Những điều cần biết về bệnh ưa chảy máu ở trẻ em

bệnh ưa chảy máu ở trẻ em

Ưa chảy máu là một bệnh tuy không phổ biến nhưng lại khá nguy hiểm, sau đây là những thông tin tham khảo hữu ích để bạn biết cách bảo vệ bản thân hoặc những người thân có nguy cơ tiềm ẩn về bệnh ưa chảy máu.

Bệnh ưa chảy máu là một bệnh di truyền, do một gen có khuyết điểm gây nên. Mẹ mang gen này có thể truyền cho con gái, con trai mình loại gien đó, nhưng chỉ con trai mới phát bệnh. Những người mắc bệnh ưa chảy máu thiếu một chất gọi là globulin chống tính ưa chảy máu (AHG) là một chất thiết yếu để làm cho máu đông. Do đó, người mắc bệnh này bị vết thương nhỏ cũng chảy máu nhiều, và không cầm máu được. Ở người bình thường có bị va nhẹ thì chỉ chảy máu một chút vào các mô, gây nên một vết bầm, nhưng ở người ưa chảy máu, thì sẽ sinh ra bầm da sâu, sưng và đau khá nặng trong nhiều ngày.

Triệu chứng của bệnh ưa chảy máu có thể gặp:

  • Chảy máu nhiều và kéo dài từ bất cứ vết thương hở nào.
  • Bầm da, đau và sưng nặng chỉ sau khi va nhẹ.
  • Khớp xương hoặc cơ bắp cứng đơ do xuất huyết nội.

Bạn phải làm gì khi trẻ mắc bệnh ưa chảy máu?

Đa số các gia đình mang bệnh ưa chảy máu đều ý thức được sự hiện diện của rối loạn này. Các bé trai trong gia đình phải được thử nhiệm máu sau khi sinh để xem có mắc bệnh này không. Các chuyên gia khuyến cáo các phụ nữ có gen bệnh ưa chảy máu nên đi khám bác sỹ và tìm một nhà di truyền học xin tham vấn trước khi thụ thai. Để xác định các nguy cơ thai nhi mang bệnh, bác sỹ dùng thủ thuật chọc dò nước ối – một phương pháp rút nước đầu ối bao quanh các thai bằng một cái kim – có khả năng xác định được giới tính em bé. Nếu là một bé trai và người mẹ mang gen ưa chảy máu, người ta sẽ đề nghị bạn chấm dứt thai kỳ.

Trong những trường hợp không tiên lượng được từ trước, các triệu chứng bệnh sẽ bộc lộ ra khi em bé trai được vài tháng tuổi và trở nên rõ hơn, lúc đang tập bò và tập đi.

Phép trị liệu chủ yếu trong bệnh ưa chảy máu là thay thế chất AHG thiếu sót bằng một mũi chích vào tĩnh mạch, càng sớm càng tốt sau khi bị bầm da, sưng hay chấn thương, hoặc trước khi tiến hành những thủ thuật nha khoa và giải phẫu trong trường hợp bị thương tích, người ta có thể chích lại mỗi ngày cho đến khi hết chảy máu hoặc hết sưng. Nhiều bé trai lớn hơn có thể tự chích lấy, với sự phụ giúp của cha mẹ hay với sự theo dõi bằng điện thoại của bác sỹ.

Bạn cần phải áp dụng nhanh nhạy các kỹ thuật sơ cứu thích nghi, nếu bé bị chấn thương để giảm bớt lưu lượng máu. Giữ cho bé nằm yên trong khi chờ bác sỹ tới.

Người bị bệnh ưa chảy máu cần đeo một tấm thẻ khẳng định mình mang bệnh, có khắc nhóm máu và những gì cần làm lúc cấp cứu.

Bác sỹ hay điều dưỡng viên cũng có thể đưa ra lời khuyên về cách bảo vệ bé nhằm hạn chế tối đa việc xảy ra chấn thương. Ví dụ, bé cần nằm giường thấp, cẩn thận trên những sàn nhà trơn trượt, và tránh chơi với những đồ chơi nguy hiểm có khả năng dẫn tới thương tích cơ thể.

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!