Những nghiên cứu về giáo dục sớm
Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều trường hợp trẻ biết sớm, trong đó có Ninh Bạc và phát hiện ra ba vấn đề sau:
Một là, việc biết sớm của trẻ có liên quan mật thiết với giáo dục sớm. Song cha mẹ trẻ lại không hề nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục sớm, mà thường chỉ là tự phát, rất mơ hồ và ngẫu nhiên, hoặc vô tình gặp may khi tiến hành những hoạt động phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Hai là, Trung Quốc có rất nhiều nhà nghiên cứu giáo dục sớm tâm huyết với việc tìm hiểu sự xuất hiện của “thần đồng” và “siêu giáo dục”, nhưng họ nghiên cứu theo kiểu bị động. Ở đâu có trẻ biết sớm là họ đến đó nghiên cứu điều tra. Họ không tin rằng những đứa trẻ biết sớm, khoẻ mạnh, có tính cách tốt có thể được tạo ra và bồi dưỡng hàng loạt.
Ba là, trẻ biết sớm đều do cha mẹ hoặc ông bà bồi dưỡng, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp trẻ biết sớm nào được nhà trẻ hay trường tiểu học bồi dưỡng thành công một cách có kế hoạch. Điều kỳ lạ là những tổ chức giáo dục trẻ em chuyên nghiệp lại không thể phát huy một cách đầy đủ tiềm năng trí lực to lớn của trẻ em.
Sau khi phát hiện ra những vấn đề đó, tôi đã viết bài “Từ giáo dục sớm phân tán, tự phát đến phát triển trí lực sớm một cách khoa học có tổ chức”. Trong bài viết tôi đã đưa ra ý tưởng nâng cao tố chất con người một cách toàn diện có kế hoạch, đào tạo hàng loạt trẻ biết sớm và những mầm non nhân tài. Ngay lập tức tôi đã nhận được một bức thư rất dài của học giả nổi tiếng Vu Quang Viễn. Ông đồng ý với quan điểm “phát triển trí lực sớm một cách khoa học” của tôi và khích lệ: “Nếu có thể đạt được kết quả tốt, tôi cho rằng đây sẽ là một việc có ý nghĩa rất lớn. Ý nghĩa của nó không thua kém việc xây dựng một công trình to lớn nào, bởi vì đây là một vấn đề lớn của tiến bộ nhân loại”.
Bức thư càng củng cố niềm tin cho tôi về trung tâm nghiên cứu mà tôi sáng lập. Trong hoàn cảnh không quyền, không tiền, không có địa điểm, không có nhân viên, tôi đã dựa vào “một cây bút một cái miệng, một tấm vé tháng và đôi chân” để đi khắp nơi, kêu gọi, gửi thư cho hàng trăm cơ quan, dạy học, quyên góp, tìm nguồn ủng hộ. Chỉ dựa vào sức sống nhỏ bé mà ngoan cường của sự nghiệp giáo dục sớm, tôi đã trải qua hai năm phấn đấu, cuối cùng vào tháng 12 năm 1983, dưới làn gió mới của công cuộc cải cách mở cửa, “Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm phát triển trí lực trẻ em Vũ Hán” đã ra đời tại trường Đại học Hồ Bắc. Chúng tôi vui mừng khôn xiết.
Lý luận giáo dục sớm bắt đầu với trẻ 0 tuổi phải dựa trên cơ sở phát triển tâm sinh lý của trẻ. Tôi bắt đầu đọc những tài liệu về thần đồng trong và ngoài nước, tiến hành điều tra sự trưởng thành của những trẻ biết sớm đang ngày càng xuất hiện nhiều trong xã hội. Các giáo viên lớp thiếu niên trường Đại học Khoa học Kỹ thuật đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu sống về các sinh viên ở tuổi thiếu niên. Tôi như một con tằm tham lam ăn lá dâu, nhả tơ làm kén. Tôi đi tìm kiếm lý luận giáo dục nói và những cơ sở nhân loại học, sinh lý học, tâm lý học, giáo dục học trong các hiện tượng điển hình.
Sự thật dễ dàng gợi mở vấn đề cho con người. Những đứa trẻ thông minh do bẩm sinh hoặc chủ yếu do yếu tố di truyền quyết định chăng? Vậy tại sao những đứa trẻ được coi là “thần đồng” kia khi còn nhỏ đều có cuộc sống rất phong phú và chưa hẳn khi sinh ra đã khác người hoặc không cần giáo dục mà tự nhiên trở nên khác người? Mọi người đều cho rằng trẻ nhỏ không biết làm gì. Vậy tại sao chúng lại có thể bỗng chốc từ một trình độ tâm lý thấp kém giống như động vật phát triển tới trình độ tâm lý của con người hiện đại, đi hết tiến trình tiến hóa mất hàng triệu năm của thế giới tự nhiên chỉ trong vòng vài năm?
Rất nhiều câu hỏi lý thú đã đưa tôi vào thế giới kỳ diệu của trẻ em. Thế giới tâm lý rực rỡ sắc màu, không thể lý giải được bằng những kiến thức thông thường. Trẻ nhỏ đang ở trong giai đoạn não bộ phát triển nhanh chóng, đó chính là thời kỳ đầu của đời người. Để phát triển bộ não, trẻ cần dinh dưỡng ăn uống và dinh dưỡng tinh thần theo bản năng. Để sinh tồn và phát triển, chúng có tính thích ứng rất cao. Vì vậy, trong giai đoạn trẻ từ 0 đến sáu tuổi, việc phát triển bộ não và thích ứng với môi trường phải kết hợp với nhau, hỗ trợ nhau làm cho chức năng của não hoàn thiện và định hình.
Sự hứng thú quyết định đến tốc độ học tập của trẻ
Ở thời kỳ này, việc học có tính thích ứng vô thức và học có tính thích ứng theo hứng thú của trẻ có tác dụng to lớn và kỳ diệu, giúp trẻ nắm bắt tri thức, phát triển trí lực, hình thành thói quen và tính cách, đồng thời kiện toàn chức năng của não. Việc học có tính thích ứng này tuy không có hiệu quả nhanh chóng như việc học có ý thức ở giai đoạn thanh thiếu niên khi não đã hoàn thiện, rất dễ bị mọi người coi nhẹ, nhưng sức mạnh biến đổi từng bước, hiệu ứng lâu dài, hiệu ứng tích luỹ và hiệu ứng tổng thể của nó làm người ta kinh ngạc. Nó có thể tạo ra “tài năng lâu dài”, lại vừa có thể giúp trẻ nắm bắt được hơn 90% khái niệm mà con người có được trong suốt cuộc đời, đặt nền móng vững chắc để thành tài. Đó là những kết luận tôi rút ra được sau khi nghiên cứu việc trẻ học nhận biết sự vật, học ngôn ngữ, học âm nhạc, học bơi, học mỹ thuật, học chữ, học thao tác, nắm bắt khái niệm, hình thành thói quen, tính cách, sau đó tiến hành so sánh với người lớn.
Ở giai đoạn trẻ học tập theo kiểu thích ứng, trẻ có rất nhiều khả năng nhận thức đặc biệt và hình thành nên “thế giới nhận thức vô thức”. Khi ra đời trẻ đã có các đặc điểm như “tìm kiếm sự giao lưu”, “hình thành sự nhạy cảm”, “ghi nhớ ấn tượng”, “lĩnh hội qua hoàn cảnh”, “bắt chước bản năng”, “tạo nên dấu ấn”, “hứng thú hoạt động” và “tìm tòi vô thức”. Dựa vào những bản lĩnh đó trẻ có thể học được ngôn ngữ mà không dùng đến phương tiện ngôn ngữ. Trẻ có thể tư duy và tưởng tượng một cách không ý thức, nắm bắt được hàng vạn khái niệm, hình thành thói quen và tính cách riêng. Tôi nhận thấy mọi điều, hành động của trẻ không có ý nghĩa riêng. Trẻ dựa vào những chức năng ngoài ý thức để thúc đẩy sự phát triển của não, để hình thành con người xã hội có ý thức. Một, hai tuổi, trẻ đã biết đứng thẳng, đi lại, nói chuyện làm việc, thoát khỏi trạng thái như của động vật, hai, ba tuổi đã biết nêu câu hỏi, tư duy, thao tác, đọc, tính toán, phát triển các kỹ năng.
Với suy nghĩ đó, tôi đã nêu ra quan điểm “con người cần nhận thức lại về trẻ em”. Tôi cho rằng bất kỳ đứa trẻ phát triển bình thường nào cũng đều là “thần đồng”. Kamala được mẹ sói nuôi dưỡng trong hang sói cũng là “thần đồng”. Trong vài năm ngắn ngủi, Kamala đã học được cách sống của sói, hình thành tính cách đặc trưng của loài sói. Đây chính là điều mà bất cứ người nào bị bỏ lỡ mất giai đoạn đầu của cuộc đời đều không muốn học và không thể học được. Việc bồi dưỡng mầm non nhân tài tố chất cao phải được bắt đầu từ khi trẻ 0 tuổi. Năm 1987, tôi đã xuất bản cuốn Bí mật thân đồng. Cuốn sách này là một phần lý luận cư bản của Phương án 0 tuổi tôi dành tặng cho đông đảo độc giả. Cùng với việc nhận thức quy luật phát triển tâm lý riêng của trẻ, tôi đã thành lập trường hàm thụ phát triển trí lực sớm trẻ em ở Vũ Hán, hướng dẫn các ông bố bà mẹ tiến hành thực nghiệm giáo dục cho trẻ bắt đầu từ 0 tuổi. Chương trình một mặt nâng cao chất lượng giáo dục gia đình, mặt khác không ngừng xây dựng và hoàn thiện khung lý luận giáo dục sớm hoàn toàn mới. Trong khoảng từ năm 1985 đến năm 1990, trường đã biên soạn được 28 bộ giáo trình, giới thiệu với các bậc cha mẹ nhiều lý luận và phương pháp giáo dục sớm, đồng thời tổng kết những kinh nghiệm quý báu và phong phú của các vị phụ huynh. Chúng tôi đã kết hợp nghiên cứu với học tập, lý luận với thực tiễn, liên kết trung tâm trong nước với trung tâm nước ngoài đạt hiệu quả tốt. Trường hàm thụ không những đã bồi dưỡng được rất nhiều trẻ biết sớm, khoẻ mạnh, có tính cách phẩm chất tốt mà còn đào tạo được hơn 50 nhà nghiên cứu giáo dục sớm, đa số họ chính là những vị phụ huynh tham gia khóa học hàm thụ ở trường và có phương pháp giáo dục con tốt. Những nhà nghiên cứu này sau khi bồi dưỡng con mình, họ đã trở nên xuất chúng, có người viết bài, có người viết sách, có người lập nhà trẻ hoặc lớp đào tạo trẻ biết sớm, có người lại chuyển sang làm công tác nghiên cứu giáo dục sớm. Thành quả mà họ đạt được quả đáng khâm phục. Như vậy, chúng tôi đã mở rộng việc nghiên cứu thực nghiệm giáo dục sớm ra toàn xã hội, cùng xã hội xây dựng một khung học thuyết nói về giáo dục sớm. Khung học thuyết nói đó nằm trong Phương án 0 tuổi. Đó là “Chim ưng nhỏ biết bay sớm – với đôi cánh của mình”.
Lý do tôi ví trẻ em với chim ưng nhỏ là vì chúng không chỉ hoạt bát đáng yêu mà còn có thể bay lên bầu trời rộng lớn. Người dạy trẻ phải cho trẻ một tương lai rộng mở, để trẻ “như chim trời bay cao, như cá vượt biển khơi”.
Giáo dục sớm, bay sớm đều phải bắt đầu từ chữ “sớm”, lý luận mới cũng ra đời từ chữ “sớm” đó. Hàng nghìn năm nay, con người đã coi nhẹ việc giáo dục sớm cho trẻ từ 0 tuổi. Kiến thức về thai nhi, trẻ sơ sinh của chúng ta còn hạn hẹp, vì thế đã bỏ qua mất nghiên cứu cơ sở của việc phát triển nhân tài. Trong thời đại hiện nay, sự phát triển của ngành nhi học, sinh lý học, tâm lý học, não khoa học hoàn toàn có thể hỗ trợ hình thành hệ thống lý luận và phương án thực thi giáo dục sớm. “Bay sớm” chính là để trẻ sớm tiếp xúc với thế giới, tiếp nhận thông tin, nắm bắt ngôn ngữ thính giác và ngôn ngữ thị giác, kích thích não và cơ thể phát triển, để vỗ cánh bay lên.
Phải có một cơ thể phát triển khoẻ mạnh, chú chim non nói có đủ sức mạnh và phương hướng để bay. Tôi dùng từ “một cơ thể” để chỉ việc trẻ em cần có phẩm chất tính cách và thói quen tốt. Tính cách tốt là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến phương hương phát triển của con người và đem lại động lực vươn lên cho con người.
Một chiếc cánh chỉ việc làm phong phú cuộc sống tinh thần của trẻ, để kinh nghiệm cuộc sống và cảm nhận trực tiếp của trẻ phong phú đa dạng hơn. Chiếc cánh còn lại chỉ việc học chữ qua tiếp xúc với môi trường và học đọc học chữ qua trò chơi. Có được đôi cánh đó, sau khi đến với thế giới này trẻ sẽ luôn có được kinh nghiệm trực tiếp và kinh nghiệm gián tiếp, không ngừng phát triển ngôn ngữ thính giác và ngôn ngữ thị giác, không ngừng quan sát, tư duy, tưởng tượng. Khi đã đủ lông đủ cánh, khi đã đủ sức mạnh, chú chim non sẽ sớm bay lên bầu trời rộng lớn.
Chú chim ưng nhỏ biết bay sớm sẽ có một nguồn sức mạnh dồi dào, chú sẽ bay cao lên trời xanh, vượt qua núi cao sông sâu, đến với bến bờ thành công.
Tôi rất thích hình ảnh so sánh “chú chim ưng nhỏ biết bay sớm”, nó giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của Phương án 0 tuổi một cách dễ dàng hơn. Sau khi khung lý luận giáo dục sớm mới bước đầu được xây dựng, từ năm 1988 đến nay chúng tôi đã mở được 16 lớp huấn luyện và nghiên cứu lý luận mới, động thái mới, thành quả mới, phương pháp mới của giáo dục sớm trên cả nước. Chúng tôi đã được mòi đi thuyết trình các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, số lượng người tham dự lên đến hàng chục nghìn người. Những hoạt động thực tiễn đó đã luôn làm phong phú thêm hệ thống lý luận của học thuyết mới. Năm 1990, tôi chỉnh lý lại bài giảng tại tỉnh An Huy và viết thành cuốn sách Phương án 0 tuổi – Chiếc nôi ươm hạt giống tài năng. Cuốn sách này là những tổng kết bước đầu khung lý luận mới của tôi và cũng là giáo trình chủ yếu của Phương án 0 tuổi.