Số học là một khái niệm trừu tượng, hình thức chữ số đơn thuần để hình thành cho trẻ khái niệm chữ số sẽ khiến chúng rất khó tiếp thu. Khi dạy cháu nhận biết chữ, chúng tôi cũng đồng thời bắt đầu dạy cháu đọc chính xác và ghi nhớ thật kỹ các chữ số. Cũng giống như học chữ, chúng tôi rèn luyện cho cháu đọc các chữ số mới khi nhìn thấy biển số xe hay số nhà.
Song yêu cầu của số học không chỉ dừng lại ở biết và thuộc các chữ số mà nhất thiết phải xây dựng được khái niệm số học. Vì thế, chúng tôi kết hợp dạy cháu đếm ngón tay, đếm bát đũa và đếm bánh kẹo. Khi nhà đông người, chúng tôi dạy cháu đếm số người lớn, số trẻ nhỏ, số người là nam và số người là nữ. Khi lên xuống cầu thang, chúng tôi dắt tay cháu vừa đi vừa đếm số bậc cầu thang, số tầng nhà… Cứ như vậy, tự nhiên cháu sẽ có nhận thức bước đầu về số học.
Sau khi cháu được hai tuổi, cùng với những nhận thức ngày càng nhiều về khái niệm số học, chúng tôi lại tiến hành dạy cháu làm các phép toán cộng trừ đơn giản, ví dụ, khi nhà có khách đến chơi, chúng tôi liền hỏi cháu: “Có mấy người đến nhà mình hả con?” “Cộng thêm với ba người nhà mình, tất cả có mấy người!” Lúc chia táo để mọi người cùng ăn, chúng tôi cố ý để lên bàn năm quả táo để cho cháu chia, cháu nói với chúng tôi rất nhanh: “Ba quả táo, bố một quả, mẹ một quả, con một quả, còn thừa hai qua. Sau đó, chúng tôi nói với cháu, năm quả táo ăn hết ba quả còn hai quả. Đây là phép trừ, cũng chính là phép toán năm trừ ba còn hai. Dạy toán học bằng cách lấy ví dụ cụ thể như vậy khiến cháu hiểu được phép tính toán học trừu tượng rất nhanh.