Làm và sử dụng thẻ chữ như thế nào?

Thẻ chữ là giáo cụ cơ bản để dạy trẻ học chữ, làm và sử dụng thẻ chữ trong dạy học có những ưu điểm sau:

Phần lớn thẻ chữ chỉ nên có một chữ, những thẻ có hai chữ thì trong đó chỉ nên có một chữ mới. Như thế sẽ đem lại hình ảnh nổi bật và rõ ràng cho trẻ, trẻ không bị những hình ảnh khác ở bên cạnh làm nhiễu nên có thể ghi lại ấn tượng tương đối sâu sắc.

Các thẻ chữ rất tiện cho việc treo, đặt, cầm theo và sử dụng để triển khai các hoạt động trò chơi học chữ.

Người dạy có thể căn cứ vào tình hình thực tế để làm thẻ chữ sao cho đơn giản và có thể thích ứng được với mọi tình huống cụ thể cùng tâm trạng của trẻ.

Trẻ vừa có thể sử dụng thẻ chữ để học chữ một cách riêng lẻ vừa có thể dùng chúng để tạo thành từ và câu, khi sử dụng sẽ rất linh hoạt như các miếng gỗ xếp hình hay khối rubic.

Những thẻ chữ cứng sau khi học xong có thể để trẻ cầm chơi một lúc, ôn tập một chút, lại rất tiện khi cất vào hộp, dễ bảo quản.

Phụ huynh và giáo viên nên dựa vào nhu cầu thực tế để tự làm ra các thẻ chữ, cũng có thể bàn với trẻ cách làm, thậm chí biến quá trình làm thẻ thành phương pháp dạy chữ.

Khi làm thẻ chữ nên chú ý những điểm sau:

– Thẻ chữ và những chữ viết trên đó phải to, rõ ràng. Do thị giác của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện, khả năng chú ý của trẻ vẫn chưa phát triển đầy đủ, nếu thẻ chữ quá nhỏ sẽ nhanh chóng gây cảm giác mệt mỏi và lập tức phân tán sự chú ý của trẻ. Trẻ càng nhỏ thì chữ phải càng lớn, những thẻ chữ treo trên tường phải to hơn.

– Giấy làm thẻ nên dùng loại giấy trắng cứng, không nên dùng giấy màu sặc sỡ. Trừ thẻ viết thành ngữ, câu, bài hát có thể cho thêm hình vẽ thích họp, các thẻ chữ khác không nên có hình vẽ. Giấy màu và các hình vẽ rất dễ phân tán sự chú ý của trẻ, trẻ sẽ chỉ tập trung vào màu sắc và hình vẽ mà không chú ý đến chữ, làm mất đi ý nghĩa của việc học chữ.

– Chữ trên thẻ phải được viết ngay ngắn bằng mực đen, tuyệt đối không được viết sai. Ấn tượng đầu tiên mang đến cho trẻ phải rõ ràng, chính xác. Chữ viết bằng mực màu đen để thống nhất với màu sắc in trong sách, giúp trẻ dần dần quen với những chữ trong sách, có lợi cho việc đọc sách sau này.

– Chữ viết ở hai mặt trái, phải của thẻ không được có mối liên hệ nào về ý nghĩa. Nếu chữ ở hai mặt của cùng một thẻ có mối liên hệ về ý nghĩa thì khi trẻ đã biết một trong hai chữ đó sẽ có thể đoán ra được chữ còn lại. Ví dụ mặt phải viết chữ “dài”, mặt trái sẽ không được viết chữ “ngắn”; mặt phải viết chữ “chim”, mặt trái sẽ không được viết chữ “bay”; mặt phải viết chữ “mắt”, mặt trái sẽ không được viết các chữ chỉ bộ phận cơ thể khác như “tai”, để tránh trẻ “đoán chữ”, mất tập trung trong việc nhận biết hình dạng chữ, ảnh hưởng đến hiệu quả học chữ.

Nên làm một số loại thẻ có kích thước to nhỏ khác nhau để sử dụng phù hợp với trẻ ở độ tuổi khác nhau và phương pháp dạy khác nhau.

Thẻ to treo hoặc đặt đứng: có thể treo trên dây (tốt nhất là năm sợi dây song song, tiện cho việc treo bài hát, bài thơ cổ có bốn câu và thêm tiêu đề sẽ vừa đúng năm sợi dây), dễ dàng treo lên, lấy xuống, di chuyển sang trái, sang phải. Cũng có thể đặt đứng thẻ trên các đồ dùng hoặc trên các đồ vật khác. “Chữ và vật tương ứng với nhau”. Như trên đã nói chúng ta có thể tận dụng những cuốn lịch cũ để làm thẻ chữ, đầu tiên cắt lịch thành hình chữ nhật, sau đó gấp đôi lại (không cắt rời), hai mặt đều có thể viết chữ, vừa có thể treo lên, vừa có thể đặt ở dưới, rất tiện sử dụng.

Thẻ nhỏ (4 cm x 3 cm). Có thể dùng lịch cũ, gấp đôi lại, cắt rời, dán keo để thẻ cứng hơn, hai mặt thẻ đều là giấy trắng, đều có thể viết chữ.

Thẻ thành ngữ, câu, bài hát: có thể dài, ngắn, to nhỏ khác nhau, để tăng hứng thú cho trẻ.

Ngoài ra, nên làm thêm một số thẻ trắng, người dạy trẻ có thể mang theo. Trong sinh hoạt hoặc lúc chơi với trẻ, chỉ cần trẻ thấy hứng thú với một chuyện hoặc một vật nào đó, có thể rút thẻ ra viết chữ có liên quan đến chuyện đó hoặc vật đó để dạy trẻ học. Ví dụ, khi ở bên ao nhìn thấy cá bơi trong nước, trẻ thích thú, bắt chước động tác bơi, người dạy trẻ sẽ viết chữ “bơi”, hoặc hai chữ “cá” “bơi” cho trẻ học, cầm chơi.

Chữ trên thẻ bỏ túi cũng phải viết bằng mực đen to, rõ ràng, người dạy trẻ nên chuẩn bị một chiếc bút mực hoặc bút dạ màu đen.

Các loại thẻ chữ trên hầu như đều được lựa chọn sử dụng trong các phương pháp dạy chữ cho trẻ. Sau khi trẻ hoàn toàn bước vào thế giới đọc thì dạy trẻ không cần dùng những thẻ chữ nữa. Khi gặp một số ít những chữ chưa học, vẫn có thể viết lên thẻ treo trên tường, mỗi ngày đọc một, hai lần, để trẻ học vừa nhanh vừa dễ nhớ.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!