Những điều cần biết khi trẻ bị nhọt

trẻ bị nhọt

Một cái nhọt là một khối u lớn, nhạy cảm, đỏ, sinh ra vì một cái nang lông bị nhiễm khuẩn (tụ cầu). Nhọt có thể gây ra đau đớn và nhiễm trùng  nên cần điều trị sớm.

Một cái nhọt là một khối u lớn, nhạy cảm, đỏ, sinh ra vì một cái nang lông bị nhiễm khuẩn (tụ cầu). Trong trường hợp tiến trình nhiễm trùng diễn ra phía trên nang lông, gần bề mặt làn da, người ta gọi đó là mụn. Khối u mủ dần dần biến thành một cái đầu ngòi trắng hay vàng, và nó bể ra và từ từ biến mất. Do các nang lông nằm gần nhau, các vi khuẩn có thể nhiễm một vùng rộng, khiến cho nổi lên nhiều nhọt hơn. Nhọt thường nổi lên ở mặt. Các mụn nhọt thường xuất hiện ở những vùng có điểm cọ xát, như ở nơi cổ hay ở mông chẳng hạn.

Bệnh nhọt ở trẻ em có nghiêm trọng không?

Mặc dù khó coi, nhọt không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhọt có thể làm cho rất đau đớn, đặc biệt nếu nó phát ra trên một vùng cận xương, nơi hàm hay trán, nơi da bị căng sát.

Triệu chứng bệnh nhọt ở trẻ em có thể gặp:

Khối u lớn, đau, đỏ.

Tính nhạy cảm gia tăng và nhức nhối khi mưng mủ dần trong khối u; sau một, hai ngày khối u đỏ hình thành một ngòi trắng hay vàng đầy mủ ở giữa có thể bể ra hoặc không

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị nhọt?

  1. Nếu bé kêu đau, nhức nhối, bạn hãy ngăn bé đừng gãi hay đụng tới vùng đau.
  2. Bạn hãy rửa da bằng cồn hoặc bằng dung dịch nước muối 5 ml (một muỗng cà phê muối hòa tan trong một ly nước ấm) để ngừa cho nhiễm trùng đừng lan rộng. Rồi bạn hãy đắp một cái gạc vô trùng lên cái nhọt.
  3. Không được nặn nhọt, ngay cả khi nhọt đã lên ngòi. Nặn nhọt sẽ làm cho vùng nhiễm trùng lan rộng ra xung quanh và làm cho tình trạng nổi nhọt tệ hại hơn.

Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ bị nhọt?

Bạn hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu nhọt không lên ngòi trong vòng 5 ngày, hoặc nếu nhọt khiến cho bé đau nhiều do nằm ở vị trí cận xương hoặc một chỗ oái oăm, như trong nách chẳng hạn. Nếu bạn nhận thấy có những lằn đỏ từ tâm nhọt tỏa ra hãy đưa bé đến bác sĩ ngay. Hiện tượng này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đang lan rộng.

Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ bị nhọt?

  • Bác sĩ sẽ khám cái nhọt và vùng da xung quanh. Nếu nhận thấy có thể có lớp mủ dưới lớp da, bác sĩ sẽ dùng dao mổ chích nhọt. rút mủ ra, làm như vậy sẽ giảm đau ngay tức khắc.
  • Trong trường hợp bị nhiễm trùng và nhiễm trùng đã lan rộng ra vùng xung quanh, nếu bé đã bị nổi một số nhọt trong những tháng trước, bác sĩ có thể kê toa một loại kem chống nhiễm trùng để chữa trị bề mặt da, hoặc cho uống những viên nén thuốc kháng sinh để đề phòng bệnh nhiễm trùng lan rộng bên trong.
  • Trong trường hợp nổi nhọt hàng loạt, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc sát trùng đặc biệt để bỏ vào nước tắm.
  • Nếu nhọt nổi lên trở đi trở lại, bé sẽ được giới thiệu đi khám một bác sĩ chuyên khoa da liễu, để tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn.

Giúp trẻ bị nhọt bằng cách nào?

  • Một khi cái nhọt đã bể rồi, bạn hãy giữ vùng da này cho sạch và che nó bằng một miếng băng cá nhân trong một vài ngày.
  • Hãy treo khăn tắm, khăn mặt của con bạn, cách ly với vật dụng của người khác trong nhà.
  • Nếu cái nhọt ở vào một chỗ dễ bị quần áo cọ xát, bạn hãy chêm một miếng bông dầy lên tấm gạc để đề phòng cọ xát.
  • Nếu bé bị một cái nhọt ở mông, và bé đang còn quấn tã, bạn cố gắng quấn tã càng ít chừng nào càng tốt chừng nấy. Bạn hãy thay tã thường xuyên và sử dụng một thứ kem sát trùng bôi quanh vùng bị nhọt.

Nội dung bài viết do Bác sĩ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sĩ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!