Nhiễm trùng quanh móng là một tình trạng nhiễm trùng nếp da bên cạnh móng tay móng chân. Nhiễm trùng quanh móng không có gì là nghiêm trọng và có thể chữa trị dễ dàng.
Nhiễm trùng quanh móng là một tình trạng nhiễm trùng nếp da bên cạnh móng tay móng chân. Vi khuẩn gây nên được tình trạng nhiễm trùng có khả năng xâm nhập da nếu da mềm sũng do ngâm nước lâu, hoặc móng hay nếp da lân cận thường xuyên bị châm chích hoặc bị cắn. Khi có mủ tích lại trong rãnh móng tay hay móng chân, vùng này sẽ bị đau.
Bệnh nhiễm trùng quanh móng có nghiêm trọng không?
Nhiễm trùng quanh móng không có gì là nghiêm trọng và có thể chữa trị dễ dàng. Đôi khi một vi nấm như Candida albican, là nguyên nhân bệnh đẹn, có thể bội nhiễm chứng nhiễm trùng quanh móng và phát sinh ra một bệnh mãn tính có nguy cơ gây biến dạng lớn hơn và đòi hỏi chữa trị lâu ngày.
Triệu chứng bệnh nhiễm trùng quanh móng có thể gặp:
- Đỏ và sưng quanh rãnh móng.
- Có mủ dưới hay cạnh móng.
- Đau nhói theo mạch.
Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị nhiễm trùng quanh móng?
- Nếu bé kêu đau xung quanh móng, nhói theo nhịp mạch và bạn có thể thấy mủ đã tụ lại dưới da, bạn chớ có tự ý làm cho mủ thoát ra – có thể là bạn sẽ làm tổn thương đến phần bên dưới của móng.
- Bạn nên đắp một tấm gạc nóng hoặc một miếng bông gòn ngâm trong nước nóng để dồn mủ vào một đầu mối. Lúc đó đầu này sẽ chắc chắn bể ra hoặc thoát đi một cách tự nhiên.
- Hãy che chở ngón tay hay ngón chân cho khỏi bị va chạm, bằng một lớp bông dầy và băng keo.
Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ bị nhiễm trùng quanh móng?
Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu mủ không thoát đi trong vòng vài giờ sau khi tụ lại một đầu mối, hoặc nếu đau nghiêm trọng.
Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ bị nhiễm trùng quanh móng?
- Trong trường hợp mủ đã tụ lại, chắc hẳn bác sĩ sẽ rạch bọc mủ và cho mủ thoát đi. Việc này thường được thực hiện sau khi chích thuốc tê tại chỗ. Đôi khi, nếu căn bệnh nghiêm trọng, người ta lại phải cắt bỏ một miếng móng sau khi chích thuốc tê, để cho mủ có lối thoát. Làm như vậy sẽ làm giảm đau ngay tức khắc.
- Nếu bị nhiễm trùng cấp tính, bác sỹ sẽ kê toa thuốc kháng sinh để uống, hoặc dưới dạng kem để thoa lên móng, nhằm tiêu diệt tình trạng nhiễm vi khuẩn.
- Nếu chứng nhiễm trùng quanh móng không khá hơn được, bác sỹ có thể giới thiệu bạn tới bác sỹ chuyên khoa da liễu để xem có bị nhiễm nấm hay không. Trong trường hợp nhiễm nấm, người ta có thể kê toa kem hay viên nén chống nấm cho con bạn.
Giúp trẻ bị nhiễm trùng quanh móng bằng cách nào?
- Nên cắt ngắn móng tay móng chân cho bé, chỗ nào nhám bé có thể gặm được, bạn hãy dũa đi cho trơn.
- Đừng cho bé cắn móng tay hay châm chích vùng da quanh cạnh móng.
Xem thêm:
Nội dung bài viết do Bác sĩ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sĩ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.