Tổng quan chứng áp xe răng ở trẻ em

Áp xe răng là một bênh nhiễm trùng răng miệng thường gặp. Trẻ nhỏ chưa biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách nên sẽ có nguy cơ cao bị áp xe răng. Cần làm gì đề hạn chế tối đa nguy cơ mắc áp xe răng cho trẻ?

Áp xe răng là một cái túi đầy mủ phát sinh ra ở chân một chiếc răng sâu. Ở răng sữa một áp xe răng có thể làm tổn thương đến chiếc răng vĩnh viễn nằm bên dưới, nếu để yên không chữa trị. Các áp xe răng gần như bao giờ cũng rất đau vì do chúng nằm ở chỗ rất hẹp mà thuốc giảm đau không phải lúc nào cũng làm dịu được.

Bệnh có nghiêm trọng không?

Áp xe răng bao giờ cũng phải được xử lý một cách nghiêm túc vì nó làm cho bé rất khó chịu và có thể sẽ phải nhổ răng.

Triệu chứng có thể gặp:

  • Nổi u sưng đỏ trong nướu một bên răng.
  • Đau nhức theo nhịp mạch.
  • Sờ đau và sưng một bên mặt.
  • Nổi hạch cổ.
  • Đau dưới tai bên phía mặt bị áp-xe.

Việc gì phải làm trước tiên?

  1. Khám nướu xung quanh chiếc răng và nếu bạn nhận thấy có một cục đỏ, hãy sờ nhẹ bằng đầu ngón tay. Cục này sẽ gây cảm giác mềm và xốp vì có tích mủ bên dưới.
  2. Cho bé uống vài liều paracetamol nước để cố làm giảm cơn đau. Đừng dùng thuốc tê tại chỗ như dầu đinh hương chẳng hạn. Những thứ thuốc này có thể làm tổn thương bờ nướu, dẫn tới nhiều vấn đề về răng hơn.
  3. Súc miệng bé với một dung dịch nước muối loãng cho áp xe chóng vỡ ra và để rửa sạch mủ đã rỉ ra.
  4. Áp một túi chườm nước nóng bọc khăn vào má bé để làm dịu cơn đau.

Có cần đi khám bác sĩ không?

Hãy đi khám nha sĩ ngay hoặc đưa bé tới phòng cấp cứu nào gần nhất.

Bác sĩ có thể làm gì?

  • Nha sĩ hay bác sĩ sẽ dẫn lưu mủ bằng cách rạch nướu hoặc nhổ răng nếu không thể chữa răng được. Cả hai tiểu phẫu này sẽ được thực hiện sau khi gây tê.
  • Nha sĩ hay bác sĩ sẽ kê toa một đợt thuốc kháng sinh để trị nhiễm trùng tận gốc. Bé có thể được kê một thứ thuốc súc miệng để sử dụng ba, bốn lần mỗi ngày cho đến khi lành vết rạch.

Giúp bé bằng cách nào?

  • Duy trì nề nếp đánh răng đều đặn để giảm thiểu nguy cơ sâu răng.
  • Đưa bé đi khám nha sĩ đều đặn từ tuổi lên ba trở đi.
  • Cắt giảm lượng kẹo và thức ăn ngọt nhiều đường trong chế độ ăn của con bạn.

Xem thêm:

Nội dung bài viết do Bác sĩ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sĩ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!