Trẻ học chữ và từ
Chúng ta nói học chữ, trên thực tế là học từ (từ là đơn vị có ý nghĩa nhỏ nhất trong ngôn ngữ, từ do chữ đơn tạo thành gọi là từ đơn âm tiết, từ do hai hoặc trên hai chữ trở lên tạo thành gọi là từ đa âm tiết). Học cả chữ và từ mới có thể đọc, viết chữ, làm văn, chỉ học chữ đơn thuần thì không có ý nghĩa.
Học chữ qua việc tập đọc thể hiện lợi ích ở nhiều mặt: Thứ nhất, kịp thời củng cố chữ (từ) đã học. Trong quá trình đọc câu, đọc bài hát, đọc đoạn văn, trẻ gặp lại nhiều lần những chữ đã học, ấn tượng sẽ thêm sâu sắc, không thể nào quên, giống như gương mặt của người thân, người quen. Thứ hai, khi đưa ra những chữ (từ) mới, trẻ sẽ hứng thú học, do đó trẻ sẽ nhớ chữ. Hơn nữa, chỉ dựa vào việc đọc mới có thể giúp trẻ hiểu và ghi nhớ những hư từ như “cũng”, “rồi”, “của”, “và”, “lại”. Những hư từ này nếu tách ra khỏi câu sẽ rất khó ghi nhớ’.
Quan trọng hơn nữa là đọc chữ thú vị hơn việc chỉ ghi nhớ chữ một cách đơn thuần. Mỗi câu, bài hát, đoạn văn đều có ý nghĩa, có giai điệu, có tình huống, có nội dung nên tất nhiên sẽ thỏa mãn nhu cầu bắt chước, cảm nhận cái đẹp của giai điệu và phát triển khả năng cảm thụ ngôn ngữ và sức tưởng tượng của trẻ khi đang ở độ tuổi đẹp nhất để phát triển ngôn ngữ. Cho nên luyện đọc trước, đọc từ chữ đến từ, từ từ đến cụm từ, đoản ngữ, từ cụm từ, đoản ngữ đến câu, bài hát, câu chuyện là phương pháp hữu hiệu, đơn giản nhất để trẻ học chữ, đây cũng chính là mục đích của việc học chữ. Mục đích cơ bản của việc học chữ là phát triển khả năng đọc cho trẻ. Phương pháp học chữ thông qua đọc sẽ giúp việc học chữ, tập đọc cùng phát triển, hỗ trợ lẫn nhau. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với trẻ sau bốn tuổi.
Câu, bài hát, đoạn văn mà trẻ đọc phải là sự vật, câu chuyện mà trẻ yêu thích, là những câu đọc thuận miệng và có nội dung phản ánh cuộc sống của trẻ. Ban đầu nên chọn văn vần, dần dần đến tản văn để đọc cho trẻ nghe giúp trẻ bước dần vào thế giới đọc chữ. Khi hướng dẫn trẻ đọc cần chú ý những điểm sau:
Khi mới dạy trẻ đọc, bạn nên yêu cầu trẻ vừa chỉ tay vào chữ vừa đọc, đến khi trẻ đã biết hết các chữ và đọc tương đối lưu loát thì khuyến khích trẻ đọc trực tiếp bằng mắt.
Khuyến khích trẻ xem tranh, đọc câu, kể nội dung của tranh
Dùng “phương pháp học chữ qua lỗ” để nhấn mạnh những chữ mới và chữ chưa được củng cố trong câu, trong đoạn văn. Sau khi trẻ đọc câu và đoạn văn, dùng miếng giấy cứng khoét lỗ to bằng một chữ để đặt lên trên chữ. Và bạn đặt lên trên chữ nào trẻ phải đọc chữ đó. Nếu trẻ không đọc được chữ đó thì để trẻ đọc cả câu sau đó làm lại. Trẻ cũng rất yêu thích phương pháp học chữ qua trò chơi.
Ngoài đọc lời bài hát, đọc sách, bạn cũng có thể dạy trẻ đọc những bức thư ngắn (thư họ hàng bạn bè viết cho trẻ hay thư cha mẹ viết cho trẻ khi đi công tác). Cách đọc này rất dễ thực hiện.
Đối với những trẻ sau ba tuổi chưa biết chữ, có thể trực tiếp dùng “phương pháp học chữ bằng việc đọc”, đọc sách trước sau đó học chữ, học chữ hoàn toàn thông qua việc đọc, phải phát triển đồng thời hai việc ngay từ khi mới bắt đầu dạy trẻ.
Chương trình dạy trẻ đọc phải lấy văn vần làm chính, ngắn gọn sinh động, thú vị, gần gũi với cuộc sống của trẻ. Phương pháp đọc phải luôn đổi mới, đa dạng. Ví dụ:
Đọc sau khi thầy cô kể chuyện, trẻ kể lại chuyện sau khi đọc.
Đọc sau khi xem tranh, đọc xong kể lại nội dung tranh.
Thầy cô đọc trước, trẻ đọc theo (vừa chỉ tay vừa đọc).
Trẻ dẫn đọc, các trẻ khác đọc theo.
Đọc luân phiên: thầy cô đọc câu đầu tiên, trẻ đồng thanh đọc câu thứ hai… một số trẻ đọc câu đầu tiên, số khác đọc câu thứ hai…
Chọn đọc: đánh số cho từng câu, thầy cô (hoặc một trẻ nào đó) gọi đến số nào, cả lớp đọc câu số đó.
Đọc đối thoại: chuẩn bị một số bài hội thoại, để trẻ nhập vai.
Mỗi trẻ đọc một câu: trẻ thứ nhất đọc câu thứ nhất, trẻ thứ hai đọc câu thứ hai… sau khi đọc xong câu cuối cùng lại quay về câu thứ nhất.
Đoán chữ sau khi đọc: viết ra một chữ mà trẻ không biết, dẫn dắt trẻ đọc bài văn xong thì đoán chữ đó.
Đọc ngược: bắt đầu đọc ngược từ cuối lên, những chữ không biết vẫn cứ đọc theo, nghĩ một chút, rồi tiếp tục đọc.
Có thể nói, nếu dạy trẻ đọc theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, để trẻ được đọc nhiều lần những bài văn thú vị, tiếp xúc nhiều lần với chữ viết, thì khả năng học chữ, đọc chữ của trẻ sẽ tiến bộ không ngừng.