Những điều cần biết khi trẻ bị sặc thức ăn

trẻ bị sặc thức ăn

Sặc là phản xạ của cơ thể để tống vật lạ ra khỏi dường hô hấp. Sặc nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Cha mẹ cần làm gì khi bé bị sặc?

Sặc là phản ứng của cơ thể để tống ra một vật lạ – thường là thức ăn hay đồ chơi – đã đi vào đường hô hấp thay vì đi vào dạ dày. Nếu có đủ không khí vào tới phổi, bé có thể sẽ ho để đưa vật này lên miệng trở lại.

Sặc ở trẻ em có nghiêm trọng không?

Nếu bé ho rất yếu hoặc nếu bé ì ạch mới thở được hoặc mặt bé đâm ra tái mét, điều đó là nghiêm trọng và phải được xử lý như một ca cấp cứu. Khí quản bị tắc hoàn toàn, bé sẽ trở nên bất tỉnh.

Triệu chứng có thể gặp khi trẻ bị sặc:

  • Phun ra hoặc ho.
  • Thở ì ạch.
  • Xanh tím quanh môi.
  • Bất tỉnh.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị sặc?

  1. Với em bé, bạn hãy đặt bé dọc theo cẳng tay, bàn tay bạn giữ chắc lấy đầu. Đầu của bé phải thấp hơn ngực. Với bàn tay kia, bạn hãy vỗ nhẹ lên lưng bé bốn cái. Với một đứa trẻ lớn hơn, bạn hãy đặt cháu nằm ngang đầu gối bạn, giữ chắc ngang thắt lưng cho đầu bé chúc xuống về phía trước. Bạn hãy vỗ mạnh lên bé vào giữa hai xương bả vai.
  2. Nếu vật lạ bị ho văng ra tới họng và bạn có thể trông thấy nó, bạn hãy cố móc nó ra bằng ngón tay. Với bàn tay kia, bạn hãy giữ bé cho vững để ngăn đừng cho cháu hít vật trở lại. Bạn hãy coi chừng, đừng lấy vật lạ sâu thêm vào họng bé.

Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ bị sặc?

Bạn hãy kêu ngay một xe cứu thương và nói cho người trực điện thoại biết nếu bé đã tím tái hay bất tỉnh. Trong khi chờ đợi được các y bác sĩ cứu chữa, bạn cứ tiếp tục vỗ lưng cho bé để vật lạ văng ra. Trong trường hợp bé bị bất tỉnh, bạn hãy đặt bé nằm trong tư thế hồi phục cho tới khi có người tới cứu. Bạn hãy ở gần bé và nếu bé ngưng thở, bạn hãy bắt đầu hà hơi qua miệng cho bé.

Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ bị sặc?

Người phụ trách xe cứu thương hay bác sĩ sẽ cố gắng hồi sức cho con bạn nếu cần và lấy vật lạ ra nếu còn vướng trong họng.

Giúp trẻ bị sặc bằng cách nào?

  • Bạn hãy giảng giải sao cho bé hiểu là cháu không được đưa bất cứ đồ chơi nhỏ nào vào miệng vì sẽ có nguy cơ bị sặc. Không được cho trẻ con dưới 3 tuổi những món đồ chơi quá nhỏ mà nó có thể nuôt phải.
  • Đừng bao giờ để một đứa trẻ nhỏ không người trông coi khi nó ăn.
  • Đừng bao giờ cho một đứa trẻ dưới 3 tuổi ăn đậu phộng (lạc) hoặc thức ăn hạt nhỏ khác.

Nội dung bài viết do Bác sĩ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sĩ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!