Phát triển toàn diện về phẩm chất tâm lý

Nội hàm giáo dục của “Phương án 0 tuổi” là giáo dục tố chất chứ không phải là giáo dục thi cử. Mục tiêu và phương châm của phương án là: Nâng cao tố chất tiềm ẩn của thai nhi cũng như tố chất cơ bản của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; kích thích trẻ phát triển một cách toàn diện, đầy đủ, có sở trường và có cá tính; bồi dưỡng nên những em nhỏ giàu năng lực sáng tạo với những phẩm chất ưu tú về sức khỏe, sự thông minh và trí tuệ, tính cách, đạo đức; đặt nền móng cơ sở vững chắc cho quá trình giáo dục, cuộc sống cũng như sự trưởng thành của các em sau này.

Để đạt được mục tiêu ấy, chúng ta cần phải nhận thức rõ một số vấn đề dưới đây nhằm mục đích chắp cánh cho những chú chim non sớm bay cao, bay xa vạn dặm trên bầu trời bao la.

Phẩm chất tâm lý của con người là hiện tượng tinh thần được sinh ra do sự tác động của thế giới khách quan bên ngoài vào đầu óc con người, là sức mạnh tinh thần mà tất cả các loài động vật khác đều không thể có được. Nó bao gồm phẩm chất về trí tuệ như khả năng tập trung chú ý, khả năng quan sát, khả năng ghi nhớ, khả năng tư duy, trí tưởng tượng, năng lực tự học tập, khả năng thao tác cùng khả năng sáng tạo…và phẩm chất tâm lý phi trí tuệ như thói quen, niềm đam mê, tình cảm, ý chí, tính cách… Những phẩm chất tâm lý nêu trên cần phải được phát triển toàn diện theo một phương hướng đúng đắn nếu không sẽ gây nên sự khiếm khuyết về mặt tâm lý cho trẻ.

Sức khỏe của con người không chỉ là sức khỏe về mặt sinh lý mà còn là sức khỏe về tâm lý. Giống như định nghĩa về sức khỏe của con người do Tổ chức Y tế thế giới trực thuộc Liên Hiệp Quốc đã đưa ra: “Là trạng thái khỏe mạnh bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần và năng lực sống trong xã hội, chứ không chỉ là khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật”. Một con người khỏe mạnh ngoài việc sở hữu một thân thể cường tráng ra còn phải đồng thời có được trí tuệ bình thường, tính cách tốt, lối sống khoa học và tâm lý tích cực phấn đấu hướng về phía trước, sẵn sàng hòa nhập với cuộc sống xã hội. Đây là những phẩm chất tâm lý không thể thiếu được trong sự phát triển toàn diện của con người.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!