Biết chữ sớm là một trong những nội dung quan trọng của giáo dục tố chất

Sự nghiệp nghiên cứu dạy chữ sớm của tôi đã qua 20 năm. Khi mới bắt đầu tôi chỉ nghiên cứu khả năng biết chữ của trẻ. Đến năm 1990, tôi mới có nhận thức vượt bậc về việc biết chữ, biết đọc của trẻ. Dạy trẻ biết chữ sớm là một phần không thể thiếu của giáo dục tố chất sớm, là “một chiếc cánh của chú chim nhỏ”.

Học chữ qua trò chơi hoàn toàn phù hợp với đặc điểm tâm lý và quy luật nhận thức của trẻ

Chúng sẽ thích ứng với môi trường học chữ, có được tính nhạy bén khi học chữ, chúng sẽ ghi nhớ ấn tượng và lĩnh hội qua hoàn cảnh, bắt chước đọc và viết theo người lớn. Chỉ trong vòng vài năm, trẻ đã có thể thoát khỏi tình trạng mù chữ giống như việc chúng thoát khỏi tình trạng “mù sự vật”, “mù ngôn ngữ”, “mù hành vi”. Người lớn học chữ cảm thấy khó, còn trẻ em thì lại không hề sợ những chữ mới – những con hổ cản đường. Điều đó thật là kỳ diệu.

Qua thực tế chứng minh, việc học chữ sớm là hoàn toàn khả thi và rất có lợi cho việc phát triển trí lực, bồi dưỡng tính cách tốt đẹp cho trẻ. Đây là nền tảng cho việc tạo lập tố chất sớm cho trẻ. Việc biết chữ sớm không đáng sự như những người cho rằng “biết chữ sớm là có hại” từng lo ngại. Biết chữ, biết đọc sớm và những trò chơi hoạt động phong phú cũng giống như việc học nói, sẽ thúc đẩy khả năng chú ý, khả năng quan sát, ghi nhớ, tư duy và tưởng tượng cho trẻ, làm phong phú thêm tri thức mở rộng tầm nhìn cho trẻ. Tư duy mà con người sử dụng nhiều nhất và quan trọng nhất trong xã hội hiện đại là “tư duy của ngôn ngữ thị giác”, nó sâu sắc hơn nhiều so với “ngôn ngữ thính giác”. Nếu con người không được phát triển tư duy ngôn ngữ thị giác từ khi còn nhỏ, thì lớn lên khả năng phát triển toàn diện sẽ rất khó. Biết chữ, biết đọc sớm có thể bồi dưỡng tình cảm phong phú và lành mạnh, phẩm chất tốt đẹp cho trẻ, làm cho trẻ trở nên vui vẻ, hoạt bát, điềm tĩnh chuyên tâm, yêu thích đọc sách và có thói quen tự học. Điều đó rất có ý nghĩa.

Tư tưởng giáo dục trẻ truyền thống thường phủ định việc biết chữ sớm của trẻ. Ngay úy ban Giáo dục quốc gia cũng không cho phép các nhà trẻ có quyền tự quyết định lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Có người cho rằng việc học chữ của trẻ nhỏ cũng giống như việc học chữ của học sinh trung, tiểu học và người lớn, phải lên lớp nghe giảng, phát triển đồng bộ âm, hình, nghĩa, viết, phải hiểu thấu đáo, củng cố kịp thời và còn phải đặt ra chỉ tiêu, tiến độ, bắt buộc học tập… Họ không biết rằng, trẻ học chữ cũng giống như việc chúng nhận biết con người, sự vật. Trẻ học chữ từng bước qua các trò chơi, không hề có gánh nặng, không hề có áp lực. Chúng vui chơi kết hợp học hành một cách thoải mái, vui vẻ mà không cần phải hiểu hay ghi nhớ, chúng sẽ biết chữ một cách tự nhiên như khi học nghe, học nói. Để mọi người hiểu được ý tưởng của tôi, tôi đã tiến hành thực nghiệm và đưa ra lý luận “ngôn ngữ thị giác”. Lý luận đó cho rằng chỉ cần tạo điều kiện cho trẻ, ngôn ngữ thị giác và ngôn ngữ thính giác của trẻ sẽ được phát triển đồng bộ. Tôi cũng đã tổng kết được hơn 50 phương pháp “Học chữ qua trò chơi”. Cùng chơi trò chơi học chữ với trẻ bằng phương pháp này, nhiều bậc cha mẹ đã giúp con mình từ chỗ không biết nói trở thành đứa trẻ biết chữ. Có rất nhiều ông bố bà mẹ đã gửi thư đến nói rằng, quả thật đã “biến điều không tưởng thành sự thật”.

Sự trưởng thành của rất nhiều danh nhân đều gắn liền với biết chữ biết đọc sớm. Hơn một nghìn sinh viên đại học, nghiên cứu sinh tuổi thiếu niên của Trung Quốc hiện nay đều đã biết đọc trước khi lên sáu tuổi. Sự trưởng thành của nhân tài phải gắn với kinh nghiệm trực tiếp có được từ thực tiễn và kinh nghiệm gián tiếp có được qua sách vở. Cả hai loại đều phải được coi trọng như nhau, chúng hỗ trợ lẫn nhau để trở thành “đôi cánh” cho nhân tài. Nếu “chú chim ưng non” chỉ đập một bên cánh trong vòng sáu, bảy năm, bên cánh còn lại bị trói, thì đến lúc cần bay lên bên cánh đó đã bị tê liệt mất rồi. Việc đó cũng giống như những đứa trẻ học hành một cách khó khăn, vất vả khi vào trường, thậm chí là cả đời không có duyên với sách vở.

Biết chữ sớm là bước đột phá quan trọng có tính cách mạng của giáo dục hiện đại

Hiện có hàng nghìn trẻ biết chữ đang từng bước trưởng thành, trong số đó có không ít trẻ biết chữ trước khi lên ba tuổi. Tôi nghĩ trong tương lai nhất định sẽ có một ngày trẻ em đến trường tiểu học với hai “hành trang” quan trọng: nghe nói và đọc viết. Khi đi học, chúng đã có hứng thú và khả năng tự học ban đầu dưới sự dẫn dắt của thầy cô giáo. Chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện đáng kể, chúng ta sẽ bồi dưỡng được một thế hệ nhân tài giỏi.

Từ các cuộc thử nghiệm thành công, tôi đã bổ sung thành cuốn sách Phương án 0 tuổi – Phát triển ngôn ngữ từ trong nôi. Tôi đã đưa thành quả đó vào Phương án 0 tuổi. Nếu trẻ bắt đầu học chữ qua trò chơi từ lúc một tuổi với phương pháp tốt, trẻ hoàn toàn có thể xóa mù khi lên ba tuổi và đọc được nhiều sách khi lên bốn tuổi. Đương nhiên, do nhiều hạn chế, chúng tôi không yêu cầu mọi đứa trẻ đều phải đạt được trình độ đó, mà chỉ cần thông qua phương pháp “học chữ qua trò chơi”, khi lên sáu tuổi trẻ biết đọc là được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin khuyên các vị một câu: hoàn toàn không nên áp đặt quan điểm và phương pháp giáo dục của tiểu học cho trẻ, cũng không được lấy việc trẻ học được bao nhiêu chữ làm tiêu chí để đánh giá sự thành bại của giáo dục sớm.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!