Những điều cần biết khi trẻ bị tiêu chảy

trẻ bị tiêu chảy

Tiêu chảy là đi đại tiện nhiều lần và ra phân lỏng, nhiều nước. Tiêu chảy ở trẻ em bao giờ cũng nghiêm trọng vì có nguy cơ bị mất nước. Vì vậy, cha mẹ cần kịp thời phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời.

Hãy đi khám bác sỹ ngay, nếu bé đi đại tiện phân lỏng trong hơn sáu tiếng đồng hồ, đặc biệt kèm với ói mửa hoặc sốt và cháu còn dưới một tuổi

Triệu chứng tiêu chảy ở trẻ em đi kèm

Nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ thông thường

Bé không có triệu chứng gì ngoài phân lỏng hơn bình thường và có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh và vui vẻ. Chắc hẳn là do cháu đã ăn quá nhiều thức ăn giàu chất xơ (như mận chẳng hạn). Trừ khi phân rất lỏng và đi nhiều lần, đây không phải là tiêu chảy thực sự và bạn không việc gì phải lo cả.
Bé bị một cơn tiêu chảy đột ngột và ói mửa, kèm với sốt nhẹ. Chắc hẳn là cháu bị cúm “dạ dày” hoặc một chứng nhiễm trùng ruột như ngộ độc thực phẩm.
Bé không có triệu chứng nào khác ngoài tiêu chảy, nhưng bé lo âu về một điều gì, ví dụ như việc học. Tình trạng căng thẳng stress có thể sinh ra những cơn tiêu chảy ở trẻ lớn hơn. Nếu điều này thường xảy ra, hãy đi khám bác sĩ.
Bé có triệu chứng khác như ho chẳng hạn và bác sỹ đã cho thuốc để chữa trị. Nhiều thứ thuốc làm cho tiêu chảy. Nói cho bác sĩ hay, chứ đừng ngưng cho uống thuốc.
Bé đau bụng quanh vùng rốn và bên phải phía dưới gần bẹn. Bé có thể bị viêm ruột thừa. ĐI KHÁM BÁC SĨ NGAY.
Bé đau bụng co thắt nặng, ói mửa và phân đầy máu và chất nhớt, giống như mứt dâu. Bé có thể bị một chức tắc ruột gọi là lồng ruột. ĐI KHÁM BÁC SĨ NGAY.
Bé vô tình đi ỉa ra quần, ngay dù đã quen ngồi bò rồi. Đây không phải là tiêu chảy thực sự, mà có thể là một chứng gọi là ỉa đùn.
Bé chậm lớn và phân của cháu lợt máu, có khối lớn và mùi thối nổi lên khi bạn cố giật nước cho trôi đi. Có thể cháu bị tiêu chảy mỡ.

Tiêu chảy là đi đại tiện nhiều lần và ra phân lỏng, nhiều nước. Đây là dấu hiệu ruột bị kích thích, co thắt nhiều hơn bình thường, thúc đẩy thức ăn theo, nước từ các thức ăn chưa kịp hấp thu vào cơ thể. Hậu quả của việc này là mất nước nhiều, đặc biệt là ở các em bé.

Các em bé còn bú sữa đi đại tiện nhiều lần mỗi ngày. Điều này hoàn toàn bình thường. Một khi em bé bắt đầu ăn thức ăn đặc, phân trở nên đặc hơn và đi đại tiện ra đều đặn hơn. Phân lỏng ra nhiều lần có thể là do em bé hay đứa trẻ ăn nhiều một loại thức ăn giàu chất xơ, như trái cây chẳng hạn, hoặc phân này có thể là triệu chứng của một bệnh nhiễm trùng. Nhiễm trùng đường ruột thường là do siêu vi hay vi khuẩn gây nên. Thức ăn có thể bị nhiễm vi khuẩn (ngộ độc thực phẩm) hoặc một sự nhiễm trùng từ phân ô nhiễm đã lan truyền đến miệng do bàn tay không rửa. Bệnh nhiễm trùng có thể không nằm ở ruột; tiêu chảy cũng có thể là triệu chứng của một bệnh nhiễm trùng không thuộc đường ruột, như viêm tai giữa hay cúm chẳng hạn nhất là khi chứng tiêu chảy có thể có sốt kèm theo.

Phân giống như phân tiêu chảy có thể là do táo bón gây nên. Trong trường hợp một đứa trẻ lớn hơn lỡ đi đại tiện ra quần, điều này có thể là do táo bón dẫn tới một tình trạng tắc nghẽn nhưng phân lỏng đã tìm cách thoát khỏi sự bế tắc này. Người ta gọi hiện tượng này là ỉa đùn.

Chứng tiêu chảy ở trẻ em có nghiêm trọng không?

Tiêu chảy ở trẻ em bao giờ cũng nghiêm trọng vì có nguy cơ bị mất nước. Tiêu chảy có kèm theo ói mửa ở trẻ nhỏ cũng nghiêm trọng vì cũng lý do trên, đặc biệt là nếu có kèm theo sốt và đổ mồ hôi. Chứng tiêu chảy trong đó có phân có dạng mỡ, mùi thối có thể là triệu chứng của một bệnh dài hạn nghiêm trọng hơn, như bệnh tiêu chảy mỡ hay xơ nang tuyến chẳng hạn, trong những bệnh này cơ thể không hấp thu được các dưỡng chất của thức ăn.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị tiêu chảy?

  1. Nếu bé dưới một tuổi và đã đi tiêu chảy trong 6 giờ rồi, hãy đi khám bác sĩ ngay.
  2. Đừng cho trẻ lớn hơn ăn bất cứ thức ăn nào hay uống sữa, mà năng cho uống nhiều lần những đồ uống làm bằng nước ép trái cây pha loãng hoặc nước pha thêm một dúm muối và 5ml (một muỗng cà phê) đường glucose.
  3. Cặp nhiệt kế kiểm tra xem bé có sốt không. Làm hạ nhiệt bằng cách lau mình bằng nước ấm.
  4. Chú trọng đến vấn đề vệ sinh. Bệnh nhiễm trùng có thể lây lan ra cả gia đình nếu bé không rửa tay sau khi đi cầu hoặc nếu bạn không rửa tay sau khi thay tã cho bé, nếu bé còn mang tã.

Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ bị tiêu chảy?

Hãy đi khám bác sĩ ngay hoặc đưa em bé tới khoa cấp cứu nào gần nhất nếu bé đi tiêu chảy đã hơn 6 giờ rồi. Đi khám bác sĩ ngay nếu bé bị tiêu chảy kèm thêm sốt và ói mửa, hoặc nếu sau 12 tiếng bé vẫn còn tiêu chảy hoặc nếu phân bé có mỡ hoặc có nhớt hay máu.

Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ bị tiêu chảy?

  • Sau khi chẩn đoán nguyên do gây tiêu chảy, bác sĩ sẽ tùy theo đó mà chữa trị.
  • Bác sĩ có thể kê toa một thứ thuốc bột để pha thêm vào tất cả các đồ uống của con bạn. Thuốc bột này gồm có đường glucose và những muối thiết yếu đã có thể bị mất đi. Bác sỹ sẽ khuyên nên cho nằm và theo một chế độ ăn lỏng cho đến khi hết sốt. Đại khái, bé phải uống ít nhất là 200ml nước cho mỗi kg thể trọng mỗi 24 giờ trong thời gian bị tiêu chảy. Đối với một em bé đang bú bình, chắc hẳn là bác sĩ sẽ gợi ý bạn thay thế các cữ bú bằng cho uống dung dịch đường và muối và cho bú lần lần trở lại. Nếu em bé còn bú mẹ bác sĩ sẽ khuyên bạn cứ tiếp tục cho bú. Nếu em bé đau nặng, bác sĩ có thể cho bé nhập viện để có thể truyền dịch bằng đường tĩnh mạch cho cháu.

Giúp trẻ bị tiêu chảy bằng cách nào?

  • Nên kỹ lưỡng về vấn đề vệ sinh. Bạn hãy rửa tay thật sạch trước khi chuẩn bị thức ăn và sau khi thay tã cho em bé. Nếu em bé dưới 6 tháng, tiệt trùng mọi vật dụng trang bị để pha sữa.
  • Không nên cho bất cứ ai bị tiêu chảy tới gần em bé.
  • Khi hết tiêu chảy, cho bé ăn lại những thức ăn mềm như sữa chua, chuối, cháo và xúp.

Xem thêm:

Nội dung bài viết do Bác sĩ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sĩ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!