Những ví dụ về việc dạy chữ của trẻ

Dạy trẻ bằng thẻ chữ

Ngoài thẻ chữ to, bạn nên làm thêm những thẻ chữ nhỏ bằng những miếng giấy cứng vuông để thường xuyên sử dụng hoặc làm thêm một số thẻ trắng để bỏ túi.

  1. Tìm chữ đọc
    Bạn dạy trẻ một chữ, sau đó giấu chữ đó đi, rồi yêu cầu trẻ đi tìm. Khi trẻ tìm được, bạn yêu cầu trẻ đọc, khen ngợi trẻ. Hoặc giấu chữ vừa học & một nơi khác, bạn đọc chữ đó lên để trẻ đi tìm, khi tìm được bạn yêu cầu trẻ đọc to lên. Cũng có thể chơi ngược lại, trẻ là người giấu chữ còn bạn là người đi tìm.
  2. Học chữ qua biểu lộ tình cảm
    Ví dụ khi dạy chữ “cười” bạn chọc cho trẻ cười, dạy chữ “khóc” thì làm điệu bộ khóc cùng trẻ, dạy chữ “ngủ” thì giả vờ ngủ, dạy chữ “cay” thì làm điệu bộ nhăn mặt khi ăn ớt…
  3. Học chữ qua động tác
    Vừa dạy chữ vừa làm động tác. Ví dụ khi dạy chữ “nhảy” thì làm động tác nhảy, dạy chữ “đi” thì làm động tác đi, các chữ khác như “chạy”, “ngồi”, “ngồi xổm”, “đứng”, “đánh”, “vỗ”, “cầm”, “đá”, “xách”, “cong (người)”, “bò”, “ăn”, “uống”, “chóp (mắt)”, “ôm”, “nghiêng”, “xin”, “há” đều có thể làm những động tác tương ứng. Khi đưa ra một chữ thì yêu cầu trẻ làm động tác tương ứng với chữ đó. Nếu làm sai thì yêu cầu trẻ làm lại, nếu làm đúng thì khen ngợi trẻ. Cũng có thể cho trẻ kiểm tra bạn, đôi lúc bạn cố ý làm sai động tác (phải là chữ mà trẻ đã học), để trẻ sửa.
  4. Học chữ bằng viết chữ
    Bế trẻ hà hơi vào kính, viết chữ lên đó rồi đọc; hay dùng phấn viết chữ lên bảng đen, đọc, sau đó lại xóa đi, hay viết chữ lên cát; lấy tay chấm vào nước viết lên mặt bàn. Tất cả những cách đó đều có thể vừa viết, vừa dạy trẻ.
  5. Học chữ trực quan
    Cùng trẻ chơi với thú cưng, đồ chơi, giấy màu, chơi thứ nào thì học chữ liên quan đến thứ đó. Ví dụ khi chơi với thỏ con thì học chữ “thỏ”, chơi ô tô thì học chữ “ô tô”, chơi cát thì học chữ “cát”, chơi cờ thì học chữ “cờ”… Những chữ đã học có thể treo trên tường, sau đó người lớn lấy chữ, trẻ lấy đồ vật tương ứng hoặc đổi ngược lại.
  6. Học chữ qua ăn uống
    Ví dụ khi bổ dưa hấu, ăn dưa hấu thì học hai chữ “dưa hấu”, khi ăn hoa quả khác hoặc ăn kẹo đều có thể học chữ. Khi hỏi trẻ về mùi vị thì lại có thể dạy các chữ “ngọt”, “chua”, “ngon quá”… Nếu nhận biết đúng chữ, trẻ sẽ càng vui ăn.
  7. Học chữ qua việc quan sát những người xung quanh
    Người lớn hỏi chữ, dạy chữ, viết chữ, kiểm tra chữ với nhau để thu hút sự chú ý của trẻ, để trẻ tự chủ động đến xem và tích cực tham gia hoạt động học chữ. Cũng có thể dạy trẻ lớn học chữ để thu hút trẻ bé. Tinh thần hăng hái, sự tích cực hoạt động của người xung quanh vô cùng quan trọng.
  8. Học chữ qua kể chuyện
    Khi kể những câu chuyện mà trẻ thích, người lớn vừa kể vừa viết lên bảng tên các nhân vật chính và những tình tiết quan trọng. Sau khi kể xong, đọc lại những chữ đã viết. Khi kể lại câu chuyện thì cho trẻ học những chữ đó. Cách kể chuyện này không chỉ giúp trẻ học chữ mà còn giúp trẻ nhớ sâu các tình tiết truyện.
  9. Học chữ với trò chơi ô chữ
    Người lớn viết chữ lên mặt đất, để trẻ nhận biết từng chữ, nếu đọc đúng một chữ thì được nhảy lên trước một bước vào ô chữ vừa đọc, nếu đọc sai thì đứng yên tại chỗ, cứ thế tiến dần về phía trước. Đến khi trẻ đọc được hết một hàng chữ, mới được gọi là “qua sông”, mới được khen thưởng. Trò chơi này giống trò chơi “nhảy ô nhà” của trẻ em.Ngoài những trò chơi học chữ trong nhà nêu trên, có thể dựa vào đặc điểm tâm lý của trẻ trước ba tuổi để sáng tạo thêm những trò chơi khác. Còn những trò chơi ngoài trời lại có nét thú vị riêng. Khi đi ra ngoài chơi, người lớn nên mang theo một chiếc bút và những tấm thẻ trắng.

Trẻ học chữ khi ra ngoài trời

Trẻ ra ngoài chơi được mở rộng tầm mắt, tâm trạng vui vẻ, trẻ sẽ đặc biệt tập trung chú ý với những sự vật mới mẻ. Đặc biệt là khi những chữ trẻ đã học xuất hiện trên quảng cáo, biểu ngữ, biển hiệu, trẻ sẽ cảm thấy giống như gặp lại bạn của mình, vui vẻ và thân thiết, khiến chúng sẽ rất thích đọc. Đồng thời, trẻ cũng sẽ rất tò mò với những chữ mới xung quanh và thích hỏi thích nhớ. Bởi vậy, khi hoạt động ở ngoài trời, người lớn phải khuyến khích trẻ chú ý đến chữ viết, đọc chữ, hỏi chữ mọi lúc mọi nơi. Có ông bố đưa đứa con ba tuổi đi khám bệnh. Các chữ như “bệnh viện”, “khoa nội”, “khoa ngoại”, “khoa phóng xạ”, “khoa nhi”, “phòng cấp cứu”, “nhà thuốc”, “khoa tai mũi họng”, “phòng tiêm” bé đều đọc một lượt, những chữ không biết sau khi hỏi bé nhớ ngay.

Với những sự vật mới mẻ mà bé thấy trong khi quan sát và chơi thì nên lập tức đưa thẻ chữ ra và đọc nhiều lần. Ví dụ, khi chơi trên bãi cỏ có hoa dại, thì cho trẻ xem thẻ chữ “hoa dại” và cho trẻ đọc, nhìn thấy một đàn bồ câu tìm thức ăn, bay lên, trẻ rất thích, có thể dạy trẻ câu “bồ câu kêu cúc cu”. Học chữ trong khi chơi sẽ tạo nên ấn tượng sâu sắc trong trẻ.

“Hảo vũ tri thì tiết, đương xuân nãi phát sinh.

Tùy phong tiềm nhập dạ, nhuận vật tế vô thanh”.

Đỗ Phủ

(Trời tốt, mưa lành tới, đang xuân chợt nhẹ rơi.

Vào đêm theo với gió, êm tiếng mát cho đời).

Lê Nguyễn Lưu dịch

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!