Học đếm là bước khởi đầu để trẻ em phát triển khả năng toán học
Khi hai tuổi, La Tường đã có hứng thú với toán học. Mới bắt đầu, cháu chỉ coi học toán như học chữ. Đến khi học đếm, cháu mới có nhận thức rõ ràng về toán. Để học đếm, cháu thường giở tung hết sách trên bàn, đếm hết lần này đến lần khác. Diêm, cúc áo, bút sáp đều trở thành công cụ đếm của cháu. Chúng tôi còn nhặt những viên đá cuội óng ánh về cho cháu đếm. Hơn 100 bậc thềm dưới quảng trường Hòa Bình đã in dấu chân và cả ký ức đẹp về con số của cháu.
Khi hai tuổi hai tháng, La Tường có thể đếm chính xác từ một đến 100, nhận biết một số hình không gian, biết số 0 và một số khái niệm khác, biết các ký hiệu “+”, “-”. Cháu phân biệt rất rõ ràng các khái niệm dài, ngắn, dày, mỏng, cao, thấp, thô, mảnh…
Sau đó, chúng tôi dạy cháu đếm ngược từ 10 đến một. Khi đi trên đường, chúng tôi cho cháu đếm tầng của các tòa nhà để giúp cháu làm quen với không gian lập thể. Khi đếm đồ vật, chúng tôi yêu cầu cháu trả lời nhanh, không ấp úng. Một lần khi chiếc ô tô chạy qua, cháu nói ra ngay lập tức năm chữ số trên biển số của chiếc xe đó. Chúng tôi không tin nên kiểm tra lại, một chiếc ô tô khác chạy qua, cháu lại nói đúng biển số xe. về sau, mỗi khi cháu ngồi trước cửa, chúng tôi lại bảo cháu nhớ số xe để luyện tính nhanh nhạy khi ghi nhớ con số cho cháu.
Con số là khái niệm trừu tượng, trẻ chỉ có thể đếm số, còn nhận thức về số thì cần phải có một quá trình. Chúng tôi thường đem đồ vật ra cho cháu đếm. Khi mới bắt đầu cháu thường đếm lặp lại hoặc đếm thiếu, chúng tôi yêu cầu cháu đếm lại cho đến khi đúng. Mỗi khi chia hoa quả, chia kẹo chúng tôi đều để cháu làm. Khi hai tuổi rưỡi, La Tường có thể phân chia đồ vật có số lượng từ 20 trở xuống một cách chính xác.
Việc dạy phép tính cộng trừ cho trẻ hơn hai tuổi tương đối khó
Khi mới bắt đầu, chúng tôi thử dạy cháu một số phép cộng trừ đơn giản. Chúng tôi vẽ một số đồ vật lên giấy, ở bên dưới viết những đẳng thức cộng trừ. Khi dạy cháu, chúng tôi tưởng cháu đã hiểu và đã tính đúng. Nhưng khi viết đẳng thức ra một tờ giấy khác thì cháu lại làm sai. Chúng tôi viết bảng tính nhẩm phép cộng các số dưới 10 cho cháu, chỉ mấy ngày là cháu học thuộc. Nhưng khi yêu cầu cháu làm tính với đồ vật, cháu lại tính sai.
Chúng tôi lập tức thay đổi phương pháp. Khi cháu có hứng thú, chúng tôi dạy cháu một vài phép tính đơn giản, yêu cầu cháu tính toán với đồ vật. Ví dụ, chúng tôi viết lên vở số 1, rồi bảo cháu đi lấy một đồ vật, sau đó chúng tôi viết dấu “+”, viết tiếp số 2, lại bảo cháu lấy hai đồ vật, cháu hiểu ngay là 1+2, chúng tôi lại hỏi cháu tất cả có mấy đồ vật, cháu trả lời là ba. Chúng tôi hỏi cháu: “1+2 bằng mấy?” Cháu lập tức trả lời “Bằng ba”. Cứ như vậy, cháu hiểu được phép tính nào coi như thành công với phép tính ấy. Chúng tôi không yêu cầu cháu phải hiểu sự thay đổi của mỗi một phép tính. Chúng tôi nghĩ rằng khi ấn tượng về phép tính của cháu sâu sắc hơn, cháu sẽ dần hiểu được sự thay đổi của những phép tính đó. Hiện giờ, La Tường biết làm tính cộng và tính trừ với các số dưới 10, cháu cũng đã có sự hiểu biết nhất định từ vật thật đến những phép tính trừu tượng.
Chúng ta hoàn toàn có thể dạy trẻ đếm và nhận thức về các con số. Việc tính toán đối với trẻ quả thật không dễ dàng, chúng ta không được ép buộc trẻ và cũng không được đánh giá thấp những phép cộng, phép trừ với các số dưới 10. Đó sẽ là cầu nối từ tư duy hình ảnh đến tư duy trừu tượng cho trẻ.