Quan điểm thiên lệch về “trước tuổi đi học” (2)

Ngày nay, số lượng người thiếu sự chuẩn bị về mặt tâm lý, không chú ý nhiều khi sinh con nên vẫn thiếu kiến thức trong việc nuôi dạy con cái. Bởi vì, quan niệm truyền thống của xã hội luôn cho rằng: Việc giáo dục trẻ nhỏ thực sự chỉ bắt đầu từ sau khi trẻ vào lớp Một, do đó, trách nhiệm của cha mẹ chỉ là cho con ăn no, ngủ đủ, khỏe mạnh và được vui chơi.

Tôi tin rằng, nhân loại sau khi đã giải quyết xong vấn đề ăn no mặc ấm, sẽ dần dần tỉnh ngộ và coi trọng nghiên cứu vấn đề phát triển tự thân. Tôi lập ra Trung tâm nghiên cứu phát triển “Phương án 0 tuổi” ở Hùng Xương – Sơn Tây, Viện nghiên cứu giáo dục sớm ở Duy Phường – Sơn Đông và Học viện giáo dục sớm đầu tiên của Trung Quốc ở thành phố Vũ Hán, với một hi vọng duy nhất là sớm bồi dưỡng nên nhiều nhân tài, thực hiện nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn giáo dục sớm bắt đầu từ 0 tuổi, đồng thời cũng là để lấp chỗ trống trong lĩnh vực này, cùng các bạn đồng nghiệp khai phá mảnh đất mới – giáo dục tố chất ngay từ giai đoạn đầu.

Tôi còn cho rằng, cần phải thau đổi cách gọi của cụm từ “giáo dục trước khi học”. Bởi lẽ, tuy cụm từ này nhắc tới việc “giáo dục trước khi vào tiểu học”, nhưng trên thực tế đã sớm bị nhiều người hiểu lầm rằng đó là “giáo dục trước tuổi đi học”, do đó, tự nhiên người ta sẽ có suy nghĩ “trước tuổi học, tất nhiên là trước khi đi học”. Vì vậy, chỉ cần đảm bảo cho trẻ khỏe mạnh, dạy trẻ học cũng được mà không dạy cũng chẳng sao. Hơn nữa, cụm từ “giáo dục trước khi học”, xét về mặt câu chữ, bản thân nó đã có sự mâu thuẫn. Đã gọi là “trước khi học” thì cần gì phải “giáo dục”, mà đã “giáo dục” thì sao lại nói “trước khi học”? Vậy chúng ta nên đổi thành “giáo dục trẻ từ 0-6 tuổi” hoặc “giáo dục sớm” có lẽ sẽ thỏa đáng hơn.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!