Những điều cần biết khi trẻ có nhiều ráy tai

Trẻ có nhiều ráy tai

Ráy tai là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, một số bé lại có lượng ráy tai nhiều bất thường gây giảm thính giác nhất thời. Cha mẹ hãy cùng lưu ý vệ sinh tai cho bé để ngăn việc suy giảm thính giác không xảy ra.

Một chút ráy tai ở ống tai ngoài là điều hết sức bình thường. Ráy tai do các tuyến ống tai sản xuất ra để bảo vệ tai khỏi bị bụi bặm, vật lạ và bệnh nhiễm trùng. Ráy tai xuất hiện dưới dạng những mẩu sáp màu sét gỉ hay nâu vàng. Ráy tai thường được di chuyển dọc theo ống tai ngoài đi ra do cử động nhai của quai hàm, tuy nhiên ở một số trẻ em có một lượng ráy tai quá nhiều được sản xuất nhằm phản ứng lại bệnh viêm tai giữa kinh niên hay môi trường bụi bặm. Vì thế ráy tai có thể tích tụ, khô lại và nút tắc ống tai, dẫn tới một tình trạng suy giảm thính giác nhất thời.

Trẻ có nhiều ráy tai có nghiêm trọng không?

Một lượng ráy tai quá nhiều không có gì là nghiêm trọng, mặc dù có thể ảnh hưởng nhất thời tới thính giác, cho đến khi nút ráy tai được lấy đi.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ có nhiều ráy tai?

Kiểm tra đều đặn tai bé xem có tích tụ ráy hay không. Chỉ lấy ráy tai, nếu nó ở ngay ngoài lỗ tai và có thể lấy đi một cách dễ dàng. Không bao giờ thọc cái gì vào tai, ngay cả một que quấn bông gòn cũng không.

Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ có nhiều ráy tai?

Đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn không lấy ráy tai đi một cách dễ dàng, hoặc nếu bé có vẻ bị lãng tai.

Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ có nhiều ráy tai?

  • Sau khi khám tai cho bé bằng một cái đèn soi tai, bác sĩ có thể bơm nước ấm vào tai bé để rửa ráy tai. Đây là một việc làm không đau mặc dù có thể thấy khó chịu.
  • Nếu ráy tai cứng và đặc rắn lại, bác sĩ có thể kê toa thuốc giọt nhỏ tai để làm mềm và hòa tan ráy tai. Bạn có thể phải trở lại để ngươi ta bơm tai bé vài ngày sau nếu thuốc nhỏ giọt đã không làm bong được cục ráy tai.

Khi trẻ có nhiều ráy tai, bạn nên làm gì?

  • Hãy nhỏ giọt vào tai ngay trước khi bé đi ngủ. Đặt bé nằm ngang qua đùi hay nằm giường, nghiêng về một phía rồi bạn nhỏ giọt theo số lượng yêu cầu vào ống tai. Cẩn thận bảo bé nằm yên hai phút cho các giọt thuốc không chảy ra khỏi tai.
  • Sau khi nhỏ tai, bạn hãy nút tai bé bằng một viên bông gòn và để nguyên trong lỗ tai bé qua đêm, ráy tai có thể ra cùng với nút bông gòn vào sáng hôm sau. bằng không, bạn có thể phải trở lại bác sĩ để bơm tai.
  • Trong tương lai, bạn hãy cảnh giác coi chừng tai bị nút lại. Khuynh hướng sản xuất ra nhiều ráy tai quá là một đặc tính di truyền, và hiện tượng bị bịt kín nút tai có thể tái phát sau khi bé bị cảm cúm hay những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Xem thêm:

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!