Những điều cần biết khi trẻ bị béo phì

Bệnh béo phì ở trẻ em

Béo phì đang là một hiện tượng phổ biến ở trẻ nhỏ. Béo phì có nghiêm trọng không? Cha mẹ cần làm gì để hạn chế nguy cơ con bị béo phì?

Bé được xem là béo phì, hay nặng cân quá, khi bé nặng hơn mức trung bình so với chiều cao và tuổi là 20 phần trăm. Bé không phải là béo phì nếu chỉ có bụng phưỡn hay tròn trĩnh, mặt tròn trịa với hai má phúng phính, các điểm này rất thường thấy ở các bé dưới năm tuổi. Trắc nghiệm tốt nhất để xem bé có bị béo phì không là nhìn hai cánh tay và bắp đùi con bạn; nếu có những cuốn mỡ ngấn lên, thì có thể là bé có vấn đề về cân nặng.

Chứng béo phì ở các bé hiếm khi do đặc tính di truyền hay bệnh hormone. Phần lớn là do các thói quen không tốt về ăn uống. Chủ yếu do bố mẹ cho ăn nhiều quá. Cũng vì lý do này mà cha mẹ bé ít khi nhận thức được là bé đang có vấn đề về số cân.

Bệnh béo phì có nghiêm trọng không?

Chứng béo phì ở bé là nghiêm trọng. Sẽ có một sức ép về mặt cảm xúc lên bé khi bé bị bạn bè chế giễu. Điều quan trọng hơn, những bé béo có khuynh hướng lớn lên sẽ trở thành người mập mạp, có nhiều nguy cơ bị bệnh tim mạch, cao huyết áp và rối loạn về khớp xương hơn người khác.

Bệnh béo phì
Trẻ mắc bệnh béo phì

Triệu chứng của bệnh béo phì có thể gặp:

  • Bé quá nặng cân.
  • Nặng hơn 20% trên số cân trung bình so với chiều cao và tuổi.
  • Có những ngấn mỡ quanh đùi, cánh tay trên, ngực và cằm.
  • Hụt hơi khi gắng sức.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh béo phì?

  1. Bạn cân con mình và kiểm tra các biểu đồ để xem bé có nặng hơn bình thường so với tuổi không.
  2. Hãy quan sát xem bé có những ngấn mỡ ở cánh tay trên, đùi, cằm và xem ngực cháu có phát triển quá mức không?
  3. Hãy xem xét lại chế độ ăn của bé xem bạn có cho cháu ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng như thức uống sirô, nhiều sản phẩm có tinh bột trắng và ăn nhiều đồ ngọt quá không?
  4. Bạn hãy so sánh con mình với các bé cùng độ tuổi với cháu – về thể chất, bé ít hoạt động.

Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh béo phì có cần đi khám bác sỹ không?

Hãy đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt nếu bạn nghĩ là con mình có vấn đề về cân nặng. Nếu chính bản thân bạn cũng nặng cân quá, bạn có thể lẫn lộn sự mũm mĩm tự nhiên của bé với vấn đề báo phì. Bác sỹ của bạn có thể cho bạn lời khuyên.

Bác sỹ có thể làm gì khi trẻ mắc bệnh béo phì?

  • Bác sỹ sẽ khám cho bé. Trong những trường hợp hiếm hoi chứng béo phì bắt nguồn từ một tình trạng rối loạn nội tiết, bác sỹ sẽ giới thiệu bé tới một nhà chuyên khoa nội tiết (một bác sỹ chuyên về các rối loạn nội tiết) để khảo sát.
  • Trong trường hợp không nghi ngờ là do căn bệnh nào bác sỹ có thể khuyến cáo về chế độ ăn và khuyên bạn nên khuyến khích cháu tiêu hao năng lượng nhiều hơn.

Khi trẻ bị béo phì thì giúp bé bằng cách nào?

  • Bạn hãy xem xét chứng béo phì có phải là một vấn đề của gia đình không? Nếu bạn dự kiến thay đổi chế độ ăn của bé, chính bản thân bạn cũng phải theo những nguyên tắc đó để nêu gương tốt cho bé. Bạn hãy tìm hiểu xem thế nào là ăn uống lành mạnh.
  • Cho bé ăn bánh mì làm bằng bột nguyên cám, trái cây và rau tươi.
  • Đừng cho bé theo một chế độ ăn đặc biệt làm sụt cân. Thay vào đó, bạn hãy sửa đổi chế độ ăn của bé sao cho bao gồm những thức ăn ít chế biến, giàu chất xơ hơn như bột còn nguyên cám, gạo lứt (gạo đỏ), trái cây và rau tươi. Giảm bớt những thứ bột và đường tinh luyện trong nấu ăn; tránh bánh ngọt, bánh quy, kẹo và các nước ngọt có đường.
  • Cố gắng đừng chiên thức ăn. Thay vào đó, nên nướng hoặc hấp. Loại bỏ phần mỡ của các miếng thịt, trước khi nấu nướng.
  • Pha sữa, luôn luôn đong đúng liều lượng sữa bột (theo công thức).
  • Đừng cho bé của bạn ăn vặt bánh mỳ ngọt nướng hay bánh quy, cả hai thứ đều chứa rất nhiều đường; thay vào đó, bạn hãy cho bé ăn bánh mỳ nguyên cám nướng giòn hoặc những miếng cần tây hay táo.
  • Bạn hãy pha loãng (với nước) nước ép trái cây tươi và tránh các loại nước ngọt có ga.
  • Hãy khuyến khích cho bé hoạt động. Đừng nhốt một đứa trẻ lẫm chẫm biết đi vào một cái cũi hoặc một chiếc ghế đẩy; hãy để cho bé tiêu hao năng lượng bằng cách bò hay tập đi. Bạn hãy chơi với bé những trò chơi vận động.

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!