đánh giá Phương án 0 tuổi. Bản báo cáo đã chỉ rõ:

  1. Đây là hệ thống lý luận và phương pháp giáo dục sớm thai nhi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tương đối hoàn chỉnh. Nội dung giáo dục là tiến hành giáo dục sớm toàn diện cho trẻ (giáo dục tố chất toàn diện) trong phạm vi tâm sinh lý của trẻ cho phép bằng cách khơi gợi hứng thú của trẻ. 109 hoạt động giáo dục tham khảo gồm 15 phương diện mà phương án thiết lập có tính khả thi cao.
  2. Phương pháp giáo dục cần dựa vào đặc điểm độ tuổi của trẻ em để thực hiện dạy trẻ học trong trò chơi; dạy có mục đích, học vô thức; tiếp xúc với môi trường, lấy hình mẫu dẫn dắt, đặc biệt khai thác tiềm năng của trẻ ở giai đoạn lý tưởng nhất của việc phát triển trí lực, thúc đẩy phát triển toàn diện.
  3. Phương án này cho rằng, bồi dưỡng tính cách tốt đẹp cho trẻ là một phần quan trọng của giáo dục tố chất và phải được đặt lên hàng đầu trong giáo dục sớm. Phương án cũng đã tổng kết được sáu tính cách tốt đẹp mà một đứa trẻ cần phải có, để tạo nền tảng cho sự trưởng thành của trẻ.
  4. Phương án đã đi tiên phong trong việc triển khai nghiên cứu, mở rộng thí nghiệm giáo dục sớm cho trẻ với quy mô lớn, kết hợp nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đặc biệt là lý luận ngôn ngữ thị giác đã có một trình độ nhất định. Các chuyên gia đều nhất trí: phương án này đã đạt trình độ dẫn đầu trong lĩnh vực giáo dục sớm cho trẻ em.

Các chuyên gia khuyên chúng tôi tiến hành nghiên cứu tìm tòi thêm về phương án này, để hoàn thiện hệ thống lý luận, cung cấp số liệu phân tích thí nghiệm so sánh khoa học, phải chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý và quy luật phát triển của trẻ, chú ý đến thời điểm thích hợp để giáo dục trẻ. Như thế, phương án sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn.

Những nhận xét đó đã khích lệ chúng tôi cố gắng Hơn nữa để hoàn thiện và mở rộng quy mô của học thuyết giáo dục con người mới hình thành này.

Hình thành phát triển Phương án 0 tuổi đã bước vào giai đoạn “sáng lập lần hai”

Mục tiêu và nhiệm vụ lần này là:

Mở một số “nhà trẻ Hoằng Xương theo Phương án 0 tuổi” và mở hệ thống trường Hoằng Xương – cơ sở thực nghiệm – bắt đầu từ giáo dục ở gia đình khi trẻ 0 tuổi đến nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, để phần lớn trẻ vào đại học ở độ tuổi 15.

Kết hợp với địa phương xây dựng “đặc khu giáo dục Hoằng Xương theo Phương án 0 tuổi” ở những khu có số dân mấy trăm nghìn người, nâng cao tố chất cho trẻ một cách toàn diện trong vòng mấy năm, để trẻ biết chữ trước năm tuổi, biết sử dụng máy tính trước tám tuổi và biết ngoại ngữ trước 10 tuổi. Nâng cao tố chất con người trên phạm vi rộng để gây sự chú ý của Liên hợp quốc đối với sự nghiệp giáo dục sớm.

Thành lập Học viện Sư phạm Giáo dục sớm Hoằng Xương, nhằm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có tố chất cao, nhân viên nghiên cứu, nhân viên phục vụ tư vấn và người làm công tác sinh đẻ có kế hoạch cho sự nghiệp giáo dục sớm. Đây sẽ là “Hoàng Phố” của sự nghiệp phát triển Phương án 0 tuổi.

Kết hợp mở “nhà trẻ Hoằng Xương theo Phương án 0 tuổi” ở những quốc gia và khu vực tập trung Hoa Kiều, để cho hàng triệu con cháu Hoa Kiều liên hệ mật thiết hơn nữa với văn hóa Trung Hoa, đồng thời từng bước mở rộng Phương án 0 tuổi ra thế giới.

Mở lại tạp chí “Cái nôi nhân tài” của Phương án 0 tuổi, làm cho nó trở thành tờ tạp chí được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước, dựng nên ngọn cờ cho sự nghiệp nghiên cứu lý luận và phổ cập Phương án 0 tuổi.

Xây dựng “Bảo tàng giáo dục sớm” có một không hai trên thế giới

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng sự thành công của lần sáng lập thứ hai này sẽ giúp sự nghiệp giáo dục sớm của nhân loại phát triển rực rỡ hơn. Tôi mong ngày càng có nhiều người tham gia vào đội ngũ của chúng tôi, để cùng phấn đấu cho sự nghiệp phát triển của nhân loại.

Có người nói rằng thế kỷ 21 là “thế kỷ của máy tính”, “thế kỷ của năng lượng nguyên tử”, “thế kỷ của khoa học kỹ thuật cao”, “thế kỷ của không gian vũ trụ”… Nhưng nói cho cùng thì sự phát triển và cạnh tranh của con người phải dựa vào nhân tài, cho nên thế kỷ 21 chắc chắn sẽ là “thế kỷ của giáo dục”.

Trong quá trình thai nghén và ra đời Phương án 0 tuổi, tôi phải cảm ơn nhiều người. Trong số họ có rất nhiều người là học viên trực tiếp và học viên hàm thụ của tôi, là những ông bố bà mẹ trẻ, những người ông người bà là những thầy cô giáo đã tích cực áp dụng giáo dục sớm theo khoa học vào việc dạy trẻ. Họ đã thử nghiệm một cách hiệu quả những kinh nghiệm, tư liệu, thành quả của tôi. Đồng thời họ cũng đã khích lệ tôi, giúp tôi có thêm sức mạnh tìm ra con đường đúng đắn trước những định kiến lâu nay của xã hội. Thế giới có rất nhiều người đi tiên phong trong việc nghiên cứu thực hiện nền giáo dục sớm như Karl Witte, Montessori, Hisakazu Kimura, Suzuki, Đào Hành Tri, Tỉnh Thâm Đại, Trần Hạc cầm , Diệp Thánh Đào… Tư tưởng sáng chói trong các tác phẩm của họ đã mang đến những gợi mở hữu ích cho tôi. Năm 1987, cuộc gặp gỡ với Tỉnh Thâm Đại và Đa Hồ Huy đã giúp tôi rút ra nhiều kiến thức bổ ích. Cho đến nay, hàng tháng ông Tỉnh Thâm Đại vẫn gửi tài liệu quý cho tôi. Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới những người thầy đã chỉ bảo và giúp đỡ tôi!

Tôi xin lấy câu nói của thầy Hisakazu Kimura làm lời kết cho cuốn sách này, để bày tỏ tấm lòng của mình:

“Tôi nhận thức được về sự tồn tại kỳ diệu của con người và nêu ra vấn đề “quốc sách giáo dục trẻ”. Nếu chính sách giáo dục trẻ từ khi chúng mới sinh ra được thực hiện trên toàn thế giới, thì thế giới sẽ hoàn toàn trở nên mới mẻ sau 30 năm nữa. Để toàn thể nhân loại có thể sớm thực hiện chính sách giáo dục trẻ khi chúng nói sinh ra trên phạm vi toàn thế giới, tôi sẽ sống cho tâm nguyện”.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!