Dù là người trưởng thành hay trẻ nhỏ, điều quan trọng nhất trong hoạt động học tập chính là tính chủ động và tính tích cực của chủ thể. Đó cũng chính là “nội lực” của chủ thể. Tất cả những ảnh hưởng tác động từ bên ngoài đều phải thông qua nội lực mới có thể phát huy tác dụng. Không ai trong chúng ta có thể học tập hay phát triển, suy nghĩ và ghi nhơ thay cho người khác.
“Nội lực” để khai phát trí tuệ của trẻ nhỏ không cần tới những lý tưởng cao siêu, những mục tiêu to lớn, ý chí kiên cường, niềm đam mê lớn lao mà chủ yếu dựa vào những nét tính cách như trí tò mò, khao khát đi khám phá những điều mới mẻ thú vị, lòng hiếu thắng và sự tự tin. Nếu trẻ không có những nét tính cách này cũng như không có nhu cầu về đời sống tinh thần mà thay vào đó là những tính cách như buông thả, gàn dở, hay quấy khóc, không vâng lời… thì trẻ không thể có khả năng tập trung, cảm nhận không rõ ràng, quan sát thiếu tỉ mỉ, ghi nhớ rất mơ hồ, tư duy không mạch lạc, trí tưởng tượng không phong phú. Như thế làm sao có thể khai sáng và phát triển tốt trí tuệ của trẻ? Những đứa trẻ ngay khi vừa bước vào tiểu học đã không theo kịp bạn bè thì đa phần các em đã bị nhiễm những nét tính cách không tốt.
Tính cách của trẻ có mối quan hệ sâu sắc tới hạnh phúc của cả gia đình. Đặc biệt là trong xã hội mỗi gia đình chỉ sinh một con, một đứa trẻ chính là tương lai và niềm hi vọng của cả gia đình. Chính vì thế, mỗi một gia đình chúng ta cần phải chú trọng bồi dưỡng những nét tính cách tốt đẹp cho con trẻ ngay từ khi chúng còn nhỏ, coi đó là ưu tiên hàng đầu, là việc lớn “một vốn bốn lời” trong quá trình dạy con thành tài.