Trẻ em thích nhất trò chơi hoạt động, phương pháp học chữ kết hợp với trò chơi hoạt động đa dạng sẽ rất thu hút trẻ, ví dụ như:
Dạy các con vật “học chữ”
Trẻ em thường coi gấu bông, mèo bông, chó bông, hay búp bê vải là những người bạn tốt nhất của mình. Do yêu quý chúng, cùng với tính ganh đua vốn có nên trẻ không chịu thua kém những con vật đó, thích tranh việc học chữ và dạy các con vật “học chữ”. Người lớn có thể lợi dụng tâm lý kỳ diệu và độc đáo này của trẻ để giúp trẻ tiến bộ nhanh chóng trong học chữ.
Phương pháp được thực hiện như sau: bạn hãy dạy các con vật “học chữ” một cách nghiêm túc, ví dụ nói: “Gấu nhỏ, mèo con, gấu trúc, búp bê, các con đến đây nào, mẹ dạy chữ cho các con nhé!” Trẻ nghe thấy cũng sẽ nói: “Con cũng muốn học chữ!” Bạn tiếp tục nói với các con vật: “Gấu nhỏ, chó con… ngồi ngoan nhé!” và đặt các con vật ngồi ngay ngắn trên ghế sofa. Khi đó, trẻ sẽ nói to: “Con cũng muốn ngồi..”. rồi vội vàng ngồi xuống cùng các con vật.
Khi bạn dạy các con vật học chữ, trẻ sẽ tranh trả lời hoặc trả lời thay cho các con vật, trẻ sẽ nhập vai rất linh hoạt. Thỉnh thoảng, bạn có thể khen trẻ thông minh, biểu dương hoặc phê bình một con vật nào đó. Khi áp dụng phương pháp này, thái độ của bạn càng nghiêm túc thì trẻ càng coi là thật, chúng sẽ rất vui và hài lòng, thời gian học và chơi sẽ trôi qua rất nhanh. Phải kết thúc khi trẻ vẫn còn hứng thú và nói: ngày mai lại chơi tiếp. Trẻ sẽ rất vui. Phương pháp này thích hợp cho trẻ khoảng hai tuổi, có thể áp dụng cho việc dạy tập thể ở nhà trẻ.
Vận chuyển thẻ chữ
Đồ chơi của trẻ thường có các “phương tiện giao thông” như ô tô, xe tải, xe kéo, ta có thể dùng chúng để chơi trò vận chuyển thẻ chữ. Ví dụ bạn có thể nói: “Gấu nhỏ biết chữ nhanh, hươu nhỏ học chữ chậm, chúng ta sẽ chuyển từng chữ mà gấu nhỏ học được lên xe tải chở đến nhà hươu nhỏ, để hươu nhỏ cố gắng học chữ, được không nào? Chuyển chữ nào đi bây giờ nhỉ? Con đọc một chữ rồi chúng ta cùng xếp chữ đó lên xe, được không?” trẻ sẽ hào hứng trả lời: “Được ạ” và tích cực đọc chữ, xếp lên xe, đẩy đi. Đến chỗ hươu nhỏ, bạn tiếp tục gọi ý để trẻ dạy hươu nhỏ học chữ: “Hươu nhỏ học nhanh lắm, học tốt lắm. À, vịt nhỏ bên kia cũng chưa biết chữ kìa. Chúng ta lại chuyển chữ đến nhà vịt con được không nào?”… Cứ tương tự như vậy, hãy để việc học chữ bước vào thế giới cổ tích của trẻ, trẻ sẽ vui vẻ học thật nhiều chữ và tự tin, nhiệt tình giúp đỡ các con vật nhỏ (những người bạn nhỏ). Phương pháp này phù hợp cho trẻ khoảng hai tuổi.
Lấy chữ viết làm vật thật
Bạn có thể dùng những trẻ chữ để thay thế vật thật tham gia vào trò chơi. Bạn nên dạy chữ cho trẻ theo một chủ đề. Ví dụ như khi dạy các chữ, các từ thuộc loại rau thịt cá thì dùng các thẻ chữ “bắp cải”, “củ cải”, “tỏi”, “hẹ”, “đậu tằm”, “cải bó xôi”, “cá tươi”, “thịt bò”, “dưa chuột”, “cà chua”, “trứng vịt”… Bạn có thể giả vờ bày một chợ rau, để trẻ xách làn đi mua. Trẻ phải mua những thứ theo lời bạn dặn (chỉ được nhìn chữ, không được nhìn hình). Nếu trẻ mua đúng thì thưởng, mua sai thì cho trẻ xem tranh ở mặt sau và để trẻ đi mua lại. Bạn cũng có thể bày cửa hàng bách hóa, cửa hàng hoa quả, cửa hàng thời trang giày dép… Trò chơi này phù hợp với trẻ hai, ba tuổi. Hoặc bạn có thể xây “nhà” cho các con vật nhỏ, trên cửa viết “nhà của vịt con”, “nhà của gà con”, “nhà của chó con”, “nhà của ếch”, “nhà của chuồn chuồn”…, cho trẻ đội mũ mang hình các con vật để đi tìm nhà của mình, nếu vào nhầm nhà trẻ sẽ bị phạt (phù hợp cho trẻ hơn hai tuổi).
Bạn cũng có thể sử dụng một hình thức chơi khác như vẽ một bản đồ đơn giản của địa phương (thành phố, nông thôn) lên đất, trên đó viết tên những địa điểm quen thuộc với trẻ. Chỉ vào bản đồ, bạn hỏi trẻ: “Chúng ta đến nhà bà ngoại chơi thì đi như thế nào, đi qua những đâu?” Hướng dẫn trẻ dùng phấn vẽ ra tuyến đường, nối những nơi phải đi qua (tên địa điểm có thể viết trên giấy, trên đất, hoặc dùng thẻ chữ đặt lên đất). Yêu cầu trẻ vừa nhìn chữ, vừa nói ra tuyến đường. Ví dụ, “Từ cung văn hóa” đi xe số 11 đến “Tư Môn Khẩu”, sau khi xuống xe lên “cầu Trường Giang”, đi xe điện số một đến “cầu Lục Độ” thì xuống, đi qua “đường Tam Dân” đến “đường Dân Chủ” cuối cùng tìm đến “số nhà 87” là “nhà bà ngoại”. A! Đến nhà bà ngoại rồi!” (phù hợp cho trẻ ba, bốn tuổi).
“Cố ý làm sai” để trẻ sửa
Khi trẻ mới học được một chữ nào đó, bạn có thể giúp trẻ ghi nhớ kỹ hơn bằng cách cố ý đọc sai, để trẻ phát hiện sửa lỗi sai đó. Bạn có thể vờ hỏi trẻ: “Thầy (cô) ơi, chữ này đọc như thế nào nhỉ, bố (mẹ) ngốc quá!” Trẻ sẽ cảm thấy thích thú khi được làm người lớn. Những chữ sai được trẻ sửa, trẻ sẽ không bao giờ quên, tăng thêm hứng thú và tự tin trong việc học chữ cho trẻ.
Trò chơi này có thể biến hóa thành nhiều kiểu khác nhau, như “thầy trò đổi chỗ”, “nghe truyện học chữ”, “hát học chữ” (đọc lời bài hát mà trẻ thích trước rồi mới hát), “học chữ bằng tranh” (đặt tên cho tranh), nhưng phải phù hợp với đặc điểm độ tuổi của trẻ, để trẻ vừa học vừa có hứng thú, dần dần từng bước tăng độ khó của trò chơi.