Lời bàn

Câu chuyện bà Vương Tú

Câu chuyện dạy cháu của bà Vương Tú

Bài viết của bà Vương Tú Trân khiến người đọc rất xúc động. Tôi thật sự cảm động trước câu chuyện bé Á Hâm, một em bé có di chứng về não, được các bác sỹ nhận định “không ngu ngốc thì cũng mắc chứng trì độn” đã được cứu sống. Thậm chí ba năm sau, bé không những phát triển khỏe mạnh, mà còn là một đứa trẻ hiểu biết sớm. Nhưng điều làm chúng tôi cảm động hơn cả là tình yêu của bà nội dành cho cháu, một tình yêu vĩ đại.

Tình yêu có thể cảm hóa tất cả, huống hồ trẻ con là một mầm non có trí tuệ và tình cảm! Tiềm năng trí tuệ của trẻ là một kho báu to lớn tồn tại khoảng 3,8 tỉ năm lịch sử, nhờ sự di truyền và tích tụ các tiến hóa của sinh vật. Não của trẻ lưu giữ báu vật to lớn đó, nó sẽ gợi mở và hoàn thiện trong môi trường tốt nhất. Do đó, bộ não của Á Hâm, vật báu tự nhiên trong quá trình khai thác tiềm năng đã được bổ sung, thực tế đã một lần nữa chứng minh, giáo dục sớm giúp bộ não phát triển và hoàn thiện, cho dù bộ não có chút tổn thương, cũng có thể cải biến, điều đó thể hiện một sức sống diệu kỳ.

Việc giáo dục sớm của bà nội Á Hâm rất đơn giản, tự nhiên: gặp cái gì cũng nói cái đấy, nhận biết sự vật (bao gồm cả nhận mặt chữ) là một sợi chỉ đỏ xâu chuỗi ngọc trai của cuộc sống mà bé thích nhất. Những viên ngọc trai sáng lấp lánh chính là: nhận biết động vật, nhận biết thực vật, nghe nhạc, xem tranh, nhận biết thế giới tự nhiên; đón tiếp khách, đếm chữ số, xem bản đồ, nghe đài phát thanh, đi dạo ở chợ; nhận mặt chữ, đọc thơ, đặt câu, kể chuyện, chơi trò chơi, mô phỏng nói tiếng Anh v.v…, giúp trẻ ngụp lặn trong cuộc sống có ý nghĩa và tràn đầy niềm vui, tránh xa những ảnh hưởng xấu. Làm như vậy, bé đã tự trở nên thông minh, thậm chí khi mới hơn hai tuổi, Á Hâm đã có thể xem bản đồ và nói: “Thanh Đảo giống như một chú thỏ”, “Hắc Long Giang giống như một chú ngựa khổng lồ”, “Sơn Đông giống như một chú chim nhỏ”, “Cam Túc giống như một con rồng nhỏ”, “Đài Loan giống như một củ khoai lang”… Trí tưởng tượng của cháu thật phong phú, độc đáo!

Việc giáo dục tố chất sớm cho trẻ tự nhiên như việc dạy trẻ học nói

Sống trong môi trường tiếng địa phương nhất định sẽ giúp trẻ phát âm chuẩn; sống trong môi trường tính cảm lạc quan yêu đời sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị cuộc sống, hiểu được tình yêu thương… đó chính là khả năng thích ứng.

Trong bài viết “Ông ngoại dạy Diêu Nghiêu học chữ”, ông Tùy Lập Nghĩa đã nói rất đúng, những loài vi khuẩn, sinh vật cấp thấp nhất còn có thể thích ứng trong môi trường nhất định, hoặc sinh sôi nảy nở nhanh chóng, hoặc tự bảo vệ, hoặc sản sinh ra kháng thể. Trẻ sơ sinh có bộ não cao cấp nhất và tiềm năng to lớn chẳng lẽ lại không thể thích ứng với môi trường phong phú của “tình yêu giáo dục” mà trở nên khỏe mạnh, thông minh, dũng cảm, tích cực, cương nghị và lương thiện?

Tất nhiên, khả năng thích ứng phải bắt đầu được hình thành từ trong bụng mẹ hoặc khi còn là trẻ sơ sinh, càng sớm càng tốt. Bởi lúc đó, trẻ thích thú với tất cả môi trường trong phạm vi có thể chấp nhận được, không phân biệt yêu – ghét, không chịu ảnh hưởng của “khuynh hướng ý thích”, “tiếng đàn” nào,  “trâu” cũng có thể tiếp nhận một cách tự nhiên. Do đó, trước ba tuổi phải xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển của trẻ. Trẻ nhất định sẽ không phụ tình yêu “đàn gảy tai trâu”, bà Vương Tú Trân là một tấm gương cho các bậc cha mẹ, ông bà trên thế giới học tập.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!