Dạy chữ sớm nên chú ý đến những điểm sau: Dạy chữ tốt nhất không nên áp dụng phương pháp “học chữ theo hình vẽ”, trên những hình vẽ có cả chữ và hình, sự chú ý của trẻ thường chỉ tập trung vào hình, dạy chữ tương đối khó, không bằng chỉ dạy chữ đơn thuần. Mỗi lần dạy xong một số chữ, tôi đều ghi ngày tháng và kết quả dạy vào phía sau, ví dụ: “một lần rồi nhớ”, “không hứng thú”, “đọc nhầm thành”,… từ đó nắm được quy luật và kết quả học chữ của cháu.
Khi bắt đầu dạy chữ, nên hạn chế tối đa giải thích, dạy chữ nào biết chữ ấy. Bằng chứng là Điền Thần mới học chữ, một bác dạy cháu đọc chữ “tóc”, giải thích là “những sợi ở trên đầu”. Kết quả là rất lâu sau đó cháu đọc từ này không chuẩn, lúc thì đọc là “tóc”, lúc thì đọc là “đầu, có lúc lại đọc là “sợi”, cứ nhầm lẫn mãi bởi vì lúc đó cháu vẫn chưa nắm được quy luật học chữ, cháu không rõ bạn muốn dạy cháu cái gì. Đợi đến khi cháu nắm được quy luật học chữ, tôi mới thêm vào những động tác giải thích, cháu cảm thấy ít khó khăn, coi học chữ như chơi trò chơi.
Dạy trẻ dưới một tuổi học chữ nên dạy những chữ mà trẻ quen thuộc và yêu thích trong cuộc sống hàng ngày, như hoa, cá, nước, chim, thỏ, mũ, giấy, tất. Đối với những chữ dễ nhầm lẫn về mặt ngữ nghĩa hoặc có cách viết gần giống với chữ khác, nên để dạy sau. Những chữ mà trẻ quen thuộc là những chữ chúng đã nghe nhiều lần và có nghĩa rõ ràng, chúng sẽ nhớ mặt chữ rất nhanh.
Khi dạy chữ, không nên để cháu lấy lại ô chữ làm đồ chơi, bởi vì như vậy cháu chỉ cầm chơi một lúc là sẽ làm gãy hoặc làm mất. Dạy xong phải cất ô chữ đi, xếp ngay ngắn ở trong hộp, đặt ở một nơi nhất định, để cháu có cảm giác thần bí và trân trọng nó. Lúc đó, cháu sẽ cảm thấy dường như mình lớn hơn nhiều rồi, càng chăm chỉ chơi trò chơi học chữ.