Xoang là những ngăn chứa đầy không khí, tập hợp lại quanh mắt và mũi, làm nhẹ xương sọ và cho giọng nói có tiếng vang. Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng các xoang ở má và trán.
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng các xoang ở má và trán. Xoang là những ngăn chứa đầy không khí, tập hợp lại quanh mắt và mũi, làm nhẹ xương sọ và cho giọng nói có tiếng vang. Các bệnh nhiễm trùng xoang hiếm gặp ở các em bé vì xoang của các bé chưa phát triển đầy đủ. Ở trẻ lớn hơn, nhiều khi có một mức độ viêm xoang nào đó đi kèm một chứng bệnh cảm thường, chứng ho hoặc đau họng.
Bởi lẽ các xoang được lót bởi cùng một lớp màng nhầy với mũi và được nối liền với vùng họng trên, tình trạng nhiễm trùng của những vùng này có thể lan tới xoang một cách dễ dàng. Các xoang cũng dẫn thoát qua mũi bằng những lỗ nhỏ và khi bé bị cảm, làm tăng khả năng những lỗ này bị tắc và nhiễm trùng. Bạn sẽ biết là bệnh cảm của bé phát triển thành viêm xoang nếu sổ mũi tiết ra dịch màu vàng – xanh.
Bệnh viêm xoang ở trẻ em có nghiêm trọng không?
Viêm xoang không nghiêm trọng mặc dù có thể biến thành viêm kinh niên nếu không chữa trị hữu hiệu và mau chóng.
Triệu chứng bệnh viêm xoang có thể gặp ở trẻ em
- Sổ mũi ra nước mũi có mủ màu vàng – xanh, nơi trước đó chỉ chảy ra nước mũi trong và lỏng.
- Đau trên vùng má.
- Cử động đầu, thấy đau.
- Sốt nhẹ.
- Nghẹt mũi.
Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị viêm xoang?
- Nếu bé bị cảm, ho hay đau họng, hãy xem nước mũi có biến đổi màu sắc không.
- Kiểm tra xem có vật lạ nào kẹt trong mũi bé không. Khi đó, nước mũi sẽ có mùi hôi và dính máu. Hãy đi khám và lưu ý bác sỹ ngay nếu bạn không lấy được vật lạ ra.
- Nếu nguyên nhân không phải là một vật lạ, hãy làm thông mũi bé bằng cách cho cháu xông hít hơi tinh dầu bạc hà hòa tan trong nước sôi. Cẩn thận đừng để bé va mạnh lên tô nước xông.
Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ bị viêm xoang?
Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, trong trường hợp bé tiếp tục chảy nước mũi màu vàng – xanh quá hai ngày.
Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ bị viêm xoang?
- Bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh để tiêu diệt bệnh nhiễm trùng. Bác sĩ cũng kê toa thuốc nhỏ mũi đặc biệt cho bé mỗi khi bé bị cảm, để cho các xoang tiếp tục được thông thoát, như vậy tránh cho viêm xoang khỏi tái phát.
- Nếu bệnh nhiễm trùng không khỏi, người ta sẽ kê toa cho bé một đợt kháng sinh kéo dài để tránh cho bệnh viêm xoang khỏi trở thành kinh niên.
Giúp trẻ bị viêm xoang bằng cách nào?
- Nếu bé kêu nhức đầu hay bị sốt, hãy cho cháu uống thuốc paracetamol nước.
- Tiếp tục cho bé xông hơi tinh dầu bạc hà để làm dịu các triệu chứng viêm xoang.
- Đừng sưởi quá nóng phòng ngủ của con bạn. Cố giữ cho không khí được mát mẻ và đầy đủ độ ẩm, bởi lẽ một bầu không khí khô ráo chỉ càng làm cho các triệu chứng viêm xoang nặng hơn thôi.
Xem thêm:
Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.