Quan điểm thiên lệch về khả năng lý giải (1)

Giáo dục sau tiểu học chủ yếu dựa vào khả năng ghi nhớ thông qua lý giải, đây là điều không thể chối cãi. Nhưng, khả năng ghi nhớ máy móc là quá trình tất yếu trong sự phát triển tâm lý của trẻ sơ sinh, đồng thời cũng là một loại dinh dưỡng tinh thần không thể thiếu đối với trẻ. Trẻ sơ sinh từ không hiểu mọi thứ đến việc từng bước hiểu được vạn vật, từ không có ngôn ngữ (tất nhiên sẽ không thể lý giải) tới có được ngôn ngữ, tất cả đều phải dựa vào khả năng ghi nhớ thông qua ấn tượng (khả năng ghi nhớ máy móc) và sự lĩnh hội từ các tình huống trong cuộc sống.

Ở phần trước, chúng ta đã nói đến việc một đứa trẻ hai, ba tháng tuổi nhận biết mẹ mình đầu tiên, đó cũng là kết quả của khả năng ghi nhớ máy móc. Khi ấy, tuy trẻ nhận thức mẹ của mình song nó không thể biết được mẹ là nam hay nữ, là một con người hay là một con mèo, mà nó chỉ hiểu được rằng, mẹ chính là vật có hình dáng như thế. Song, mọi người vẫn tin tưởng sâu sắc rằng, về sau, trẻ tự nhiên sẽ biết mẹ mình là ai và chúng hoàn toàn yên tâm gửi trọn niềm tin!

Khi người lớn dạy trẻ con học nói, không nên yêu cầu chúng phải lập tức lý giải được, dạy chúng ngay cả khi chúng hiểu và không hiểu, bắt chúng nghe ngay cả khi chúng lý giải được và không lý giải được. Việc người lớn đem đàn gảy tai trâu là tuyệt đối cần thiết bởi trẻ nhỏ như “vẹt con học nói”. Hơn nữa, trẻ nhỏ còn có hứng thú bản năng đối với khả năng ghi nhớ máy móc vì như vậy chúng sẽ có được thông tin để lấp đầy bộ não đang còn trống rỗng. Chúng thích hát những bài ca thiếu nhi, thích đọc thuộc những bài thơ dễ nhớ, thích nghe đi nghe lại nhiều lần một câu chuyện mà không cần người lớn phải giải thích rõ ràng… Tất cả những điều ấy đều là biểu hiện của sự say mê.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!