Từ tiếc nuối đến tìm tòi

Nhiều hiện tượng giáo dục khác nhau

Đầu thập kỷ 50, tôi bắt đầu tiến hành nghiên cứu thực nghiệm giáo dục thiếu niên nhi đồng, đến nay đã hơn 40 năm. Trong khoảng thời gian dài đó, tôi đã bắt gặp rất nhiều hiện tượng giáo dục khác nhau làm tôi phải suy nghĩ:

Tại sao có những đứa trẻ thông minh, lanh lợi, tài đức song toàn, trong khi lại có những đứa trẻ ngu dốt, lười nhác, thiếu chí tiến thủ?

Tại sao có những đứa trẻ không cần cha mẹ quản thúc vẫn chủ động vươn lên, trong khi lại có những đứa trẻ bị cha mẹ thúc giục, bắt ép, đánh, mắng mà cả đức và tài đều “kém”?

Tại sao trước khi vào tiểu học trẻ thường không biết làm gì, vui chơi không mục đích, chẳng nhẽ chúng không thể chơi có ích hơn và thú vị hơn được sao?

Tại sao khi trẻ vào tiểu học là lập tức phải đeo một chiếc cặp sách nặng trình trịch và phải làm vô số bài tập? Thời gian học của rất nhiều đứa trẻ còn nhiều hơn cả thời gian làm việc của bố mẹ…

Tôi đã quan sát một số nhà trẻ và rất phiền lòng vì thấy cuộc sống tinh thần của trẻ hết sức nghèo nàn. Những hình thức học tập và vui chơi trong thế giới tự nhiên vô cùng ít, còn hoạt động vui chơi trong nhà thì thường ít được đổi mới, những năm tháng quý báu của trẻ đã trôi dần đi trong lãng phí như vậy.

Nhiều bậc cha mẹ coi con cái như vật báu của mình. Khi con còn nhỏ, họ được hưởng hạnh phúc làm cha làm mẹ mỗi khi nhìn thấy con mình ngây thơ cười nói vui vẻ. Khi trẻ lớn hơn và đi học, chúng thường làm cha mẹ tức giận, than thở hơn là mang lại niềm vui cho họ. Có đứa trẻ khi bước và 0 tuổi thanh thiếu niên thì không còn có tiếng nói chung với cha mẹ mình nữa, trong tâm hồn chúng đã có bức tường “khoảng cách giữa các thế hệ” ngăn cách hình thành. Lẽ nào, mối quan hệ ruột thịt trong gia đình lại phát triển theo chiều hướng đó? sống cùng con cái trong một khoảng thời gian dài, nhưng vẫn không thể trở thành một người bạn thân thiết của con, liệu có phải là một bi kịch của đời người?

Những vấn đề như vậy thường làm cho mọi người thấy đáng tiếc và khiến tôi phải suy nghĩ…

Thần đồng 13 tuổi

Hai mươi năm trước ở Cán Châu tỉnh Giang Tây xuất hiện một “thần đồng”. Đứa trẻ 13 tuổi tên Ninh Bạc, đã làm chấn động cả xã hội Trung Quốc đang mong tìm kiếm nhân tài. Đứa trẻ đó đã thu hút sự chú ý của tôi.

Một ngày tháng 12 năm 1979, thành phố Cán Châu tổ chức một cuộc thi kỳ lạ. Mở đầu là cuộc thi cờ vây giữa Ninh Bạc và thầy chủ khảo, kết quả là thầy chủ khảo đã thua hai ván liên tiếp… Tiếp đó, thầy giáo ra đề thi mới, thầy hỏi: “Em đã đọc tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc chưa?”

Ninh Bạc đáp: “Em đọc rồi, em thích nhất là bộ Tam quốc diễn nghĩa, tình tiết và nhân vật trong Thủy hử, Hồng lâu mộng em cũng nhớ khá rõ”.

Thầy giáo hỏi tiếp: “Khi Giả Bảo Ngọc dạo chơi trong cõi hư ảo nhìn thấy cuốn sách về 12 người đẹp Kim Lăng, cuốn sách đã miêu tả Tình Văn như thế nào?”

Thí sinh Ninh Bạc suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Trăng trong khó gặp, mây đẹp dễ tan. Lòng sao cao quý, phận lại đê hèn. Tinh khôn, đài các tổ người ghen. Chịu tiếng ong ve thành tổn thọ, đa tình công tử luống than phiền”.

Thầy giáo lại hỏi: “Miêu tả Tập Nhân như thế nào?”

Ninh Bạc đáp: “Hai câu đầu em không nhớ, hai câu sau là, ‘Khen cho ưu linh phúc tốt, ngờ đâu công tử duyên ôi!’”.

Tiếp theo, Ninh Bạc tham gia thi bắt mạch, khám bệnh, thi toán ba lần với đề thi tương đối khó, thi làm thơ. Sau 20 phút, thí sinh Ninh Bạc đã làm một bài thơ thất luật…, sau hai lần ngâm bài thơ đó lên, thầy giáo gật đầu khen hay.

Sau khi cuộc thi kết thúc, Ninh Bạc đã trở thành sinh viên ở tuổi thiếu niên đầu tiên của lớp thiếu niên do trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc mở.

Một đứa trẻ 13 tuổi mà có học vấn uyên bác phong phú, tư thế bình tĩnh, đĩnh đạc khi trả lời câu hỏi của người lớn, quả đúng là “thần đồng”, sự kiện này đã làm xôn xao dư luận…

Nhưng cho dù thế nào tôi cũng không tin có thần đồng bẩm sinh, tôi tin vào câu nói của Lỗ Tấn: “Cho dù là thiên tài thì tiếng khóc đầu tiên của nó cũng không phải là một bài thơ hay”. Ninh Bạc không phải là thần đồng, nhưng kỳ tích mà em đạt được đã gợi mở hướng phát triển giáo dục trẻ em theo khoa học.

Cố vấn Viện khoa học xã hội Trung Quốc Vu Quang Viễn nói: “Đừng coi thường trẻ em. Tôi cho rằng khả năng mà con người có thể đạt được khi phát triển trí lực cao hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã đạt được”. “Nếu được đảm bảo về mặt sinh lý, được giáo dục tốt về tâm lý, thì rất nhiều đứa trẻ có thể đạt được trình độ trí lực như Ninh Bạc”. Những lời nói đó như ánh sáng ban mai mang đến cho con người, làm cho con người tràn đầy sức sống.

Tại sao Ninh Bạc lại biết sớm? Khi em còn bi bô tập nói, bà nội đã thường xuyên kể chuyện cho em nghe. Các câu chuyện của bà sinh động, hình tượng phong phú, có sức hấp dẫn lớn. Bé hỏi bà tại sao bà lại biết. Bà nói: “Sách viết mà cháu”. Cứ như vậy, khi hơn một tuổi bé đã biết chữ, biết các con số. Khi bốn tuổi bé biết hơn 400 chữ, năm tuổi bé vào lớp một. Lên sáu tuổi bé nói các sách ở trường quá đơn điệu, nên khi về nhà bé lục lọi khắp nơi để tìm sách đọc. Sách y học, lịch sử, thơ cổ, văn học, sách gì bé cũng xem. Bé thích nhất cuốn Mười vạn câu hỏi tại sao.

Bố dạy bé chơi các thể loại cờ khác nhau, giảng cho bé nghe về tính năng và nguyên lý hoạt động của ô tô. Bố mua về cho bé các miếng gỗ xếp hình và hướng dẫn bé lắp máy bay, xe tăng, pháo… Khi đó, nhà Ninh Bạc thường có các chú, các bác thuộc giới trí thức đến chơi, họ thường nói chuyện về thiên văn, địa lý, lịch sử, văn học. Ninh Bạc thường ngồi một góc chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại thắc mắc… Trẻ không tự nhiên biết sớm mà phải được vun đắp bằng trí tuệ. Lúc sáu, bảy tuổi, Ninh Bạc đã nắm được tính năng và cách dùng của nhiều vị thuốc trung y. Lúc tám, chín tuổi bé nhận biết được khá nhiều chòm sao, nắm được quy luật thay đổi của bốn mùa. Lúc 11 tuổi, hai lần tham gia cuộc thi cờ vây dành cho thiếu nhi và người lớn của thành phố Cán Châu, bé đều giành giải nhì. Ở trường học bé liên tục nhảy cóc, luôn đứng đầu môn toán và các môn khoa học xã hội. Đó là kết quả của giáo dục sớm chất lượng cao một cách tự phát.

Nhìn lại sự xuất hiện của các thần đồng và các thiên tài trong và ngoài nước từ cổ chí kim, bất kể là Karl Weter hay Trương Hằng thời cổ đại, Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược thời cận đại, tài năng mà họ có được đều liên quan mật thiết với cuộc sống tinh thần phong phú thời thơ ấu và cách yêu con khoa học của cha mẹ họ.

Sau khi tôi có được nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề đó, tôi càng cảm thấy đáng tiếc. Hơn 30 năm trước, hai đứa con yêu của tôi hoàn toàn phải nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ. Là một người cha, tôi chưa bao giờ tặng cho con một thứ đồ chơi trí tuệ nào, chưa từng cho con nghe một điệu nhạc du dương, chưa hề dạy con chữ, hay một từ tiếng Anh nào, thậm chí chưa bao giờ cùng con vẽ một bức tranh, học thuộc một bài thơ cổ, làm một con diều hay nhận biết cỏ cây hoa lá với con. Tuy tuổi thơ của chúng được hưởng sự đầm ấm của gia đình, được ảnh hưởng tốt từ cha mẹ, được học đại học, có sự nghiệp và gia đình riêng nhưng nghĩ lại, tôi thấy lẽ ra chúng đã có thể phát triển hơn bây giờ rất nhiều. Trước đây, các cháu thường chỉ chơi những trò chơi như chơi bi, cuộc sống thiếu thốn đã lấy mất thời niên thiếu đẹp đẽ của các cháu.

Cũng có lúc tôi lại cảm thấy đáng thương cho thời thơ ấu của chính mình. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở nông thôn tỉnh Triết Giang. Khi còn nhỏ, cuộc sống tinh thần còn thiếu thốn hơn cả cuộc sống vật chất, dù trong cuộc sống cũng có những niềm vui là tình yêu, sự lương thiện hiền lành của cha mẹ, là những hi vọng của cha. Có lúc tôi được đi “du lịch” ở nhà bà ngoại cách nhà năm cây số, lúc lên núi đốn củi, đi tảo mộ vào tiết Thanh minh, câu cá bên bờ sông, bắt ốc trên đồng ruộng, hái dâu, nhổ măng rừng, bói khoai lang, mò cua. Khi ngồi hóng mát, tôi được nghe bố kể chuyện, tuy rằng ông chỉ biết kể đúng một câu chuyện. Tóm lại, thời thơ ấu của tôi quá đơn điệu. Trẻ nhỏ có thể nắm được hơn 90% những khái niệm sẽ có được trong cả cuộc đời khi chúng còn nhỏ. Nhưng khi lên tám tuổi, tôi vẫn chưa từng được nhìn thấy một quyển sách tranh hay một món đồ chơi nào. Ấn tượng duy nhất là phần lớn thời gian của tôi trôi qua một cách vô vị. Còn cuộc sống khô khan nhàm chán từ ba tuổi trở về trước tôi không còn nhớ được nữa. Đời người chỉ có một lần, thời thơ ấu cũng vậy. So với những trẻ biết sớm, việc đánh mất tuổi thơ là điều đáng tiếc nhất.

Thế hệ chúng tôi đã không còn cách gì để bù đắp được nữa. Còn những đứa trẻ của hôm nay, có bao nhiêu trẻ đã được giáo dục sớm và có hiệu quả? Đa số các gia đình vẫn nuôi dạy con theo phương pháp đã tồn tại từ hàng nghìn năm trươc. Họ vốn không hề biết trẻ em ngoài được nuôi dưỡng về thể chất ra, chúng còn phải được nuôi dưỡng về tâm lý, tinh thần.

Năm 1981, tôi đã quyết tâm khỏi đầu từ hai bàn tay trắng, làm các công tác chuẩn bị thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển trẻ em đầu tiên của Trung Quốc, bước trên con đường dài đi tìm phương pháp giáo dục trẻ em theo khoa học.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!