Nói lắp ở trẻ em là hiện tượng mà hầu hết cha mẹ đều rất lo lắng. Vậy nói lắp là gì và cách xử trí khi bé bị nói lắp như thế nào là tốt nhất cho bé?
Nói lắp (cà lăm) là một tật trong đó dòng chữ bị gián đoạn trong khi đứa trẻ cố sức khởi đầu nói một chữ. Tật này hoàn toàn bình thường khi đứa trẻ đang tập nói. Với những ý nghĩ dồi dào và tình trạng chưa đủ khả năng nói thành câu thích hợp có thể dẫn tới lời nói bị đứt đoạn. Gần như mọi đứa trẻ đều vượt qua được giai đoạn đó khi đến tuổi đi học. Nếu tật cà lăm tiếp tục quá thời kỳ này, gần như bao giờ cũng có một vấn đề về cảm xúc tiềm ẩn như tính sợ hãi, lo âu hay tinh thần căng thẳng – thường do sự quan tâm của cha mẹ gây nên. Tật cà lăm xuất hiện theo từng gia đình.
Chứng nói lắp ở trẻ có nghiêm trọng không?
Nói lắp không nghiêm trọng và có thể khắc phục được. Tuy nhiên, đặt sự chú ý vào tật nói lắp một cách không cần thiết có thể khiến cho bé tự thấy mặc cảm và làm cho vấn đề tệ hại thêm.
Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ mắc chứng nói lắp?
- Hãy cưỡng lại chiều hướng muốn nhắc bé chữ mà bạn nghĩ là bé cần nói ra. Hãy cho bé thật nhiều thời gian để tự biểu lộ.
- bạn hãy kiểm tra xem có lý do nào để gây lo âu hay căng thẳng trong đời sống bé không và cố hết sức giải quyết khi tìm ra vấn đề.
Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ mắc chứng nói lắp?
Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu tật nói lắp làm cho bé lúng túng, bực bội và khiến cho bé vặn vẹo môi, lưỡi và mặt khi cố gắng phát biểu ý mình.
Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ mắc chứng nói lắp?
- Bác sĩ có thể trấn an bạn là tật cà lăm sẽ sớm biến đi ngay.
- Bác sĩ có thể giới thiệu bạn tới một chuyên gia trị liệu lời nói để xác định tình trạng và điều trị. Nếu khởi đầu chữa trị sớm, có nhiều cơ may xóa bỏ hoàn toàn được tật nói lắp trong cách nói năng của con bạn.
Giúp trẻ mắc chứng nói lắp bằng cách nào?
- Bé cần được bạn giúp đỡ để tránh khỏi bị mất khả năng tự tin vào bản thân. Đừng bao giờ chế giễu hay gây sự chú ý vào tật nói lắp của con bạn. Hãy cố gắng cởi mở và thẳng thắn khi bàn tới vấn đề này và đừng bao giờ tỏ ra lúng túng.
- Nếu bé đủ lớn để hiểu, bạn hãy bàn luận với bé về khả năng theo phép trị liệu. Hỏi bé xem bé có muốn chuyên gia giúp đỡ không và xem bé phản ứng ra sao. Bé có thể rất vui sướng chung sống với tật của mình.
- Đừng bao giờ thúc giục bé hay cắt ngang khi bé đang nói. Nếu bé có nhờ nhắc giúp một chữ thì hãy nhắc.
- Hãy gợi ý cho bé tạo nhịp khi nói năng, và bé hãy nói chậm rãi để nhấn mạnh nhịp các câu mình nói. Những người có tật nói lắp thường không nói lắp khi họ hát hay đọc thơ.
Nội dung bài viết do Bác sĩ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sĩ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.