Số lượng chữ nhận biết được không phải là tiêu chuẩn đánh giá sự giỏi hay kém của trẻ nhỏ

Hơn nữa, do điều kiện của từng gia đình khác nhau, đặc điểm của các em cũng không giống nhau, thậm chí cả việc có hình thành nên sự mẫn cảm hay không cũng khác nhau, vì thế số lượng chữ nhận biết được là bao nhiêu, sớm hay muộn theo lẽ tự nhiên cũng không thể giống nhau. Do đó, số lượng chữ nhận biết được không phải là tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá sự giỏi hay kém của trẻ nhỏ. Việc dạy trẻ nhận biết mặt chữ ngay từ giai đoạn đầu không cần phải sắp xếp theo thứ tự, cũng không cần đánh giá cao thấp mà phải biết rằng cách nhìn nhận đối với cuộc sống cùng niềm đam mê nhận biết mặt chữ và đọc sách còn quan trọng hơn cả số lượng mặt chữ mà trẻ nhận biết được.

Bắt buộc trẻ phải học tập một cách máy móc và cứng nhắc, dạy trẻ một cách đơn điệu và kém thú vị sẽ mang lại cho trẻ cảm giác nhàm chán. Nếu phải dùng phương pháp này vào việc dạy trẻ nhận biết chữ và đọc hiểu, chắc chắn trẻ sẽ từ chối học, đồng thời làm người lớn thất vọng, cuối cùng sẽ không mang lại kết quả. Hậu quả là cả người lớn và trẻ không những không hoàn thành nhiệm vụ mà bản thân trẻ đó ghét chữ, ghét đọc sách không thấy hứng thú với việc học chữ nên hình thành tâm lý “chán ghét học tập”.

Vì thế, chúng ta không thể ép buộc trẻ phải nhận biết chữ mà nên chú trọng dành nhiều thời gian để tạo ra môi trường, làm tấm gương mẫu mực, gợi ý và hướng dẫn cho trẻ, cuốn hút trẻ bằng các hoạt động và trò chơi thú vị, cổ vũ và biểu dương trẻ để bồi dưỡng trẻ từ nhiều phương diện khác nhau. Tuy mỗi ngày chỉ hoạt động cùng trẻ trong dăm ba phút ngắn ngủi nhưng trước khi tạo hứng thú nhận biết chữ và trước khi cùng trẻ thực hiện nhận biết chữ, người giáo dục cần phải suy nghĩ, nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ về mặt tư tưởng, lý luận cũng như phương pháp.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!