Những điều cần biết khi trẻ bị chấn thương ở đầu

Trẻ bị chấn thương ở đầu

Trẻ con hay bị cụng đầu, đa số các trường hợp đều không nguy hiểm nhưng đôi khi có những tổn thương khá nghiêm trọng. Nếu bé bị va chạm mạnh vào đầu, cha mẹ cần lưu ý những gì để phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề nguy hiểm cho bé?

Trẻ con hay cụng đầu và trong đa số trường hợp đứa trẻ nín khóc và chơi bình thường trong vòng 10 – 15 phút sau khi va chạm. Với những cú trúng đầu mạnh hơn, thì có nhức đầu và nổi u tại chỗ. Nếu có rách da, máu chảy có thể trông đáng sợ ngay cả với một vết đứt nhỏ.

Khi không có dấu hiệu chấn thương chắc hẳn bé sẽ chỉ kêu hơi nhức đầu một chút thôi. Tuy nhiên, nếu bé bị bất tỉnh, kêu chóng mặt, hoặc có vẻ bị choáng váng và nôn mửa, đó có thể là do bị chấn động khi não bị rung chuyển trong hộp sọ. Các triệu chứng chấn động có thể không xuất hiện trong nhiều giờ.

Trẻ bị chấn thương ở đầu có nghiêm trọng không?

Một chấn thương ở đầu dẫn tới bất tỉnh, chóng mặt hay nôn mửa bao giờ cũng phải được xử lý như trường hợp nghiêm trọng. Nếu mũi hay tai bé chảy máu hay chảy ra nước màu vàng rơm sau khi va chạm vào đầu, hãy xử lý trường hợp này như một ca cấp cứu vì đó là dấu hiệu vỡ sọ. Nếu có gãy xương và một vết thương mở hoặc có chảy máu vào não, có nhiều nguy cơ não bị tổn thương hơn.

Triệu chứng có thể gặp khi trẻ bị chấn thương ở đầu

  • Nhức đầu.
  • Tình trạng choáng váng.
  • Ngủ li bì.
  • Có giai đoạn bất tỉnh.
  • Dễ kích thích.
  • Nôn mửa.
  • Mũi hay tai chảy máu hoặc nước màu vàng rơm.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị chấn thương ở đầu?

  1. Nếu bé bị té đập đầu hoặc bị phang vào đầu, hãy kiểm tra xem có triệu chứng bị chấn động hay vỡ sọ không, xem có hay không một vết thương mở. Hãy xử lý bất cứ triệu chứng nào ngoài chứng nhức đầu nhẹ, như là một ca cấp cứu và đưa bé tới khoa chấn thương gần nhất.
  2. Nếu bé kêu nhức đầu nhưng ngoài ra, có vẻ tỉnh táo, hãy cho bé  nằm nghỉ trong một giờ ở một phòng tối, nhưng coi chừng bé thật sát để kiểm tra xem bé có bị bất tỉnh không.
  3. Nếu vết thương chảy máu, hãy lấy một tấm gạc hay một khăn tay sạch đè lên trên trong khoảng 10 phút, hoặc cho đến khi cầm máu. Nếu là một vết thương nhỏ, hãy rửa sạch vùng chấn thương bằng xà bông và nước, đặt một miếng gạc sạch lên và quấn băng quanh đó để duy trì sức ép lên vết thương. Nếu đường vết thương như răng cưa hay dài, hãy đưa tới khoa chấn thương gần nhất để khâu lại.
  4. Nếu có nước dịch lỏng từ tai hay mũi chảy ra, đừng cố làm cho hết chảy, hãy đặt một miếng gạc áp vào tai hay mũi để thấm dịch. Đưa bé tới bệnh viện gần nhất.

Có cần đi khám bác sỹ không khi trẻ bị chấn thương ở đầu?

Hãy đi khám bác sỹ ngay hoặc đưa bé tới bệnh viện gần nhất nếu bé bị bất tỉnh, ngay cả chỉ trong thời gian ngắn, nếu bé kêu nhức đầu nặng và chóng mặt, nếu bé nôn mửa hoặc nếu mũi hay tai có chảy dịch. Đưa bé tới bệnh viện gần nhất nếu có một vết thương cần khâu lại. Hãy đi khám bác sỹ ngay nếu bạn cảm thấy lo âu về tình trạng của con mình dù là vài giờ sau một chấn thương ở đầu, đặc biệt là nếu cháu tái nhợt, yên tĩnh một cách bất thường và không còn thiết ăn gì cả. Hãy nói cho bác sỹ rõ về diễn biến tai nạn hay sự cố đã gây ra chấn thương.

Bác sỹ có thể làm gì khi trẻ bị chấn thương ở đầu?

  • Nếu có dấu hiệu bị vỡ sọ, người ta sẽ cho bé chụp hình X-quang xương sọ.
  • Nếu bị rách da, bác sỹ sẽ khâu da lại, sau khi chích thuốc tê.
  • Nếu không có dấu hiệu gãy xương nào nhưng bé chóng mặt và nhức đầu, bác sỹ sẽ cho cháu nhập viện để được theo dõi qua thêm.

Xem thêm:

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!