Đặc điểm của trẻ sơ sinh – Hiểu sự việc thông qua tình huống

Trẻ nhỏ lý giải sự vật không cần tới tư duy suy luận, cũng không cần phải giải thích mà trí tuệ của chúng có thể hiểu được các sự vật thông qua những tình huống trong cuộc sống một cách tự nhiên.

Hàng xóm nhà tôi có một cháu bé hai tuổi, chúng tôi thường gợi ý để cháu nói chuyện và hay hỏi cháu: “Bố cháu đi đâu rồi?” Lúc đầu, cô bé tròn xoe đôi mắt nhìn tôi không hiểu, cũng không trả lời. Vậy là, tôi bèn nói với cháu: “Bố đi làm rồi”. Dạy vài lần như thế, về sau khi tôi hỏi, cháu cũng biết nói: “Bố cháu đi làm rồi”. Nhưng về cơ bản, cháu không hiểu nghĩa của từ “đi làm” là gì. Lúc này, nếu người lớn giải thích cới cháu: “Đi làm có nghĩa là tới một đơn vị nào đó làm việc, lao động thay vì lao động ở nhà”, chắc chắn càng giải thích cháu sẽ càng cảm thấy mơ hồ. Nhưng, bạn đừng lo lắng, trải qua một thời gian lĩnh hội, cháu thấy bố mình ra khỏi nhà mỗi buổi sáng và trở về mỗi buổi chiều, thấy người lớn kể những câu chuyện xảy ra nơi công sở; rồi tình cờ cháu được bố đưa tới cơ quan chơi, cháu tự nhiên sẽ từ từ hiểu ra đi làm là gì.

Trẻ nhỏ từ giai đoạn không có ngôn ngữ, không biết tư duy, không hiểu được bất kể từ ngữ nào cho tới giai đoạn nghe được, hiểu được và quen với ngôn ngữ, nhận biết thế giới. Kỳ tích này là kết quả của quá trình lĩnh hội. Những sự vật được đề cập đến trong ngôn ngữ rất nhiều, rất phức tạp và rất rộng, thế nhưng trẻ nhỏ đều có thể hiểu được. Thật ra, người lớn nên hiểu điều này, không có gia đình nào dạy con trẻ bằng cách giải thích cả. Ví dụ như không thể dạy một trẻ sơ sinh ba tháng tuổi nhận biết mẹ của mình bằng cách nói với nó rằng: “Con à, đây là mẹ của con, mẹ là người phụ nữ đã sinh ra và nuôi nấng con, là vợ của bố…”

Chúng ta không cần dạy trẻ sơ sinh những tri thức thông thường cơ bản, cũng không cần phải giải thích quá nhiều. Chúng ta cần tin tưởng rằng, trong đời sống phong phú với sự quan sát, giao tiếp và đọc hiểu của trẻ, trẻ có khả năng lĩnh hội rất tốt. Điều này đúng với cả trẻ sơ sinh và học sinh tiểu học. Thế nhưng, các trường mẫu giáo và tiểu học của chúng ta lại có niềm tin chắc chắn vào phương pháp giáo dục thông qua giảng bài và giải thích, do đó không thể làm phong phú các tình huống khác nhau trong đời sống của trẻ, không đề cao việc cho trẻ xem nhiều tranh ảnh và đọc hiểu, không tin rằng trẻ có thể hiểu được, mà luôn luôn bắt trẻ phải học thuộc các từ ngữ được giải thích, thậm chí đến việc trẻ nhận biết củ cải hay cà rốt cũng phải được giảng dạy trong trường mẫu giáo. Đây là “nỗi bi ai của giáo dục”, là sự “lãng phí sinh mệnh?” Nếu Golgi không có những trải nghiệm từ cuộc sống đại học và quá trình lĩnh hội thông qua đọc hiểu một lượng lớn sách vở mà chỉ nghe giảng và học thuộc các kết luận ở trên lớp từ tiểu học cho tới khi tốt nghiệp khoa văn, thì e rằng, thế giới đã thiếu mất một đại văn hào lớn!

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!