Động lực giúp trẻ học tập

Tính chủ động rất quan trọng với cả trẻ nhỏ và người lớn

Trong học tập, dù là người trưởng thành hay trẻ nhỏ điều quan trọng nhất là tính chủ động. Bởi con người dựa vào sức mạnh tâm lý của bản thân, khơi dậy lòng nhiệt tình, rèn luyện ý chí, phát triển trí lực, tiếp thu tri thức. Tất cả áp lực từ bên ngoài hay sự dẫn dắt chỉ đạo đều phải qua nội lực của chủ thể mới phát huy tác dụng. Không ai có thể học tập và phát triển thay người khác, suy nghĩ và ghi nhớ thay người khác. Đó là quy luật ai cũng biết, là sự lĩnh hội mà ai cũng có.

Vậy những nội lực giúp trẻ học tập là gì? Với trẻ thì chưa thể nói đến lý tưởng cao đẹp, mục tiêu cao cả, ý chí kiên cường, chí hướng cao thượng, áp lực tình thế… tính chủ động tích cực của chúng hoàn toàn đến từ sự tìm kiếm hứng thú do tính tò mò, thích được khen ngợi. Đó là hai mái chèo để trẻ tham gia vào hoạt động học tập. Chúng hoạt động để được yêu, được khích lệ, được khen thưởng và tìm thấy niềm vui. Khi trẻ hứng thú, trẻ chơi mãi không biết chán, ấn tượng sâu sắc, liên tưởng phong phú, loại “chơi” này nếu được thêm nội dung giáo dục thì sẽ là “học tập”. Ngược lại, nếu không thể thỏa mãn sự tìm kiếm hứng thú và không được khuyến khích, trẻ sẽ từ chối thẳng thừng việc học tập, cho dù là chơi thì cũng chỉ là rong chơi một cách vô vị và thường phát triển thành quấy rối. Cho nên, trên đời này không có đứa trẻ biết sớm nào được sinh ra do bị ép buộc, mà là do được “nâng lên”.

Thỏa mãn sự tìm kiếm hứng thú và khuyến khích trẻ là động lực rất cần thiết khi trẻ mới bắt đầu “bơi” trong biển học. Tuy trẻ mới chỉ chơi trên bãi biển bên cạnh cảng của biển lớn tri thức, nhưng chỉ cần trẻ yêu thích, trẻ sẽ có động lực bơi ra biển lớn, đến bến bờ của sự thành công.

Tại sao sự khuyến khích lại là “một mái chèo” của động lực?

Mong muốn được khích lệ, được khẳng định và biểu dương là tâm lý của con người từ khi chào đời. Một trong những nhân tố bắt đầu cùng lúc với phát triển tâm lý trẻ là được vỗ về, nếu không được thỏa mãn, trẻ sẽ mất đi động lực phát triển tâm lý. Đứa trẻ nào cũng thích “nịnh”, không thích sự lạnh nhạt, gắt gỏng từ người khác. Ví dụ Lisa ba tuổi rưỡi là thành viên nhỏ nhất trong một đại gia đình. Mọi người trong nhà đều thích đọc sách, khắp nơi đều có sách: trên bàn, trên ghế, trên giường. Bỗng một hôm, Lisa nói giọng thách thức: “Con đã biết đọc sách” Tuy bé biết rõ mình không biết đọc, cũng biết rõ mọi người đều biết bé không biết đọc, nhưng đột nhiên bé lại tuyên bố mình biết đọc, đây chính là sự biểu lộ tự nhiên sự tự khẳng định và lòng tự tin của bé, là phẩm chất tâm lý vô cùng đáng quý. Lúc này, nếu người lớn thuận theo đà khích lệ bé: “Đương nhiên rồi, Lisa thông minh giỏi giang thì phải biết đọc sách chứ”. Dần dần tự nhiên trẻ sẽ thích học chữ, đọc sách.

Có một họa sĩ hàng ngày sáng tác tranh trong nhà, đứa con trai hai tuổi thường ngồi im lặng bên cạnh xem cha mình vẽ tranh. Một hôm, bé ngồi xem, xem mãi, xem mãi, bỗng nhiên bé chạy lại đời cha đưa bút để vẽ. Được sự khích lệ của cha, bé bắt đầu những nét vẽ nguệch ngoạc, về sau bé say sưa học vẽ, trở thành họa sĩ tí hon, tác phẩm của bé liên tục được triển lãm ở trong và ngoài nước.

Chuyên gia giáo dục sớm nổi tiếng người Nhật Suzuki đã mấy chục năm nay dạy trẻ hai, ba tuổi học violon. Mỗi lần thu nhận một đứa trẻ trong và ngoài nước đến học đàn, đầu tiên ông đều để chúng được vui chơi thoải mái trong phòng học của mình. Khi trẻ đã quen với môi trường, lại tận mắt nhìn thấy niềm vui khi thầy giáo và các bạn nhỏ chơi đàn, luyện đàn, lòng tự tôn và tính hiếu thắng không cho phép trẻ bàng quan được nữa. Khi trẻ đời học đàn, ông mới khích lệ, tán dương, hướng dẫn trẻ học và tiến hành luyện tập nghiêm khắc, cuối cùng cả thầy và trò đều đạt được thành công đáng mừng. Những câu chuyện này đã cho thấy việc khơi dậy tính hiếu thắng của trẻ rất quan trọng.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!