Hành trình giáo dục sớm

Tám tuổi học bốn thứ tiếng

Ngày 22 tháng 11 năm 1986, các tờ báo lớn trên toàn quốc đã đưa tin “cô bé tám tuổi học bốn thứ tiếng” do phóng viên Tân hoa xã viết. Ngày 6 tháng 3 năm 1987, chương trình “Cửu Châu” của Đài truyền hình Trung ương đã làm chuyên mục về Ngô Yến “Giáo dục có phương pháp sẽ tạo ra thần đồng”. Từ đó, tin Ngô Yến học một lúc bốn thứ tiếng Trung, Anh, Nhật, Pháp được mọi người trong và ngoài nước chú ý theo dõi. Dư luận đều cho rằng, câu chuyện này đã chứng minh một cách sinh động tầm quan trọng và tính khả thi của việc giáo dục sớm cho trẻ, chứng minh trí lực của trẻ có tiềm năng rất lớn và thời kỳ trẻ nhỏ là thời kỳ lý tưởng nhất để học ngôn ngữ.

Ngô Yến sinh ngày 10 tháng 9 năm 1978, nặng 3,8 kg. Khi cháu được hai tháng rưỡi, chúng tôi treo một số chăn hoa nhiều màu sắc bên cạnh giường. Khi bốn, năm tháng tuổi, cháu biết ngồi ghế, chúng tôi thường bày một số tranh màu trước mặt cháu, cho cháu xem từng tranh một. Màu sắc rực rỡ thông qua thần kinh thị giác đã kích thích tốt đối với sự phát triển đại não của cháu. Khi đó, mẹ cháu thường xuyên nói chuyện với cháu, đọc các bài đồng dao, các bài hát trẻ em cho cháu nghe. Tuy chưa biết nói, nhưng cháu có thể nghe được. Cách này làm cho cháu có thể nghe được giọng nói của người lớn, nhìn thấy khuôn miệng khi phát âm, giúp luyện thị giác, thính giác, sức chú ý, giúp cháu làm quen với việc tiếp nhận thông tin ngôn ngữ. Khi được 10 tháng tuổi, cháu biết gọi bố, gọi mẹ và các thành viên khác trong nhà. Khi được 11 tháng tuổi, cháu biết đọc các bài đồng dao cùng mẹ, các vần cuối mỗi câu đồng dao đều do cháu đọc. Khi được một tuổi hai tháng, chúng tôi mua cho cháu một bộ tranh động vật. Không lâu sau, cháu đã có thể nhận biết được mấy chục tên gọi của các loài động vật, biết phân biệt ảnh của các thành viên trong gia đình. Nếu hình ảnh đã có thể phân biệt được, thì chữ viết có hình thái đơn giản hơn nữa chắc chắn cháu cũng sẽ phân biệt được. Chúng tôi viết ra 10 chữ số và bảng chữ cái tiếng Anh để dạy cháu. Khi một tuổi năm tháng, cháu đã học được hết những chữ số và chữ cái đó. Sau đó, mẹ và bà nội dạy cháu học thuộc ca dao, thơ và hát. Ông bà ngoại dạy cháu tiếng Anh. Khi được một tuổi mười tháng, bố cháu đã làm cho cháu hơn 500 thẻ chữ, mỗi ngày dành 20 phút để dạy cháu học từ ba đến 10 chữ. Đồng thời, chúng tôi cũng bắt đầu dạy cháu học theo quyển Tiếng Anh thực hành mới xuất bản tại Hồng Kông của nhà xuất bản Oxford. Khi lên hai tuổi một tháng, cháu đã học thuộc bảng cửu chương. Khi hai tuổi ba tháng, cháu đã biết hơn 500 chữ, biết ghép từ giải thích ý nghĩa, biết hơn 100 từ đơn tiếng Anh, học thuộc gần 30 bài thơ cổ, có thể giải thích một số câu thơ, biết kể một số câu chuyện đơn giản, ngắn gọn, biết hát khoảng 10 bài hát, phát âm tương đối rõ ràng, chính xác. Cháu biết đếm các số dưới 100, biết làm phép cộng và phép trừ đơn giản và hiểu số 0.

Từ đó, cháu học nhanh hơn. Khi lên ba tuổi cháu có thể đọc các sách như 365 chuyện kể hàng đêm. Ngoài quyển Tiếng Anh thực hành mới ra, cháu còn học các giáo trình phụ đạo tiếng Anh dành cho học sinh trung tiểu học. Khi cháu biết cầm bút, chúng tôi dạy cháu viết chữ, vẽ tranh. Chúng tôi dạy cháu viết bằng bút chì trước, sau đó tô chữ bằng bút lông.

Khi hơn bốn tuổi, cháu đã biết viết thư cho bố ở Đại học Thanh Hoa. Dưới đây là một bức thư cháu viết:

“Bố kính yêu! Con đã nhận được sách bố gửi, con cảm ơn bố. Con bỏ bóng giấy vào trong phong bì thư, bố có đập bóng không?…

Bố ơi, bố có đỡ được quả “nhanh như chóp” của Tiểu Hồng ở miền Nam không? Quả “nhanh như chóp” phát như thế nào bố có biết không? Tay phải giữ bóng, tay trái phát bóng. Khi chặn lưới, bố giơ thẳng hai tay trên lưới, đợi khi bóng phát đến thì lập tức chặn lại, phải làm thật nhanh, chỉ có thế thôi. Khi chặn lưới đỡ bóng, bóng chưa phát đến tay đã phải giống như vuốt con hổ, người phải cong. Thôi con viết đến đây thôi”.

Khi được năm tuổi ba tháng, sau khi xem chương trình Điều bí mật của tự nhiên trên tivi, cháu đã nộp bản thảo bài “Tại sao nham thạch lại bị nứt ra” cho báo tiểu chủ nhân, bài viết đã được đăng trên báo ngày 5 tháng 12 năm 1983.

Giai đoạn này cháu đã hình thành thói quen đọc sách, cháu đọc được rất nhiều truyện dân gian, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn trong và ngoài nước, vốn từ và khả năng biểu đạt của cháu ngày càng phong phú. Cháu còn xem những câu chuyện trong các bộ phim.

Tiếng Anh của cháu cũng có tiến bộ. Cháu tỏ ra rất thích thú, thường tự giác nghe băng, xem chương trình Học cùng tôi, Walter và Connie. Cháu có thể kể không sót chữ nào câu chuyện Công chúa Bạch Tuyết dài hơn 1300 chữ bằng tiếng Anh. Cháu có thể đọc một số câu chuyện đơn giản bằng tiếng Anh. Cháu tiếp tục học phép tính và kiến thức về khoa học tự nhiên. Chúng tôi mua cho cháu bộ sách Tủ sách tri thức khoa học thiếu nhi, cháu rất thích đọc bộ sách này. Cháu học tính bằng cách giải các đề toán. Người lớn dạy cháu bốn phép tính cộng trừ nhân chia, sau đó để cháu tự làm. Khi đó, cháu đã biết làm các bài tập toán với bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia theo kiểu liệt kê. Do nền tảng ngữ văn của cháu tốt nên cháu hiểu rất nhanh các bài tập ứng dụng.

Tháng 5 năm 1984, mẹ đưa cháu lên Bắc Kinh thăm họ hàng. Cháu rất phấn khỏi và đã viết liền chín bài ghi chép chuyến đi thăm họ hàng, cháu viết cả nhật ký dài đến 5.000 chữ. Trong các bài viết đó, sự liên tưởng của cháu rất phong phú, lời văn lưu loát, được mọi người đánh giá cao.

Khi lên sáu tuổi, cháu bắt đầu tự học tiếng Nhật và tiếng Pháp. Chúng tôi không biết hai thứ tiếng này cũng không mời được giáo viên dạy cháu, nên đành phải để cháu tự học. Cháu học bằng cách xem các chương trình dạy tiếng trên tivi và nghe băng. Cháu học theo giáo trình Học tiếng Nhật và Nhập môn tiếng Pháp. Tính tự giác của cháu rất cao, khi đến giờ chiếu chương trình dạy học trên tivi, cháu tự động lên gác xem. Thậm chí, có lúc cháu còn mang cơn lên phòng vừa ăn vừa xem. Cháu đã học được tập một, tập hai quyển Học tiếng Nhật và tập một quyển Nhập môn tiếng Pháp, cháu cũng làm được một số bài tập viết.

Khi lên bảy tuổi, sau kỳ kiểm tra nghiêm túc, cháu đã được vào học kỳ hai của lớp ba, trường tiểu học thực nghiệm trọng điểm Chương Châu. Do được gia đình giáo dục sớm toàn diện, nên cháu có cơ sở tương đối vững chắc, cháu thích ứng rất nhanh với môi trường mới và đạt thành tích xuất sắc. Cháu được bình bầu là học sinh học tập tích cực và đội viên xuất sắc. Tháng 5 năm 1986, cháu đã đoạt giải nhì trong cuộc thi làm tính dành cho nhi đồng của quận Hương Thành.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!