Tổng quan về chứng ban đào ở trẻ em

Trẻ bị ban đào

Ban đào là một bệnh nhiễm siêu vi tương đối hiếm gây nên sốt và nổi ban ở trẻ nhỏ. Bệnh dễ lây và có những triệu chứng có thể dễ nhầm lẫn với bệnh tinh hồng nhiệt.

Bệnh ban đào khởi đầu bằng một cơn sốt cao xuất hiện bất thình lình và kéo dài ba ngày. Khi cơn sốt hạ xuống, những đốm dẹt màu đỏ hay hồng xuất hiện, thoạt đầu trên thân rồi lan ra tay chân và cổ. Chứng ban nhạt đi sau khoảng 48 tiếng, không có triệu chứng phụ nào khác đi kèm.

Chứng ban đào có nghiêm trọng không?

Ban đào trẻ em không có gì nghiêm trọng mặc dù thân nhiệt có thể lên cao làm cho trẻ bị co giật vì sốt cao.

Triệu chứng có thể gặp ở trẻ bị ban đào

  • Sốt cao 39oC đến 40oC trong ba ngày, không có triệu chứng nào rõ rệt.
  • Sau khi hết sốt, nổi ban những đốm riêng biệt, dẹt màu đỏ hay hồng, lúc đầu xuất hiện trên thân rồi lan ra chân, tay và cổ.
Chứng ban đào ở trẻ em
Trẻ bị ban đào

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ có dấu hiệu bị ban đào?

  1. Hãy kiểm tra nhiệt độ con bạn. Nếu nhiệt độ quá cao hãy cố gắng làm hạ nhiệt bằng cách lau mình cho cháu bằng nước ấm.
  2. Ghi nhận nơi nào khởi đầu nổi ban và phần đoạn cơ thể nào chứng ban lan tới nếu có.

Khi trẻ có dấu hiệu bị ban đào có cần đi khám bác sỹ không?

Đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán rõ bệnh. Hãy đi khám bác sỹ ngay nếu nhiệt độ bé không hạ xuống được sau 48 tiếng hoặc nếu bé bị sốt co giật.

Bác sỹ có thể làm gì khi trẻ bị ban đào?

  • Không có những chữa trị đặc hiệu nào cho các bệnh do siêu vi mà chỉ có chữa trị theo triệu chứng. Bác sỹ sẽ khuyên bạn cách để hạ sốt cho bé và dặn bạn nên để cháu nằm nghỉ cho đến khi hết nổi ban.
  • Trong trường hợp bé trước đây từng bị sốt co giật, có thể bác sỹ sẽ kê toa thuốc để đề phòng những cơn co giật có thể xảy ra.

Giúp bé bằng cách nào khi bé bị ban đào?

Hãy cặp nhiệt độ đều đặn cho bé và nếu nhiệt độ tăng, bạn hãy cố gắng để hạ nhiệt cho bé, thoạt đầu bằng cách lau mình bằng nước ấm, rồi sau mới hạ sốt bằng paracetamol nước.

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!