Niềm đam mê là động lực nội tại đầu tiên để trẻ nhỏ phát triển tinh thần và chủ động học tập; sự hình thành của niềm đam mê sâu sắc và đúng hướng (bao gồm nhiều sở thích khác nhau và niềm đam mê cháy bỏng nhất trong một thời gian nhất định) tự bản thân nó cũng là một nội dung quan trọng trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ.
Theo Einstein thì đam mê chính là “người thầy tốt nhất”, nhưng đối với trẻ từ 0-6 tuổi, chúng ta có thể công nhận rằng niềm đam mê là “người thầy duy nhất”. Bởi lẽ, chúng ta có thể từ chối mọi sự giáo dục bên ngoài niềm đam mê, chúng không hề để ý tới những sự việc không tạo được cho chúng hứng thú hoặc khiến chúng cảm thấy chán ghét: đóng chặt cánh cửa chú ý, khóa kín kho ghi nhớ, dừng sự khởi động của tư duy và trí tưởng tượng, thậm chí có thể kêu khóc.
Ngược lại, nếu trẻ mẫn cảm đối với những sự việc nào đó và cảm nhận được rằng nó thú vị, gợi lên trong chúng cảm giác tươi mới và lòng hiếu kỳ, chúng sẽ không hề phân biệt khó hay dễ, quan trọng hay không quan trọng, ở bên trong hay bên ngoài lớp học, lý giải hay không lý giải, từng bước ghi nhớ một cách có ý thức hay không có ý thức, chúng cũng sẽ từ từ lĩnh hội và có thể vận dụng. Chúng không cần “khổ học” mà cũng có thể có được sự phát triển lý tưởng một cách tinh vi và chính xác như khi chúng học tốt tiếng mẹ đẻ (tức ngôn ngữ của dân tộc đó).
Trẻ từ 0-6 tuổi đang ở giai đoạn tìm hiểu không lựa chọn, chúng dường như có niềm đam mê với tất cả những sự việc mới lạ, chúng ta cần tận dụng tối đa giai đoạn này để tiến hành giáo dục trẻ. Nếu giáo dục không tốt sẽ khiến trẻ chịu sự tổn hại, sự giáo dục của con người sẽ khiến một đứa trẻ trở thành một con người, sự giáo dục của loài sói sẽ khiến đứa trẻ có cuộc sống của loài sói; và nếu giáo dục tư tưởng vui chơi thoải thích sẽ khiến trẻ trở thành những “cậu ấm cô chiêu” chỉ thích ăn chơi hưởng thụ.