Những điều cần biết về trẻ sơ sinh

Mục Lục

I. Những đặc điểm của trẻ sơ sinh

  1. Đầu
  2. Tóc
  3. Da
  4. Móng tay,chân
  5. Trứng cá và chất lỏng ở bộ phận sinh dục
  6. Bìu
  7. Phân su
  8. Tính chất phân sinh lí ở trẻ sơ sinh
  9. Mắt
  10. Thính giác
  11. Khứu giác
  12. Tính miễn nhiễm
  13. Nhau
  14. Bé tè, ị rất nhiều

II. Tính chất phân liên quan đến chế độ dinh dưỡng của trẻ sơ sinh

  1. Trẻ bú mẹ
  2. Trẻ ăn sữa công thức
  3. Khi bé chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức
  4. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm

III. Những vấn đề bất thường liên quan đến đường tiêu hóa của trẻ sơ sinh

  1. Bé đi ngoài ra phân hoa cà, hoa cải
  2. Bé đi phân có màu trắng xám
  3. Bé đi ngoài phân có màu đen
  4. Phân có dính máu
  5. Trẻ bị đi ngoài
  6. Táo bón ở trẻ sơ sinh

IV. Những dấu hiệu bất thường ở nước tiểu của trẻ sơ sinh

  1. Nước tiểu vàng kèm theo đi ngoài, nôn trớ
  2. Lượng nước tiểu không tăng lên, nhưng số lần tiểu tiện lại tăng lên
  3. Nước tiểu của bé có màu trắng

V. Các chứng bệnh ở trẻ sơ sinh

  1. Bé ngừng thở tạm thời
  2. Bé thở khò khè
  3. Hạt kê
  4. Thóp của trẻ lồi lên
  5. Thóp của trẻ lõm xuống
  6. Trẻ khóc
  7. Chứng vàng da ở trẻ sơ sinh
  8. Trẻ em sinh thiếu tháng
  9. Trẻ sinh đôi

I. Những đặc điểm của trẻ sơ sinh

Chúng ta nên nhận định rằng, trẻ sơ sinh không phải chỉ là đứa con trai hay con gái được thu nhỏ lại. Trẻ sơ sinh khác với chúng ta không chỉ ở cỡ người mà khác vì các nội tạng, tỷ lệ của các bộ phận và cách phản ứng riêng đối với thế giới xung quanh.

Đầu 

Đầu của trẻ sơ sinh khác với người lớn ở phần tỷ lệ của đầu đối với cơ thể. Nó to hơn gấp hai lần so với tỷ lệ sau này. Vậy mà như thế là nó đã nhỏ đi nhiều lắm rồi, vì khi được 2 tháng trong bụng mẹ, cái đầu và phần thân thể còn lại bằng nhau. Khi mới sinh ra, phần cơ thể đã lớn hơn nhiều nhưng so sánh với cấu tạo của một người lớn, thì tỷ lệ giữa đầu và người của Bé vẫn gấp đôi tỷ lệ này ở người lớn.

Ngoài ra còn phải kể tới phần da còn nhǎn nheo, đỏ, bóng vì mỡ, xương hàm dưới ngắn, cổ nhỏ yếu, vai hẹp, bụng phồng, chân tay ngắn, xương mềm làm cho nó còn giống một cái bào thai hơn là một đứa trẻ.

Tóc

Một số trẻ sơ sinh ra đời với bộ tóc đen và dày, mọc từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Lớp tóc này sẽ để được thay thế bởi một lớp mới. Tóc ngày trước đen dày bóng thì nay trở nên mỏng, có màu hơi vàng và mềm mại, đây là do sự trao đổi chất gây ra, đến 2 tuổi, chất tóc của bé sẽ trở về bình thường.

Da

Da Bé có nhiều nốt đỏ. Những nốt này sẽ mất màu khi ta chạm tới và sẽ hết dần về sau này. Trên má và mũi Bé có những điểm màu trắng. Những điểm này cũng mất dần sau vài tuần tuổi.

Móng tay, chân

Các móng tay, chân của Bé đều dài. Chớ vội cắt móng cho Bé vì bạn dễ làm bật móng của Bé khiến chỗ đó bị nhiễm trùng.

Có điều lạ là hai vú của trẻ sơ sinh đều hơi phồng lên và có thể tiết ra vài giọt sữa. Dù là Bé trai hay Bé gái. Người lớn nên nhớ, không được lấy tay ấn vú Bé cho sữa ra vì như vậy sẽ có hại cho các tuyến vú. Hiện tượng có sữa như vậy do rối loạn hoócmôn, sẽ tự hết trong một thời gian ngắn, không cần điều trị .

Trứng cá và chất lỏng ở bộ phận sinh dục

bé trai, trên trán và 2 cánh mũi có thể có một vài đốm nhỏ màu vàng. Đấy là những mụn trứng cá của tuổi sơ sinh. Bộ phận sinh dục của Bé gái có thể có một ít chất nhầy chảy ra, có khi lẫn một ít máu. Hiện tượng này là bình thường, cũng do hoócmôn sinh ra không có gì đáng lo ngại.

Bìu

Khi mới sinh, cái túi da đựng đôi tinh hoàn của Bé trai có chứa một lượng dung dịch không liên quan gì tới các tinh trùng sau này, nhưng cũng làm cho cái bìu ra vẻ cǎng, to thu hút sự chú ý. Lượng dung dịch này sẽ tự hết trong vòng vài tuần.

Phân su

Trong khoảng 24 giờ sau khi sinh, mẹ sẽ thấy bé đi ngoài ra một loại phân có máu xanh đen, không mùi và dính (nếu dính vào tã thì rất khó làm sạch, tốt nhất nên dùng bỉm hoặc giấy ướt lau xong rồi vứt đi). Phân su có thể hơi khó chùi nhưng sự xuất hiện của nó là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hoá của bé hoạt động bình thường.

Phân này gọi là “phân su”, nặng khoảng từ 60 tới 200g, là lượng chất thải được tạo thành từ chất nhầy, nước ối và chất thải của Bé khi còn nằm trong bụng mẹ.

Phân su càng càng bài tiết ra sớm càng tốt. Ba mẹ có thể mát xa nhẹ phần bụng của bé hoặc cho bé bơi trong nước sẽ giúp bài tiết phân su nhanh hơn.

Ba mẹ cần chú ý quan sát, nếu sau 24 tiếng mà phân su vẫn chưa được đào thải, cần kịp thời thông báo cho bác sĩ để kiểm tra và chữa trị.

Tuy đa phần trẻ sơ sinh sẽ không gặp vấn đề gì với chất thải này, một số ít có thể mắc phải Hội chứng hít nước ối phân su và Hội chứng tắc ruột phân su các mẹ cần lưu ý.

Đọc thêm: Nên dùng tã vải hay tã giấy cho trẻ sơ sinh?

Tính chất phân sinh lí ở trẻ sơ sinh

Khi mới chào đời trẻ sẽ đi tiêu phân su. Phân su đã có từ tháng thứ 4 của bào thai và được bài tiết ra ngoài. Giai đoạn đầu phân su không có vi khuẩn với đặc điểm là màu xanh thẫm, dẻo, không có mùi. Sau giai đoạn đi phân su, tính chất phân sẽ thay đổi tùy theo chế độ ăn của trẻ.

Trong 2-3 ngày đầu tiên sau khi sinh trẻ thường đi tiêu từ 4 – 6 lần/ngày. Số lần đi tiêu giảm dần khi trẻ lớn hơn, do khi còn nhỏ sự co bóp ruột mạnh và nhanh hơn nên số lần đi tiêu của trẻ nhỏ cũng nhiều hơn:

  • Trẻ dưới 1 tuần: trung bình 4 – 5 lần/ngày
  • Trẻ trên 1 tuần: trung bình 2 – 3 lần/ngày
  • Trẻ 1 tuổi: trung bình 1 lần/ngày

Mắt

Khả năng thị giác của trẻ sơ sinh còn yếu, chỉ có thể nhìn rõ vật ở khoảng 25cm, vì thế khi muốn trêu đùa với bé hãy đến gần mắt bé, như vậy bé mới có phản ứng. Khoảng cách để bé nhìn thấy bằng khoảng cách giữa mẹ và bé lúc cho bé bú, điều này rất có lợi cho việc bồi dưỡng tình cảm mẹ con.

Một số bé có tình trạng mắt lé do sự vận động cơ xung quanh mắt bé điều tiết không tốt, nhãn cầu chưa cố định, nên có lúc tưởng như bé bị lé. Trẻ trước 3 tháng tuổi thường có hiện tượng mắt lé, tức là hai mắt không cùng tập trung nhìn vào mục tiêu. Đây là hiện tượng bình thường, mẹ không cần lo lắng vì sau 3 tháng hiện tượng này sẽ biến mất.

Thính giác

Thính giác của bé lúc này chưa nhạy bén, những tiếng động bình thường sẽ không làm bé tỉnh giấc.

Khứu giác

Khứu giác của bé lúc này rất phát triển, lúc mới sinh bé dường như không ngửi thấy bất cứ mùi gì, nhưng đến ngày thứ 6, bé có thể nhận ra mẹ qua mùi vị cơ thể mẹ.

Tính miễn nhiễm

Nếu khi mang thai bà mẹ đã được tiêm phòng các bệnh đậu mùa, bạch hầu, bệnh bại liệt, bệnh uốn ván thì các cháu bé mới sinh cũng được miễn nhiễm các bệnh đó. Ngoài ra các cháu còn miễn nhiễm tự nhiên với các bệnh sởi và quai bị nếu mẹ cháu đã bị qua. Tuy vậy, tính miễn nhiễm này sẽ mất đi khi cháu bé được từ 13 đến 18 tháng tuổi.

Nhau

Trong vòng từ ngày thứ 6 tới ngày thứ 10, cuống nhau đính với rốn của Bé sẽ khô và rụng ra, đoạn tuyệt với vết tích cuối cùng của cuộc đời trong bụng mẹ. Từ đó Bé mỗi ngày một nở nang: lớp lông tơ phủ trên người Bé rụng dần, những chấm đỏ trên da cũng hết khiến toàn lớp da có cùng một mầu, mịn màng và sáng sủa. Để yên trí là sức khỏe của Bé hoàn toàn tốt, bác sĩ có thể kiểm tra toàn diện cho Bé về nhịp tim, nhịp thở, mầu da và những phản ứng về cảm giác.

Ngoài ra để biết Bé sơ sinh hoàn toàn bình thường không, người ta còn thử một số phản ứng của Bé như phản ứng Moro:

  • Đặt Bé nằm ngửa, dang tay chân ra và để đầu hơi ngửa ra đằng sau, tự nhiên Bé sẽ thu tay chân và người lại như những động tác, khi ôm lấy mẹ.
  • Khi sốc Bé ở tư thế đứng, tự nhiên Bé hơi ngả người ra phía trước trong tư thế người đi
  • Khi sờ vào môi Bé, Bé sẽ quay đầu về phía bị đụng như để tìm bầu vú
  • Sờ nhẹ vào lòng bàn tay hay bàn chân, các ngón tay và ngón chân sẽ gập lại như muốn nắm vật

→ Những phản ứng Moro sẽ biến đi sau 3 tháng, phản ứng co tay sau 6 tháng, phản ứng co chân sau 10 tháng, phản ứng bú mẹ sau 4 tháng.

Bé tè, ị rất nhiều

Trẻ sơ sinh chưa có khả năng khống chế tiểu tiện, đại tiện, vì thế bé thích ị tè lúc nào là ị và tè lúc ấy, vì thế số lần đi vệ sinh rất nhiều. Trẻ sơ sinh mỗi ngày có thể đi tè 20 lần, đi ị 4-6 lần. Đến tuần thứ 3 số lần tè sẽ giảm hơn một chút, đi ị chỉ còn 1-2 lần, nhưng cũng có bé vẫn như vậy không thay đổi. Cho dù số lần là bao nhiêu nhưng tình trạng phân của trẻ vẫn bình thường là được các mẹ đừng lo lắng quá nha.

II. Tính chất phân liên quan đến chế độ dinh dưỡng của trẻ sơ sinh

Trẻ bú mẹ

Chính sữa non của mẹ hay còn gọi là sữa đầu có tác dụng nhuận tràng, giúp đẩy phân su ra khỏi cơ thể bé. Sau 3 – 4 ngày, “phân su” sẽ được thay thế dần bằng phân do sự tiêu hóa sữa tạo ra. Ở những đứa trẻ được bú sữa mẹ, phân sẽ có màu vàng, sền sệt có mùi chua, thỉnh thoảng phân có thể lợn cợn hoặc vón cục. Một ngày trẻ đi đại tiện khoảng 3 – 4 lần trong tuần đầu tiên. Tần suất sẽ giảm dần và hệ tiêu hoá của bé sẽ tự thiết lập chu kì thích hợp. Sau đó mẹ sẽ thấy bé sẽ đi đại tiện vào 1 thời điểm cố định trong ngày.

Trẻ ăn sữa công thức

Trẻ ăn sữa công thức có thể phân khác với phân của trẻ bú mẹ. Bạn có thể nhận thấy phân:

  • Phân màu nâu vàng (màu đất sét)
  • Phân có mùi thối (giống phân người lớn), rắn, đôi khi thành khuôn.
  • Nhiều hơn so với phân của bé bú sữa mẹ. Lý do là vì sữa công thức không thể được tiêu hoá hoàn toàn như sữa mẹ.
  • Trẻ uống sữa công thức dễ bị táo bón hơn trẻ bú mẹ. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn bạn cảm thấy con mình có vấn đề về tiêu hóa

Dù là trẻ được bú sữa mẹ hay sữa công thức thì đều có chung đặc điểm sau:

Khi bé chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức

  • Phân của bé sẫm màu hơn và giống bột hồ sơn.
  • Phân nặng mùi hơn

Nếu bạn đang chuyển cho bé từ sữa mẹ sang sữa công thức thì mẹ cố gắng kéo dài thời gian chuyển đổi điều này sẽ giúp cho hệ tiêu hoá của con có thời gian thích nghi và giúp ngăn ngừa táo bón.

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm

Ăn dặm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến phân của bé, khi đó mẹ sẽ nhận thấy rằng phân của bé sẽ bị thức ăn ảnh hưởng. Nếu bạn cho bé ăn cà rốt nghiền thì phân trong tã của bé sẽ có màu cam sáng.

Khi bé làm quen với nhiều loại thức ăn thì phân của bé cũng sẽ đặc hơn, sẫm màu hơn và bốc mùi hơn.

III. Những vấn đề bất thường liên quan đến đường tiêu hóa của trẻ sơ sinh

Nếu trẻ đi tiêu tính chất phân như dưới đây thì cha mẹ cần lưu ý:

Bé đi ngoài ra phân hoa cà hoa cải

Nếu mẹ gặp tình trạng con đi ra phân màu hoa cà hoa cải, nhiều nước và nát như đậu phụ, có thể bé mắc bệnh đường ruột, cần kịp thời cho bé đi khám

Bé đi phân có màu trắng xám

Nếu bé đi phân có màu trắng xám lúc này mẹ cần đặc biệt chú ý, có thể đó là biểu hiện của bệnh gan mật đó.

Bé đi ngoài phân có màu đen

nếu phân có màu đen hoặc màu nhựa đường, chứng tỏ đường tiêu hoá bị xuất huyết, cần đề phòng bệnh giun móc, viêm ruột, loét đường tiêu hoá..

Phân có dính máu

Nếu cho con đi ngoài bạn phát hiện ra phân trẻ có dính máu chứng tỏ bé bị nứt hậu môn hoặc bị viêm nhiễm trực tràng… mẹ nên chú ý.

Trẻ bị đi ngoài

Chức năng đường ruột của trẻ mặc dù ngày càng tốt hơn, nhưng bệnh đi ngoài vẫn thường xảy ra.

Nguyên nhân trẻ bị đi ngoài:

  • Trẻ bị cảm mạo dễ bị đi ngoài. Chỉ cần cảm mạo được chữa khỏi, bệnh đi ngoài cũng sẽ hết.
  • Trẻ bị lạnh bụng cũng dễ bị đi ngoài. Lúc này cần chú ý không để cho trẻ uống sữa lạnh, cũng không để hở bụng trẻ. Ngoài ra, nếu là mùa đông, tã lót nên hơ ấm rồi mới quấn cho trẻ.
  • Sữa hoặc dụng cụ đựng sữa nếu không vệ sinh sạch cũng có thể gây nhiễm khuẩn, đi ngoài. Nếu đại tiện có màu vàng lỏng hoặc vón cục như canh trứng, lượng nhiều, kèm theo niêm dịch và máu, cần đưa trẻ đến khám bác sỹ.
  • Khi quá nóng, trẻ cũng sẽ bị đi ngoài. Hàng ngày cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, nước ép hoa quả, tránh để trẻ quá nóng.
  • Trẻ bị viêm dạ dày, bệnh ký sinh trùng đều dễ bị đi ngoài. Ký sinh trùng thường ở nguồn nước tự nhiên, có thể mua một bình lọc nước chuyên dùng cho trẻ, sau đó đun sôi nước thật kỹ mới cho trẻ uống.
  • Ngoài ra, có trẻ trong giai đoạn sơ sinh sẽ thích ứng với một loại sữa nào đó, nhưng khi lớn lên một chút lại dị ứng với loại sữa này, đồng thời xuất hiện đi ngoài mãn tính. Nếu trẻ đi ngoài không rõ nguyên nhân, có thể dừng cho trẻ ăn sữa vài ngày, nếu bệnh tình có chuyển biến, có thể do trẻ dị ứng với loại sữa đó.

Cách khắc phục khi trẻ bị đi ngoài:

  • Khi bé bị đi ngoài, cần giảm hấp thụ chất béo.
  • Nếu nuôi bằng sữa mẹ, có thể cho bé bú ít lượng sữa cuối. Bình thường mỗi lần cho bé bú, chỉ bú một bên khoảng 10 phút là chuyển sang bên khác, nhưng đối vs bé bị đi ngoài, cứ 5 – 7 phút lại đổi sang bên khác.
    Ngoài ra, cần giảm lượng sữa bú, không những giảm thời gian mỗi lần bú mà còn khéo dài khoảng cách bú, như vậy sẽ giảm áp lực tiêu hoá. Mẹ cứ kiên trì như vậy 1 – 2 ngày triệu chứng đi ngoài của bé sẽ giảm. Nếu không giảm, mẹ nên cho bé bú bình thường, tránh để trẻ bị thiếu dinh dưỡng.
  • Ngoài ra, mẹ cho con bú trong thời gian này nên ăn ít chất béo, để giảm hàm lượng chất béo có trong sữa. Nếu nuôi bé bằng sữa ngoài có thể pha loãng sữa hơn, sau 1 – 2 ngày có thể cho bé ăn trở lại bình thường.

Có người cho rằng khi bé bị đi ngoài, chức năng tiêu hoá giảm, không tiêu hoá sữa được, nên cho bé ăn nước cơm, canh. Cách làm này là không đúng. Thực ra đối với bé nước canh còn khó tiêu hoá hơn sữa, vì thành phần chủ yếu trong nước canh là carbonhydrate, thành phần chủ yếu của sữa là đạm sữa – dễ tiêu hoá hơn rất nhiều so với carbonhydrate.

Táo bón ở trẻ sơ sinh

Nếu hơn 3 ngày trẻ mới đại tiện 1 lần, phân rắn, đại tiện khó, thì đó chính là chứng táo bón.

Nhưng nếu 3 ngày bé đại tiện 1 lần, nhưng phân mềm, đại tiện cũng không khó khăn thì không coi là táo bón, các mẹ không nên lo lắng.

Trẻ ăn sữa ngoài dễ bị táo bón hơn là bú sữa mẹ, vì sữa bột khó tiêu hóa hơn, dễ làm khô phân hơn. Bởi vậy, trẻ ăn sữa ngoài sau khi sinh 2 tháng nên bắt đầu đề phòng chứng táo bón, trong ăn uống nên cho bé ăn thêm nước rau, nước quả để tăng chất xơ và hấp thụ pectin, thúc đẩy nhu động dạ dày và bài tiết chất thải.

Sau khi trẻ ăn cơm được như người lớn, không nên cho trẻ ăn quá nhiều chất đạm. Nếu chất đạm hấp thụ quá nhiều, không cân bằng với lượng hấp thụ hoa, quả, rau xanh, ngũ cốc, sẽ dẫn đến táo bón.

Hàng ngày, cha mẹ có thể mát xa bụng cho trẻ để thúc đẩy nhu động đường ruột: cho trẻ nằm ngửa, hai tay mẹ mát xa nhẹ theo hướng từ trên xuống dưới phần bụng trẻ. Mỗi lần mát xa 10 phút, mỗi ngày làm 2 – 3 lần, có thể giảm triệu chứng táo bón.

Trẻ bị táo bón nặng, các mẹ có thể dùng thụt giúp cho trẻ đi đại tiện dễ dàng.

⇒ Trẻ Sơ Sinh hệ tiêu hoá chưa phát triển hoàn thiện, thêm vào đó là lợi khuẩn đường ruột của trẻ chưa đầy đủ, trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá vì vậy các mẹ có thể bổ sung thêm cho trẻ Men Vi Sinh từ các chế phẩm bổ sung để trẻ có hệ vi khuẩn đường ruột tốt nhất Mẹ nhé !

IV. Những dấu hiệu bất thường ở nước tiểu của trẻ sơ sinh

Bé càng lớn số lần tiểu tiện càng ít chỉ cần tiểu tiện dưới 10 lần/ngày là không có vấn đề gì. Bình thường, Nước Tiểu của bé có màu trong hoặc hơi vàng, không có mùi lạ còn nếu trẻ gặp những biểu hiện sau thì các mẹ nên chú ý nhé:

Nước tiểu vàng kèm theo đi ngoài hoặc nôn trớ

Lúc đó bé rất dễ bị mất nước, mẹ cần kịp thời bổ sung nước và đưa bé đi khám.

Lượng nước tiểu không tăng lên, nhưng số lần tiểu tiện lại tăng lên

Khi đó có thể là biểu hiện của bệnh, mẹ cần cho bé đi khám ngay.

Nước tiểu của bé có màu trắng

Mùa hè, trên tã của bé xuất hiện những hạt màu trắng hồng, mùa đông nước tiểu của bé có màu trắng; chúng đều là những hiện tượng bình thường.

Những hạt màu hồng là do muối Axid trong nước tiểu kết tinh mà thành, còn nước tiểu màu trắng là hiện tượng do canxi gặp lạnh, vì thế mẹ không cần lo lắng nhé!

V. Các chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh

Bé ngừng thở tạm thời

Mẹ luôn lo lắng với một vài biểu hiện của bé, trong đó có việc bé ngừng thở tạm thời. bé sơ sinh cũng thỉnh thoảng cũng có khoảng 10 – 15 giây ngừng thở, đây là hiện tượng bình thường.

Lúc này bé mới dùng mũi hít thở, chứ chưa biết dùng miệng, phổi của bé cũng chưa phát triển hoàn thiện, vì thế bé hít thở không được hoàn thiện lắm nhưng sau 6 tháng tình trạng này sẽ được cải thiện.

Bé thở khò khè

Trong lúc thở, các em bé hay phát ra những tiếng hơi lạ tai – thường là khụt khịt – và nhịp thở của các bé nhiều khi không đều. Phổi em bé còn yếu, có nghĩa là một cách tự nhiên, em bé thở nông hơn người lớn rất nhiều. Điều này không có gì đáng ngại vì phổi của bé sẽ dần dần mạnh lên mỗi ngày.

Thở khò khè là xương mềm ở họng của bé chưa phát triển hoàn toàn gây ra, biểu hiện là khi thở, họng sẽ phát ra tiếng khò khè, lúc âm vào là âm cao, thở ra lại không có. Khi khóc hoặc vội vàng bú sữa sẽ nghe thấy rõ tiếng khò khè, lúc ngủ hiện tượng này sẽ giảm. Lúc mới sinh hiện tượng này chưa rõ rệt sau vài tuần mới rõ.

Đó không phải làm do bé bị viêm phổi hoặc đau họng, sau 6 tháng hiện tượng này sẽ mất.

Hạt kê (Milia)

Các đốm trắng nhỏ chủ yếu thường thấy trên sống mũi nhưng cũng có thể xuất hiện ở nơi khác trên mặt. Đó là do tình trạng tắc nghẽn tạm thời của các tuyến bã nhờn – tiết ra chất bã nhờn (sebum) làm trơn da. Đừng bao giờ nặn chúng – tự nhiên rồi các đốm này sẽ biến đi trong vòng vài ngày.

Thóp của trẻ lồi lên

Thóp của bé đột nhiên lồi lên, khi bé khóc nhìn càng rõ hơn, sờ tay vào có cảm giác căng, kèm theo triệu chứng sốt, nôn chớ, co giật… có thể là bị viêm não hoặc viêm màng não → cần đưa bé đến viện khám ngay.

Nếu Thóp dần dần phình to, có thể trẻ bị u não hoặc tích dịch, tích mủ, tích huyết ở màng cứng →  cần đến bệnh viện kiểm tra.

Cho con sử dụng Dầu gan cá, Vitamin A hoặc Tetracycline trong thời gian dài, làm cho thóp phồng lên, mẹ cần cho bé đến bác sĩ để tư vấn nên dừng uống hoặc giảm lượng dùng.

Thóp của trẻ lõm xuống

Nếu thóp của bé lõm xuống kèm theo triệu chứng thường xuyên đi ngoài, sốt hoặc uống thuốc nhiều khiến cơ thể mất nước, làm cho thóp lõm xuống, như vậy là bé đã bị thiếu nước, cần kịp thời bổ sung nước cho bé.

Bé không tăng cân, gầy yếu trong một thời gian dài, nên kiểm tra thóp của bé. Nếu thóp bị lõm xuống, có thể đoán là bé bị thiếu dinh dưỡng.

→ Để tránh bị viêm nhiễm, mẹ nên thường xuyên vệ sinh thóp cho bé. Nếu bị tổn thương da đầu cần kịp thời khử trùng, tránh viêm nhiễm. Ngoài ra, khi ra ngoài hoặc nhiệt độ trong phòng thấp thì cần đội mũ bảo vệ đầu và thóp của trẻ.

Trẻ khóc

Tiếng khóc của trẻ có thể phản ánh tình trạng sức khoẻ của bé. Cha mẹ cần học cách phân biệt tiếng khóc của trẻ để biết đó là tiếng khóc của trẻ bị đau ốm hay tiếng khóc bị đói, hoặc có nhu cầu nào khác. Như vậy bố mẹ sẽ không nóng lòng với tiếng khóc bình thường, cũng không lơ là với tiếng khóc báo hiệu bệnh tật của trẻ.

Tiếng khóc do bé bị ốm

  • Khóc ban đêm thường là biểu hiện thường gặp của trẻ thiếu canxi và bị giun đũa.
  • Nếu bị xoắn ruột bé hay khóc thét lên, kèm theo sắc mặt trắng bệch, ra mồ hôi nhiều.
  • Tiếng khóc đều, liên tục, mệt mỏi chứng tỏ bộ phận cơ thể nào của bé bị viêm nhiễm.
  • Tiếng khóc chói tai, đứt quãng, không thành tiếng có thể là do xuất huyết não hoặc não úng thuỷ
  • Tiếng khóc to, gào thét, đanh sắc có thể là do bị viêm, va đập hoặc bị bỏng.

Những nguyên nhân khác khiến bé khóc

Bé chưa biết nói nên biểu đạt yêu cầu của mình qua tiếng khóc, vì thế hàm nghĩa tiếng khóc của bé rất phong phú, cha mẹ cần để ý và phân biệt.

  • Khi đói: vừa khóc vừa quay đầu tìm vú mẹ. Lúc này nếu mẹ đặt tay vào miệng bé, bé sẽ lập tức có động tác mút. Tiếng khóc do đói thường đều đều và liên tục, sau khi bé ăn no bé sẽ ngừng khóc
  • Khi quá no: vừa ăn xong là bé khóc, tiếng khóc đanh, đồng thời chân đạp loạn xạ, có thể là bé ăn quá no, cần dùng tiếng khóc để tiêu hoá. Tình trạng này, bé khóc 1 lúc là nín.
  • Khi khát nước: tiếng khóc rất mệt mỏi, môi khô, thỉnh thoảng bé lại thè lưỡi liếm môi, chứng tỏ bé khát nước, mẹ nên cho bé uống nước.
  • Khi muốn được cưng nựng, vỗ về: lúc đầu tiếng khóc sang sảng, nước mắt tuôn rơi, nếu không có ai để ý, một lát tiếng khóc lại nhỏ dần.
  • Khi buồn ngủ: tiếng khóc nhỏ, ngắt quãng, hai mắt nhắm lại đó là lúc bé đang buồn ngủ mẹ nhé!
  • Khi cảm thấy khó chịu: lúc đầu tiếng khóc to, sau đó nhỏ dần, hơn nữa bé quẫy đạp không yên, có thể là do bé tiểu ướt, quần áo chật chội, nóng quá hoặc lạnh quá..
  • Khóc để vận động: tiếng khóc sang sảng, không có nước mắt, khóc theo nhịp điệu, thời gian khóc ít, nếu trêu trọc là bé sẽ cười. Tiếng khóc này là để vận động cơ thể. cho dù vỗ về thế nào, bé cũng không nín khóc, có thể là bé bị ốm, cần kịp thời đến bác sĩ khám và điều trị.
  • Tiếng khóc lúc đại tiểu tiện thông thường không to, sau khi được đi đại tiểu tiện hoặc thay tã sạch bé sẽ ngừng khóc.

→  Tiếng khóc khi có quy luật cũng có tác dụng giúp phổi hoạt động, thúc đẩy tuần hoàn máu giúp cơ thể bé phát triển vì vậy các mẹ đừng quá lo lắng.

Làm thế nào để dỗ dành bé khóc không ngừng ?

Khi mẹ cho bé ăn no, cơ thể bé sẽ cảm thấy thoải mái, tâm trạng vui vẻ, lúc đó bé sẽ không kêu khóc, cho dù kêu khóc cũng chỉ là vận động 1 chút, không kéo dài.

Tuy nhiên nếu các nguyên nhân được loại trừ, mà bé không mệt, ốm, nhưng bé vẫn khóc không ngừng, có thể thử 1 cách hiệu quả sau: nắm chặt tay bé, đặt bé lên bụng và lắc lư nhẹ nhàng. Cách này giúp bé nín khóc hiệu quả. Cho dù bé khóc như thế nào, mẹ cũng nên kiên nhẫn, cố gắng nhẹ nhàng dỗ dành bé. Nếu mẹ cũng nổi nóng, quát to, bé sẽ cảm nhận được tâm trạng của mẹ và càng bất an, không tốt cho tinh thần và tình cảm của bé.

Khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh

Khi chăm sóc trẻ đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ thường xuyên lo lắng khi thấy bé giật mình và khóc thét vào ban đêm. Những cơn khóc dữ dội nhất trong vòng 3 tháng đầu đời sau khi sinh. Bé khóc dai dẳng có khi hơn 3 tiếng và xuất hiện khá thường xuyên trong tuần. Thậm chí ba mẹ còn cảm thấy ám ảnh, mệt mỏi, căng thẳng, đôi khi là sợ hãi khi tình trạng trên kéo dài quá nhiều ngày.

Biểu hiện của khóc dạ đề:

  • Bé đang khoẻ mạnh đột ngột khóc dữ dội vào chiều tối hoặc ban đêm
  • Bé khóc to, đỏ mặt, ưỡn người
  • Chứng này ở trẻ nhỏ khá phổ biến, cử 10 trẻ sơ sinh thì có 2 trẻ khóc dạ đề

Nguyên nhân của trẻ khóc dạ đề:

Chưa có lí giải khoa học nào về hiện tượng trên tuy nhiên khóc dạ đề không phải là bệnh lí nên các mẹ không cần phải quá lo lắng. Một số trường hợp là do em bé đã quen trong bụng mẹ, được sự bảo vệ che trở của mẹ, sau khi sinh, cuộc sống của con có sự thay đổi, trẻ không còn được bao bọc, bảo vệ như trước ít nhiều về ban đêm bé có sự bất an, nhiều khi bé quấy khóc để được ba mẹ quan tâm bé nhiều hơn.

Làm cách nào để trẻ ngưng khóc dạ đề và ngủ ngon giấc ?

  • Trước tiên, Mẹ hãy chắc chắc rằng bé đã bú no đủ. Nếu bé chưa no thì mẹ dùng bình sữa, giữ cho bé nút bình sữa hoặc nếu bé đã no thì dùng ti giả cho bé mút, thói quen ngậm ti sẽ giúp bé dễ chịu hơn và dễ đi vào giấc ngủ hơn
  • Dùng khăn bông mềm mịn, vắt nước ấm và lau mát khắp người bé. Sau đó, thay một bộ đồ cotton thoáng mát, giúp trẻ dễ đi sâu vào giấc ngủ hơn
  • Dùng túi chườm ngâm nước nóng 70 độ C và vớt lên đắp vào thành bụng của bé, giúp bụng bé ấm áp, dễ chịu hơn
  • Giọng hát ru ngọt ngào của mẹ giúp bé cảm nhận được tình yêu thương của mẹ. Hoặc nếu mẹ không biết hát thì mở nhạc nhẹ du dương, nhất là loại nhạc quen thuộc khi con còn trong bụng mẹ
  • Đung đưa bé nhẹ nhàng bằng xe đẩy, nôi hoặc bế trên tay, ôm vào lòng mà đưa nhè nhẹ. Nhịp điệu êm đềm này sẽ giúp bé dễ đi vào giấc ngủ ngon mẹ nhé !

Chứng vàng da ở trẻ sơ sinh

Xem tại đây!

Trẻ em sinh thiếu tháng

Trước kia ở một số nước, tất cả các cháu Bé khi mới sinh ra cân nặng dưới 2.500g đều bị coi là sinh thiếu tháng hay đẻ non. Đó là một sai lầm vì nhiều cháu, tuy nặng dưới 2500g, nhưng đã được hình thành đủ ngày, tháng trong bụng mẹ.

Trẻ sinh thiếu tháng là những đứa trẻ hình thành trong bụng mẹ không tới 37 tuần kể từ ngày đầu của lần kinh nguyệt cuối cùng của bà mẹ. Các cháu sinh thiếu tháng có các biểu hiện da nhǎn, thấy rõ ở tai, vú, gan bàn chân.

Càng thiếu tháng, số cân càng nhỏ. Các hệ thống hô hấp, tiêu hóa, điều chỉnh thân nhiệt… đều chưa hoạt động tốt. Do đó sinh mạng của cháu Bé rất mong manh. Hơn nữa, cơ thể của cháu rất dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm trùng. Cháu lại không đủ sức để bú tí.

Về hình dáng, cháu bé sinh thiếu tháng có chiều dài dưới tiêu chuẩn, đầu to không cân đối với thân, ngực nhỏ, bụng phình, da đỏ, mỏng, nhǎn nheo, còn phủ một lớp lông tơ. Tiếng khóc của Bé yếu ớt và nhịp thở không đều.

Nếu sức khỏe của Bé không đến nỗi nào, thì có thể nuôi Bé với chế độ đặc bịệt ở gần mẹ. Trong trường hợp Bé yếu quá, cần phải nuôi dưỡng ở một trung tâm có chuyên khoa về các trẻ thiếu tháng.

Nếu bạn phải nuôi một cháu bé thiếu tháng tại nhà, cần phải theo đúng những lời chỉ dẫn của cơ quan nuôi dưỡng trẻ. Sữa mẹ là thức ǎn tốt nhất đối với Bé. Nếu không có sữa mẹ, phải nuôi Bé bằng sữa bột thì sữa này cũng phải là sữa đặc bịệt, có lượng chất dinh dưỡng cao.

Ngay từ những ngày đầu, phải chú ý sao cho Bé được cung cấp đủ lượng vitamin A, C, D để tránh bị suy dinh dưỡng. Bé cũng cần được cung cấp thêm chất sắt vào các bữa sữa: thoạt đầu 8 bữa mỗi ngày (quan sát coi Bé bú đã đủ chưa), rồi dần dần giảm xuống 7,6 bữa/ngày.

Bé cần được các chuyên viên sǎn sóc, theo dõi liên tục trong những tuần lễ đầu về số cân nặng, chiều dài, đo vòng sọ. Quan sát các động tác người, tay, chân; khả nǎng hoặc phản ứng về các cảm giác nhìn, nghe… Nói chung, các cảm giác về cơ thể và về tinh thần của Bé đều cần được chú ý đặc bịệt.

Nếu được sǎn sóc đúng mức, một trẻ thiếu tháng có thể phát triển như đứa trẻ bình thường sau 2, 3 nǎm.

Trẻ sinh đôi

Các trẻ sinh đôi, sinh ra thường nhẹ hơn các trẻ sinh bình thường, hoặc trong hai cháu thì có một cháu nhỏ hơn.

Việc sǎn sóc các cháu cũng cần thiết như đối với các cháu sinh thiếu tháng vậy.

Có một điều chắc chắn là cơ thể các cháu bị thiếu chất sắt vì các cháu phải chia nhau lượng hợp chất sắt lẽ ra chỉ để dành cho một người.

Bởi vậy, ngay từ những tuần lễ đầu tiên, phải chú ý cho thêm các thuốc bổ có hợp chất sắt vào sữa để các cháu bú .

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!