Thứ nhất, phải tin tưởng rằng đứa trẻ bình thường nào cũng đều rất thông minh
Chúng có khả năng “học tập có tính thích ứng” thậm chí còn tốt hơn người lớn rất nhiều. Kiến thức có được thời thơ ấu đa phần do tự học vô thức. Đứa trẻ nào có thể học được một ngôn ngữ, thì nó cũng sẽ là thiên tài khi học các lĩnh vực khác. Suzuki chú ý đến hiện tượng quen thuộc trẻ biết nói, có lúc ông cố ý hỏi một số vị phụ huynh: “Con ông bà nói rất giỏi, ông bà đã dạy cháu như thế nào?” Người ta nghi ngờ ông mắc bệnh tâm thần, họ nói: “Đó chẳng phải là chuyện đương nhiên hay sao, thằng cha này có phải là không bình thường chăng? Mau đưa hắn đi bệnh viện đi”.
Xét một cách thấu đáo thì đối với trẻ còn có gì khó hơn việc học nói đây? Quan trọng là phải tạo môi trường, điều kiện và thái độ của cha mẹ giống như khi học ngôn ngữ, thì trẻ có thể học được bất cứ điều gì. Chúng ta hoàn toàn không nên nghi ngờ khả năng học tập của trẻ.
Thứ hai, để khơi dậy lòng tự tin và tính chủ động của trẻ
Người lớn phải hiểu được đặc điểm học tập của trẻ. Trẻ học theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, hay còn gọi là “thẩm thấu”, phải lặp đi lặp lại sự tiếp xúc và lĩnh hội, trẻ mơi có thể hiểu và ghi nhớ kiến thức. Trẻ học không giống như hình thức học tập kiểu “thao tác” hệ thống của thanh thiếu niên, giống kiểu sản xuất dây chuyền, học được chút nào thì hiểu và củng cố chút đó. Bởi vậy trong quá trình học tập của trẻ, nếu trẻ không đạt được hiệu quả trong một thời gian nhất định thì đó cũng là hiện tượng bình thường và bạn không được hạ thấp lòng nhiệt tình của trẻ. Phải đánh giá đầy đủ hiệu quả lâu dài của việc học “mưa dầm thấm lâu”, đặt nền móng cho cả kết cấu trí tuệ. Trẻ hiểu lờ mờ tích cực, ghi nhớ mơ hồ, ứng dụng kiểu thử nghiệm tuy có ngây thơ, nhưng lại sẽ thúc đẩy sự phát triển của trẻ.
Bé Điền Thần hai tuổi đã biết kể chuyện liến thoáng, đọc thơ cổ, hát bài hát thiếu nhi. Một hôm khi ngồi vào bàn ăn, bé chỉ vào món lạc và nói: “Đây chính là loại đậu dùng củi đậu nấu đậu, nếu nấu nó, nó sẽ khóc”. Tiếp đó bé đọc một hai câu trong bài Thất bộ thi (Thơ bảy bước). Sự tưởng tượng của bé thật là kỳ diệu, làm cho cả nhà đều vui. Đây chính là “hiểu lơ mơ”, “ghi nhớ mơ hồ”. Đứa trẻ đó khi năm tuổi đã đọc nhiều sách, còn có thể xuất khẩu thành thơ, ngôn ngữ trôi chảy, ý tưởng liên tục, tình cảm phong phú tinh tế. Khi lên tiểu học bé có bài đăng báo, tạp chí.
Bé Ngô Nhạn được bình chọn là một trong 10 đội viên xuất sắc toàn quốc năm 1989, cũng được tiếp cận giáo dục sớm. Lúc một tuổi rưỡi, người lớn bế bé đi vãn cảnh chùa, bé ngây người nhìn mọi người thắp hương lễ phật, khói hương nghi ngút, bỗng bé đọc câu thơ: “Nhật chiếu hương lư sinh tử yên” (Ánh mặt trời chiếu vào lư hương sinh ra khói tím). Tuy bé không hiểu thác nước Lư Hương ở Lư Sơn và khói hương ở chùa là hai chuyện khác nhau, nhưng sự quan sát và tưởng tượng tinh nhanh đó thật đáng yêu. Chính sự biết sớm lờ mờ này nên mới bốn tuổi bé đã biết viết bức thư dài, năm tuổi gửi bài đăng báo, tám tuổi biết nói bốn ngoại ngữ.
Người lớn không được trách móc hay mỉa mai việc trẻ học, không nên nói chúng “lúc nhớ lúc quên”, “ghi nhớ cứng nhắc”, “nói lung tung”. Ngược lại, cho dù kết quả học tập của trẻ thế nào, nhưng bạn khơi dậy được tính tích cực và tính chủ động của trẻ, thì bạn đã đạt được thành công. Trong khi học, nếu trẻ có bộc lộ sai sót thì phải chỉnh sửa khéo léo, không được làm trẻ mất hứng. Ví dụ khi trẻ đọc sai, bạn không nên phê bình trẻ, hãy nói “Con đọc lại lần nữa (hướng dẫn trẻ đọc đúng), con giỏi lắm, con rất thông minh!”.
Thứ ba, không phải ai cũng hoàn hảo
Trẻ cũng có những khiếm khuyết như tất cả những người bình thường khác không nên phê bình ngay trước mặt trẻ, nói trẻ “dốt”, “không nhớ được”, “không yên lặng được”, “quên nhanh”, “nghe không hiểu”, “không thích học”… Phê bình trẻ sẽ là đòn đả kích lớn nhất vào tính hiếu thắng của trẻ. Trong quá trình trẻ học, không nên thi tài, xếp thứ, phân cao thấp giỏi kém, càng không được đem so sánh nhược điểm của trẻ này với điểm mạnh của trẻ khác, kể tội trẻ, đó là đại kỵ trong giáo dục. Việc kiểm tra trí lực với trẻ chỉ nên tiến hành như một trò chơi. Cha mẹ và thầy cô giáo không nên thể hiện tâm trạng lo lắng bất an, không nên bàn luận những lời như “Nó không biết trả lời, không biết vẽ, không biết làm, chúng tôi thật lo lắng”. Nếu trẻ ý thức được sự lo lắng của cha mẹ, ánh mắt căng thẳng sợ hãi của mọi người, thì trẻ sẽ cảm thấy lo sợ, tự ti. Trong quá trình phát triển của trẻ, tự ti, sợ sệt là trở ngại tâm lý nghiêm trọng nhất.
Khi một người cảm nhận được có sức mạnh nào đó nâng mình bay lên, người đó sẽ không bò.
Helen Keller (Mỹ)
Về bản chất, hạt nhân của giáo dục chính là ở chỗ để trẻ tự thể nghiệm sự tôn nghiêm của mình: Tôi là một người lao động cần cù, là công dân tốt của tổ quốc, là con ngoan của cha mẹ… Bí quyết của giáo dục là nắm bắt được chí tiến thủ đó của trẻ… Nếu trẻ em không tự mình vươn lên, tự mình cố gắng, thì bất kỳ nhà giáo dục nào cũng đều không thể bồi dưỡng được phẩm chất tốt cho trẻ.
Suhomlinski (Liên Xô cũ)