Tăng cường giáo dục sớm và giáo dục thiên tài

Các cường quốc tập trung đào tạo nhân tài từ nhỏ

Năm 1957, sau khi Nga (Liên Xô cũ) phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên, thì con người càng quan tâm tới việc đẩy mạnh phát triển giáo dục. Nhiều học giả đã chuyển hướng nghiên cứu từ toán học, vật lý, sinh vật và các lĩnh vực khác sang phát hiện, lựa chọn bồi dưỡng nhân tài ưu tú. Họ đã áp dụng hàng loạt biện pháp giáo dục, trong đó có việc tăng cường giáo dục sớm và giáo dục thiên tài, tức là giáo dục sớm và siêu giáo dục, nâng cao tố chất cho trẻ em, chú trọng phát hiện và bồi dưỡng những cá nhân nổi trội.

Trong khoảng thời gian từ thập kỷ 60 đến thập kỷ 70, các nước Anh, Mỹ đã xây dựng hệ thống lãnh đạo cấp quốc gia cho giáo dục trẻ em thiên tài. Năm 1965, Anh thành lập “Hiệp hội trẻ em thiên tài quốc gia”, có 34 phân hội trên cả nước. Năm 1972, Mỹ thành lập cơ quan giáo dục trẻ em thiên tài thuộc bộ giáo dục liên bang.

Năm 1979, tiến sĩ Miller hiệu trưởng trường Đại học Hopkins của Mỹ đã thành lập “Phòng phát hiện và phát triển thiên tài”. Trước và sau khoảng thời gian đó, ông đã tiến hành bồi dưỡng đặc biệt cho các thiếu niên phát triển sớm về toán học và ngôn ngữ. Phòng nghiên cứu phát triển tiềm năng con người được thành lập ở bang Philadelphia của Mỹ đã tập trung hàng trăm chuyên gia và đã bồi dưỡng được hàng loạt trẻ em có tố chất cao.

Nga (Liên Xô cũ) cũng đặc biệt chú trọng bồi dưỡng trẻ em có tố chất cao. Cả nước có hơn 700 trường khoa học tự nhiên, trường ngoại ngữ, trường toán học thúc đẩy phát triển toàn diện cho trẻ em. Trong khung giáo dục trẻ em nhà nước quy định, trẻ em từ chín tháng tuổi phải được bắt đầu được giáo dục trí lực có kế hoạch và hệ thống.

Gần 20 năm nay, hiệp hội phát triển trẻ em Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm với quy mô rất lớn. Họ xây dựng hàng loạt điểm thực nghiệm ở trong và ngoài nước, bồi dưỡng hàng loạt trẻ biết sớm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, để bồi dưỡng mầm non nhân tài có tố chất cao, thì việc giáo dục trẻ em sau khi chúng đi nhà trẻ là đã quá muộn. Cựu thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda đã nói: “Để đuổi kịp các nước Âu Mỹ chúng ta phải bắt chước họ, nhưng sau đó phải phát triển khả năng sáng tạo độc lập; để vượt qua họ, chúng ta phải đạt được trình độ giáo dục cao”. “Muốn vượt qua các nước khác, giáo dục anh tài là rất cần thiết”.

Nền giáo dục chất lượng cao của chúng ta cũng đã có từ lâu (trước đây gọi là giáo dục “thần đồng”). Giáo dục sớm hiện đại bắt đầu từ thập kỷ 70. Năm 1974, nhà vật lý học người Mỹ gốc Hoa Lý Chính Đạo khi đến thăm Trung Quốc đã đề nghị với thủ tướng Chu Ân Lai: “Nhân tài khoa học cũng có thể được bồi dưỡng từ nhỏ như nhân tài văn học nghệ thuật hay nhân tài thể thao”. Trong thời gian Đại hội Đảng lần thứ III, khóa XI, khẩu hiệu “sớm đào tạo nhân tài, đào tạo nhân tài có chất lượng” đã truyền đi khắp nơi. Năm 1978, được sự ủng hộ của Viện khoa học Trung Quốc, trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc đã mở lớp đầu tiên đào tạo những sinh viên đại học khi còn đang trong độ tuổi thiếu niên. Họ đã đi đầu trong nền “siêu giáo dục” hiện đại của Trung Quốc, thúc đẩy giáo dục sớm chất lượng cao và “siêu giáo dục” phát triển.

Ngày càng xuất hiện nhiều các nhân tài nhỏ tuổi

Hơn 10 năm trở lại đây, số sinh viên ở tuổi thiếu niên và các nhân tài nhỏ tuổi được giáo dục sớm ngày càng nhiều. Cuối thập kỷ 80, chỉ riêng lớp thiếu niên của trường Đại học Khoa học Kỹ thuật đã chiêu sinh hơn 500 học sinh, trong đó độ tuổi nhỏ nhất là 11 tuổi, lớn nhất chưa đầy 15 tuổi. Điểm thi đầu vào của các lớp này cao hơn các trường trọng điểm khác từ 40 đến 90 điểm, đa số sinh viên có thành tích học tập tốt. Trong số 281 sinh viên đã tốt nghiệp, có hơn 70% số sinh viên tham gia thi nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, hơn 120 sinh viên đi đào tạo tiến sĩ ở Mỹ, trong đó có 35,9% số sinh viên thi nghiên cứu sinh trước một đến hai năm. Sinh viên tốt nghiệp nhũng khóa trước đã bước vào giai đoạn thành tài, đã có giáo viên trợ giảng đại học ở tuổi 18, tiến sĩ ở tuổi 21, phó giáo sư được đào tạo ở nước ngoài trở về ở tuổi 26. Có người được báo cáo luận văn tại hội nghị học thuật quốc tế.

Trong thực tiễn 20 năm của giáo dục sớm và “siêu giáo dục”, các nhà nghiên cứu đã tìm ra được nhiều điều có tính chất quy luật. Quan trọng nhất là: bồi dưỡng nhân tài phải bắt đầu từ khi còn nhỏ. Bắt đầu giáo dục sớm khi trẻ 0 tuổi thích hợp với mọi trẻ em. Giáo dục sớm khi trẻ 0 tuổi có thể nâng cao tố chất con người của cả dân tộc một cách hiệu quả, là điều kiện để xuất hiện trẻ biết sớm và thiếu niên xuất chúng.

Vì lý do đó, năm 1977, tôi đã bắt đầu nghiên cứu, xây dựng lý luận và phương pháp giáo dục chất lượng cao cho trẻ từ 0 đến sáu tuổi (sau này gọi tắt là “Phương án 0 tuổi”). Năm 1984, chúng tôi thành lập “Trung tâm nghiên cứu phát triển trẻ em Vũ Hán” tại trường Đại học Hồ Bắc, đồng thời thành lập “Trường hàm thụ phát triển sớm trí tuệ trẻ em Vũ Hán”, chúng tôi đã hướng dẫn các gia đình và một số nhà trẻ tiến hành thực nghiệm giáo dục sớm. Phương án 0 tuổi ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ các bậc cha mẹ, những người làm công tác trẻ em và các tầng lớp khác trong xã hội.

Đề tài nghiên cứu chính của tôi là:

Lý luận cơ bản và cơ sở nhân loại học, sinh lý học, tâm lý học, giáo dục học của giáo dục sớm cho trẻ từ 0 đến sáu tuổi.

Nội dung và phương pháp giáo dục trẻ từ 0 đến sáu tuổi. Lý luận ngôn ngữ thị giác và phát triển đồng bộ ngôn ngữ thị giác và ngôn ngữ thính giác.

Dạy ngoại ngữ sớm cho trẻ.

Bồi dưỡng tính cách tốt đẹp cho trẻ. Lý luận giáo dục tố chất và đổi mới chương trình giáo dục trong nhà trẻ, trường tiểu học.

Những nghiên cứu của Phương án 0 tuổi

Trong khoảng từ năm 1985 đến năm 1990, Phương án 0 tuổi đã tiến hành thực nghiệm chiêu sinh với số lượng hạn chế, trong vòng sáu năm đã có 5132 gia đình tham gia. Trong đó, hơn 4300 phụ huynh đã gửi thư cảm ơn và thư báo tin tới chúng tôi, có 83% trong số họ nhận thấy con mình có tiến bộ rõ rệt. Gần 100 trẻ được coi là trẻ biết sớm và không ít trẻ được gọi là “thần đồng”.

Năm 1989, chúng tôi mở lớp cho phụ huynh học theo Phương án 0 tuổi. Trong hai đợt, chúng tôi đã chiêu sinh được 279 người. Mỗi đợt, phụ huynh phải tham gia lớp huấn luyện trong vòng hai tháng rưỡi vào ngày Chủ nhật hàng tuần và được tư vấn trong vòng một năm, hiệu quả đạt được rất rõ rệt. Phần đông phụ huynh phản hồi con mình trở nên thông minh hơn, vâng lời hơn sau khi được giáo dục theo Phương án 0 tuổi. Theo thống kê, trên 95% trẻ thích nghe kể chuyện, thích kể chuyện, 92% trẻ thích đặt câu hỏi, 96% trẻ thích âm nhạc, 91% trẻ thích vẽ, 89% trẻ thích học bài hát, thơ cổ, 78% trẻ biết quan tâm đến người khác. Trẻ hơn một tuổi rưỡi đều biết chữ, chúng biết từ 100 đến hơn 2.000 chữ, có 70% trẻ thích quyển Tiếng Anh cho mẹ và con. Những đứa trẻ đó đều rất tự tin. Ngoài những vị phụ huynh sau khi tham gia huấn luyện không liên lạc lại với chúng tôi, những người khác đều có phản ánh tốt về Phương án 0 tuổi.

Trong các lớp thực nghiệm nhà trẻ, ở thành phố cẩm Châu tỉnh Liêu Ninh, mỗi lớp mẫu giáo bé của nhà trẻ số 2 quận Lăng Hà có 40 trẻ, nhà trẻ số 2 quận Cổ Tháp có 35 trẻ một lớp, nhà trẻ Nghĩa Huyện có hơn 40 trẻ một lớp. Chúng đều được học chữ sớm qua trò chơi. Sau một năm, ở lớp mẫu giáo bé trung bình có hơn 400 trẻ biết chữ, lớp mẫu giáo nhỡ bình quân có hơn 600 trẻ biết chữ. Trẻ đều thích đọc sách dành cho trẻ em, giúp phát triển khả năng chú ý của trẻ, khiến trẻ thích đặt câu hỏi, mang lại tâm trạng vui vẻ cho chúng, làm cho trẻ tự tin và thích giao tiếp hơn. Còn những đứa trẻ học trong các lớp bình thường không được vui vẻ hoạt bát như trẻ của các lớp thực nghiệm. Nhà trẻ thôn Kí Dương Tân thành phố Trương Gia Cảng tỉnh Giang Tô tiến hành thực nghiệm học chữ qua trò chơi cho trẻ, trẻ dưới ba tuổi biết đếm từ 10 đến 800, phương pháp này đã khơi gợi được tính tích cực học chữ qua trò chơi cho trẻ.

Chúng tôi thành lập ban huấn luyện cho phụ huynh và trẻ em Vũ Hán ở cung thiếu nhi thành phố Vũ Hán. Trong khoảng từ năm 1989 đến năm 1992, đã có 4.350 trẻ ghi tên tham gia lớp huấn luyện trẻ biết sớm vào Chủ nhật hàng tuần. Trong số 56 trẻ tham gia huấn luyện đợt một, chỉ số IQ bình quân của trẻ khi mới vào học là 103.28, sau nửa năm chỉ số IQ bình quân đã tăng lên đến 110.03. Bốn trăm trẻ tham gia huấn luyện trong ba đợt đầu tiên đã được lên lớp Ba, lớp Bốn tiểu học, 29 trẻ đoạt giải trong các kỳ thi toán học Olympic và thi viết văn tại địa phương. Bé Án Phi đoạt giải nhất trong cuộc thi viết văn dành cho trẻ em các tỉnh phía Nam.

Từ sau năm 1991, trung tâm phát triển trí lực của trường Đại học Vũ Hán đã tuyên truyền Phương án 0 tuổi trên cả nước và mở rộng chiêu sinh. Gần tám vạn gia đình đã đăng ký tham gia. Phản ứng của xã hội vượt xa ngoài dự đoán của chúng tôi, hàng ngày chúng tôi nhận được khoảng 100 lá thư cảm ơn, thư báo tin và thư xin tư vấn, không có gia đình nào cho biết “phương án” bị thất bại.

Trong mấy năm gần đây, đông đảo học viên đào tạo trực tiếp và học viên hàm thụ cũng như độc giả đã gửi thư đến nêu ra hàng vạn câu hỏi, trong đó có một câu hỏi làm tôi suy nghĩ nhiều: Tại sao ông lại say mê sự nghiệp ưu sinh, giáo dục chất lượng cao? Ông đã thiết kế ra Phương án 0 tuổi như thế nào?

Câu hỏi này rất hay, nó làm tôi bình tĩnh suy nghĩ, nhìn lại sự nghiệp mình đã mất ăn mất ngủ theo đuổi bao nhiêu năm nay. Để từ đó nhớ lại những năm tháng đã qua, sắp xếp lại mạch suy nghĩ, tìm tòi, hướng tới tương lai. Đồng thời, tôi cũng bộc bạch với các độc giả và học viên của mình, giao lưu với họ, để cùng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục chất lượng cao đầy triển vọng. Hơn nữa, thông qua thảo luận sẽ làm sâu sắc thêm nhận thức của các bậc cha mẹ về Phương án 0 tuổi, thì việc vun đắp nên một mầm non nhân tài có tố chất cao sẽ có triển vọng.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!