Phương pháp mới của việc dạy chữ

Quan điểm “cuộc sống là giáo dục” của Đào Hành Tri quả là vô cùng chính xác. Khi chào đời, đứa trẻ đến một thế giới hoàn toàn xa lạ, chúng phải thích ứng với cuộc sống, lĩnh hội ngôn ngữ, bắt chước hành vi, quan sát mọi vật xung quanh. Chỉ cần khi trẻ thức, mọi lúc mọi nơi mọi sự vật trong cuộc sống đều có thể là phương tiện giáo dục trẻ. Cuộc sống cho chúng cái gì, chúng sẽ học được cái đó.

Chúng ta cho rằng, cuộc sống đưa người mẹ đến cho trẻ, trẻ sẽ dần nhận ra mẹ; cuộc sống cho trẻ âm nhạc, trẻ sẽ dần thích âm nhạc; cuộc sống dạy trẻ nhận biết sự vật, trẻ sẽ ngày càng nhận biết được nhiều đồ vật; cuộc sống cho trẻ nhiều tiếng nói khác nhau, không lâu sau trẻ sẽ bi bô tập nói… Đương nhiên, cuộc sống cũng có thể cho trẻ chữ viết, để trẻ nhìn, trẻ nghe, để những hình ảnh, âm thanh, ý nghĩa của chữ viết đó dần đi vào đầu óc trẻ. Cho nên, học chữ học đọc qua trò chơi cuộc sống chính là cách dạy chữ cho trẻ theo kiểu “ảnh hưởng môi trường”.

Cuộc sống chính là môi trường giáo dục trẻ tốt nhất, đồng thời cũng phải khẳng định giáo dục trẻ phải bắt đầu từ cuộc sống. Đối với trẻ sơ sinh, chúng ta không thể thực hiện được giờ học chuyên môn, giáo trình cố định, truyền thụ hệ thống, giảng dạy theo chương theo mục. Đến tuổi mẫu giáo, trẻ cũng cần phải đến trường nhưng đó không phải là hình thức học tập chủ yếu. Sự chú ý của trẻ trong cuộc sống đều là vô thức và diễn ra rất nhanh chóng. Trong những năm đầu đời, tất cả những cảm nhận, tri thức và hành vi của trẻ đều được tích lũy từ những chú ý vô thức đó. Cho nên ta cũng có thể tận dụng phút giây vô thức của trẻ để tạo ấn tượng về chữ viết. Giống như ấn tượng từ lời nói, khi nói thì nhìn vào miệng nghe phát âm, giải thích ý nghĩa và mô phỏng theo. Vì vậy, học chữ học đọc qua các trò chơi trong cuộc sống chính là cách dạy chữ dạy đọc theo kiểu “tích lũy cảm nhận”.

Làm thế nào để khơi dậy cảm nhận vô thức của trẻ tốt hơn? Làm thế nào để ban đầu trẻ đã có ý thức chú ý? Cách tốt nhất là làm cho đối tượng được chú ý trở nên rõ ràng, sinh động, có tình cảm, điều này phải dựa vào trò chơi hoạt động. Vì trò chơi hoạt động có thể gợi hứng thú cho trẻ, làm cho chúng chú ý, ghi nhớ và lĩnh hội. Hứng thú của trẻ khi bắt đầu học chữ, học thuộc lời bài hát, đọc thơ… không phải ở ý nghĩa và nội dung của chữ viết, mà ở những hoạt động bên ngoài. Nếu trong cuộc sống hàng ngày ta dùng phương pháp trò chơi, trẻ sẽ nhìn, nghe một cách thích thú và lĩnh hội tương đối nhiều, ấn tượng khá mạnh mẽ. Ngược lại, không dùng hoạt động trò chơi, mà bắt trẻ học một cách máy móc, trẻ sẽ đóng cánh cửa “chú ý” lại và nảy sinh thái độ chán ghét. Như thế học chữ sớm sẽ trở thành phản tác dụng. Vì vậy khi đề xuất trẻ học chữ học đọc sớm, chúng tôi đã kiên quyết phản đối cách dạy chữ dạy đọc sai lầm, dạy chữ kiểu “tiểu học hóa”. Học chữ, học đọc qua trò chơi cuộc sống khác với việc đề ra nhiệm vụ, chỉ tiêu, tiến độ; cùng phát triển bốn kỹ năng, học chữ theo kiểu lấy thành tích.

Dạy chữ, dạy đọc bằng hình thức “môi trường ảnh hưởng”, “cảm nhận tích lũy”, “trò chơi hoạt động” là bước phát triển quan trọng của cuộc sống văn hóa nhân loại, là sự sáng tạo vượt thời đại của khoa học giáo dục. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc khai thác tiềm năng và nâng cao tố chất con người.

Tôi không muốn có một cái đầu nhét đầy mọi thứ,

mà muốn một cái đầu có tư tưỏng khoáng đạt.

Mông Điền

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!